Cơ hội của bà Merkel khi tranh cử thủ tướng nhiệm kỳ 4

Theo tờ “Thương báo” (Hong Kong), sau tuyên bố chính thức của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thủ đô Berlin tối 20/11 vừa qua về việc bà sẽ tiếp tục tham gia tranh cử vào năm 2017, và sẵn sàng làm thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư, các nhà phân tích cho rằng đây là kết quả của sự quan sát, nhận định tình hình, cẩn thận lựa chọn thời cơ của bà sau khi đã trải qua những khó khăn chính trị.

 Tình hình hiện nay cho thấy khả năng bà Merkel giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới để tiếp tục giữ ghế thủ tướng Đức nhiệm kỳ mới là rất cao, tuy nhiên bà cũng đứng trước những ẩn số nhất định. 

Trong cuộc họp báo ngày 20/11, Thủ tướng Merkel cho biết bà đã nhiều lần được hỏi liệu sẽ tiếp tục tham gia tranh cử một lần nữa hay không và câu trả lời của bà luôn là sẽ chọn thời điểm thích hợp để công bố quyết định và bây giờ chính là thời điểm đó. Bà Merkel cho rằng cuộc bầu cử lần này sẽ là cuộc bầu cử khó khăn nhất kể từ khi nước Đức thống nhất, vì phải giải quyết các yêu cầu từ các chính đảng, và đối với vấn đề người tị nạn, Đức cần phải đưa ra chính sách chuẩn xác. Bà Merkel giữ chức Thủ tướng Đức kể từ tháng 11/2005. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel tại một sự kiện ở thủ đô Berlin ngày 29/11. Ảnh: AP/TTXVN

Trên chính trường Đức, bà Angela Merkel, 62 tuổi, chưa có đối thủ chính trị xứng tầm. Nhưng chính sách tị nạn của bà đang gây tranh cãi trong nội bộ nước Đức, khiến cho tương lai chính trị của bà bị đả kích. Chính quyền Merkel luôn giữ thái độ cởi mở đối với việc tiếp nhận người tị nạn. Năm 2015, nước Đức đã tiếp nhận gần 900.000 người tị nạn, và năm nay dự kiến cũng sẽ tiếp nhận 300.000 người. Chi phí rất lớn cho việc định cư người tị nạn và những tác động xã hội cũng như yếu tố an ninh mà vấn đề này mang lại đã khiến công chúng Đức không hài lòng, bản thân bà Merkel cũng phải trả giá rất đắt cho vấn đề này khi tỉ lệ ủng hộ bà ngày càng xuống thấp. 

Tháng 9/2016, trong các cuộc bầu cử Hội đồng địa phương ở bang Mecklenburg - Vorpommern và thủ đô Berlin, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) do bà Merkel lãnh đạo liên tiếp thất bại, mặc dù bang Mecklenburg - Vorpommern được coi là “đại bản doanh chính trị” của bà Merkel. Thất bại của CDU có liên quan chặt chẽ đến sự trỗi dậy của các chính đảng cánh hữu luôn giương ngọn cờ phản đối chính sách tị nạn của bà Merkel. Vấn đề khiến bà Merkel thụ động hơn là đảng chị em trong CDU là Liên minh Xã hội Cơ đốc cầm quyền ở Bavaria (CSU) cũng đã công khai bày tỏ thái độ không hài lòng với chính sách tị nạn của bà, thậm chí cân nhắc việc có nên ủng hộ bà Merkel tiếp tục cầm quyền ở nhiệm kỳ tiếp theo hay không. 

Kết quả thăm dò dư luận hồi tháng 8/2016 cho thấy, có tới 50% người dân Đức phản đối bà Merkel tiếp tục làm thủ tướng, còn tỉ lệ ủng hộ bà chỉ vào khoảng 42%, tiếp tục giảm so với con số 45% hồi tháng 11/2015. Tuần san “Der Spiegel” của Đức tiết lộ, từ đầu năm 2016, bà Merkel đã lên kế hoạch công bố chiến dịch tái tranh cử thủ tướng nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, vấn đề người tị nạn rõ ràng đã cản trở kế hoạch này, vì vậy bà không bày tỏ thái độ trong vấn đề có tiếp tục tranh cử làm thủ tướng nhiệm kỳ mới hay không. 

Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò mới nhất do truyền thông Đức thực hiện, hiện đã có 55% người Đức có thể ủng hộ bà Merkel tiếp tục làm thủ tướng. Giới phân tích cho rằng cùng với việc chính sách tị nạn từng bước có hiệu lực, tỉ lệ ủng hộ bà Merkel gần đây đã tăng trở lại. Tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với bà Merkel hiện nay mặc dù giảm hơn so với giai đoạn đỉnh cao, song bà vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi. 

Theo giới chuyên gia, nhìn từ tình hình quốc tế hiện nay, một loạt nhân tố mới như tỉ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, người dân Anh quyết định rời bỏ EU (Brexit), sự trỗi dậy của lực lượng cực hữu ở Pháp... đã tạo cảm giác bất an tại các nước châu Âu. Ngược lại, nền chính trị Đức vẫn tương đối ổn định, nền kinh tế ngày càng khả quan, vị trí và vai trò chủ đạo trong các vấn đề châu Âu ngày càng trở nên nổi bật. Uy tín lãnh đạo của bà Merkel được khắp nơi khen ngợi, ngẫu nhiên trở thành “nhân tố ổn định” mà châu Âu trông đợi, kỳ vọng của công chúng Đức vào bà Merkel cũng được nâng lên.
TTK
Tại sao bà Merkel muốn ra tranh cử nhiệm kỳ 4?
Tại sao bà Merkel muốn ra tranh cử nhiệm kỳ 4?

Ngày 20/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN