Ngày 2/6, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã đăng Sách Trắng tập trung vào quan điểm của Bắc Kinh rằng Washington phải chịu trách nhiệm trong việc đàm phán thương mại bị trì hoãn trong nhiều tháng trời.
Ngày 3/6, Mỹ phản hồi cho rằng Trung Quốc đi ngược lại với thỏa thuận. Văn phòng Đại diện thương mại và Bộ Tài chính Mỹ khẳng định yêu cầu của Washington rằng Bắc Kinh cam kết cải tổ thương mại và mở cửa thị trường không phải là “mối đe dọa” với chủ quyền Trung Quốc.
Văn phòng Đại diện thương mại và Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh: “Mỹ thất vọng về việc Trung Quốc lựa chọn nội dung trong Sách Trắng và đưa ra những tuyên bố theo đuổi trò chơi đổ lỗi cho lịch sử và bản chất của đàm phán thương mại giữa hai quốc gia”.
Một số nhà phân tích Trung Quốc nhận định với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) rằng Bắc Kinh không “đổ lỗi” mà muốn đánh tiếng với Washington sẽ không “rút lui trong các vấn đề then chốt” nhưng đồng thời sẵn sàng cam kết với “các đề nghị đáng tin”.
Chiến tranh thương mại đã gây ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ tiếp tục giảm trong khi đầu tư của Mỹ tới Trung Quốc cũng trong đà chậm lại. Theo thống kê của Trung Quốc, đầu tư trực tiếp từ các công ty quốc gia này tại Mỹ là 5,79 tỷ USD trong năm 2018, giảm 10% so với năm 2017.
Nhà nghiên cứu Mei Xinyun tại Bộ Thương mại Trung Quốc đánh giá Bắc Kinh muốn tan băng trong quan hệ với Washington trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản trong tháng này.
Theo bà Mei Xinyun, có nhiều kỳ vọng rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump sẽ thống nhất một loại thỏa thuận nào đó như “lệnh ngừng chiến” tại Thượng đỉnh G20 năm 2018 tại Buenos Aires, Argentina.
Bà Mei Xinyun còn nói rằng Sách Trắng có thể hỗ trợ khởi động đàm phán thương mại với Mỹ và giảm khả năng tính toán sai giữa các nhà đàm phán.
Ông Wang Huiyao tại tổ chức phi chính phủ mang tên Trung tâm vì Trung Quốc và Toàn cầu nhận định rằng Sách Trắng không chỉ tập trung vào chiến tranh thương mại với Mỹ mà Bắc Kinh còn muốn gửi thông điệp tới các quốc gia khác, đặc biệt những nước sẽ dự G20 tại Nhật Bản.
Ngoài ra, Sách Trắng về chiến tranh thương mại còn nhắm đến người dân Trung Quốc. Một chuyên gia nhận định với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng: “Các quan chức không muốn tạo ấn tượng rằng Trung Quốc cúi đầu trước áp lực của Mỹ”. Nội dung Sách Trắng về chiến tranh thương mại có nhấn mạnh đến nhu cầu cần tôn trọng “vấn đề chủ quyền” cho các đối thoại sắp tới.
Nhà phân tích Gu Su tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) bày tỏ ý kiến không hài lòng với Sách Trắng về chiến tranh thương mại. Ông Gu Su nói: “Sách Trắng đáng lẽ phải đưa ra bức tranh rõ ràng về điều xảy ra và cách nó chuyển biến bế tắc để hỗ trợ Đảng giải tỏa áp lực chính trị từ xã hội, nhưng trên thực tế lại thất bại. Cả Trung Quốc và Mỹ lại lựa chọn không công bố bức tranh toàn cảnh, khiến công chúng không nắm được toàn bộ tình hình”.
Nhà kinh tế học Ding Shuang tại Ngân hàng Standard Chartered đánh giá kế hoạch của Trung Quốc lập danh sách các thực thể nước ngoài “không đáng tin cậy” dường như có thể gây tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp quốc gia này đồng thời tác động hạn chế xuất khẩu đất hiếm.
Ông Ding Shuang nói: “Trong khi Trung Quốc ghi nhận sẽ nảy sinh khó khăn trong quan hệ song phương ngay cả khi đạt được thỏa thuận thương mại thì Bắc Kinh vẫn sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để trì hoãn xung đột tiềm ẩn giữa hai quốc gia”.