Cơ hội thúc đẩy hòa bình bền vững tại Myanmar

Ngày 8/11, cử tri Myanmar đi bỏ phiếu bầu quốc hội khóa mới. Đây là cuộc tổng tuyển cử lần thứ ba trong vòng 60 năm qua, diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế Myanmar, đặt ra nhiều thách thức cho  tiến trình dân chủ hóa đất nước và hòa giải dân tộc tại quốc gia Đông Nam Á này.

Trong cuộc tổng tuyển cử lần này, tổng cộng có 5.831 ứng cử viên thuộc hơn 90 đảng phái và các ứng cử viên độc lập đăng ký tham gia tranh cử. Tuy nhiên, đây sẽ là cuộc đua chính giữa đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn Đoàn kết và phát triển (USDP) đối lập. Cuộc bầu cử hạ viện có 330 đơn vị bầu cử và cuộc bầu cử thượng viện có 168 đơn vị bầu cử. Bầu cử nghị viện cấp bang và cấp vùng có 644 đơn vị bầu cử và 29 địa điểm bầu cử cho dân tộc thiểu số. 

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi bỏ phiếu sớm cho cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11 tại văn phòng Ủy ban Bầu cử Liên minh ở Naypyidaw. Ảnh: Aung Shine Oo/AP 

Giới phân tích nhận định đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền sẽ vẫn chiếm ưu thế so với các đảng khác trong cuộc bầu cử do đảng này vẫn duy trì được sự ủng hộ to lớn từ đa số các dân tộc ở Myanmar (68% dân số toàn quốc). Tuy nhiên, để duy trì thế đa số trong quốc hội, NLD phải giành được 2/3 số ghế cạnh tranh ở cả hai viện, trong khi 1/4 số ghế đã được dành cho quân đội Myanmar.

Với dân số hơn 50 triệu người, bao gồm 135 dân tộc và nhiều nền văn hóa khác nhau cùng tồn tại, nguy cơ chia rẽ và xung đột sắc tộc luôn đe dọa sự ổn định xã hội tại Myanmar. Kể từ khi nước này giành độc lập từ Anh năm 1948, những cuộc xung đột sắc tộc tại Myanmar đã khiến hơn 130.000 người thiệt mạng. Do đó, sau khi NLD giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, tiến trình hòa bình và hòa giải nhằm chấm dứt xung đột tại Myanmar được xem là ưu tiên hàng đầu đối với bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD. Trong những năm qua, vai trò của bà Suu Kyi trong tiến trình hòa bình cũng ngày càng rõ nét. Bà vừa là người khởi xướng Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21, vừa là Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp đối thoại hòa bình liên bang (UPDJC) - cơ quan gồm đại diện chính phủ, các nhóm vũ trang sắc tộc, đảng phái chính trị, chịu trách nhiệm kiến tạo các cuộc đối thoại hòa bình. 

Sau khi đảng NLD lên nắm quyền, tại Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 lần thứ nhất vào năm 2016, lần đầu tiên Chính phủ Myanmar đã mời tất cả các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số - lực lượng đối lập với chính phủ - tham gia hòa đàm, giúp các nhóm vũ trang có cơ hội trình bày và lắng nghe quan điểm về tương lai đất nước. Đây được xem là một bước ngoặt lớn bởi những thỏa thuận ngừng bắn trước đây chỉ tập trung vào một số cộng đồng sắc tộc và tôn giáo thiểu số nhất định và cũng chưa có thỏa thuận nào duy trì được hiệu lực lâu dài.

Với mục tiêu đoàn kết các nhóm sắc tộc và xây dựng một liên bang dân chủ thông qua đối thoại, hội nghị đã tập trung vào khuôn khổ đối thoại chính trị quốc gia nhằm chấm dứt xung đột giữa quân đội và các nhóm vũ trang suốt gần 7 thập niên. Một trong những nguyên tắc chính trị nhận được sự đồng thuận cao tại Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 là việc Chính phủ Myanmar đồng ý trao quyền lập pháp cho chính quyền các khu vực hoặc các bang. Các bên cũng thống nhất thành lập một cơ quan Hiến pháp độc lập để giải quyết tranh chấp liên quan luật pháp liên bang và địa phương, đồng thời đề ra những nguyên tắc chung bao gồm phân chia hợp lý các khoản thu thuế và nguồn tài chính giữa nhà nước liên bang và chính quyền bang hoặc địa phương; bảo đảm cơ hội phát triển kinh tế bình đẳng giữa các khu vực. 

Qua 3 lần tổ chức Hội nghị Panglong thế kỷ 21 vào tháng 8/2016, tháng 5/2017, tháng 7/2018, tổng cộng 51 nguyên tắc cơ bản liên quan đến liên bang đã được ký kết. Đặc biệt, tại hội nghị lần thứ tư vào tháng 8/2020, các bên đã ký Hiệp định Liên bang phần III, được đánh giá là đầy đủ khi chỉ rõ được con đường và cách thức giải quyết các vấn đề liên quan Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc (NCA) và những khó khăn trong quá trình thực hiện, cũng như mô tả chi tiết mô hình Liên bang Dân chủ Myanmar hướng tới và cách thức thực thi. 

Thông qua các nỗ lực đối thoại, đến nay, 10 tổ chức vũ trang sắc tộc đã ký NCA với Chính phủ Myanmar kể từ khi hiệp định này được khởi xướng tháng 10/2015. 

Tuy nhiên, dù Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 đã mang lại nhiều hy vọng, nhưng việc một số nhóm vũ trang đòi ly khai, chưa ký hiệp định ngừng bắn không tham dự cho thấy con đường hòa bình của Myanmar vẫn còn gian nan.  Bên cạnh đó, xung đột sắc tộc bùng phát từ năm 2017 tại bang Rakhine đã cản trở chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc nhằm mở ra cơ hội phát triển cho Myanmar. 

Đặc biệt, thời gian qua, sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 tại Myanmar khiến tình hình trở nên phức tạp. Với gần 60.000 ca nhiễm và hơn 1.300 ca tử vong do COVID-19, Myanmar là một trong những quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với tình hình dịch nghiêm trọng nhất, trong khi lệnh phong tỏa đã khiến hàng trăm nghìn người mất việc làm. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định dịch COVID-19 đang giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Myanmar, có nguy cơ đảo ngược một phần những tiến bộ nước này mới đạt được trong cuộc chiến giảm nghèo đói. 

Theo Báo cáo Kinh doanh năm 2020 của WB, Myanmar đứng thứ 165/190 nền kinh tế, tăng so với thứ hạng 171 của năm ngoái. Tuy nhiên, kể từ trước khi đại dịch bùng phát, 1/3 trong tổng số 53 triệu dân Myanmar có nguy cơ cao rơi vào cảnh nghèo đói. Nguyên nhân là do ngành sản xuất, đặc biệt là dệt may (lĩnh vực chủ lực của Myanmar), nằm trong số những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi cú sốc cung cầu. Dù sản xuất và kinh doanh đã nối lại sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế vào tháng 5 và tháng 6, song nhu cầu toàn cầu suy yếu đã khiến dệt may không thể hoạt động hết công suất. Giờ đây, các biện pháp hạn chế mới càng khiến tình hình trầm trọng hơn. 

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất trong 3 quý đầu tài khóa 2019-2020 giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình này, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Myanmar sẽ giảm từ mức 6,8% trong tài khóa 2018-2019 xuống còn 0,5% trong tài khóa 2019-2020. Nếu dịch bệnh kéo dài, tăng trưởng kinh tế thậm chí có thể giảm tới 2,5% trong tài khóa 2019-2020, phục hồi trở lại vào tài khóa 2020-2021.

Với những khó khăn chồng chất như vậy, cuộc tổng tuyển cử lần này được xem là phép thử đối với năng lực lãnh đạo của đảng NLD. Trên thực tế, mặc dù dịch bệnh vẫn đang gây khó khăn cho công tác tổ chức, song chính quyền Myanmar vẫn quyết tâm tiến hành cuộc bầu cử này đúng kế hoạch bởi đây được xem là một bước tiến quan trọng trên lộ trình hướng tới hòa bình và hòa giải, đồng thời được xem là một dấu ấn nữa trong tiến trình dân chủ của Myanmar. Trong bối cảnh hòa giải và hòa hợp dân tộc là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển của Myanmar, cuộc bầu cử này được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội củng cố lòng tin giữa các bên, thúc đẩy những nỗ lực duy trì đối thoại, hướng tới hàn gắn, hòa bình, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân.

Đặng Ánh (TTXVN)
Myanmar vẫn tổ chức bầu cử theo đúng kế hoạch vào ngày 8/11
Myanmar vẫn tổ chức bầu cử theo đúng kế hoạch vào ngày 8/11

Các quan chức Myanmar cho biết chính phủ nước này vẫn lên kế hoạch tổ chức cuộc tổng tuyển cử trong tháng 11 bất chấp lời kêu gọi hoãn bầu cử từ các đảng phái đối lập do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN