Chuyên gia: Hoạt động yếu ớt của Mỹ ở Trung Đông đang mở cơ hội cho Nga

Hoạt động yếu ớt, kém hiệu quả của Mỹ tại Trung Đông đã tạo điều kiện cho Nga trở lại và nổi lên như một người chơi chính đối với nền an ninh khu vực.

Theo phân tích của giáo sư Nikolas Gvovdev, thuộc Đại học Chiến tranh hải quân (Mỹ) trên tạp chí National Interest, Nga đang áp dụng một chiến lược mới ở Trung Đông: thể hiện mình như là một đối tác tin cậy cho các quốc gia trong khu vực “rốn dầu” này, đối trọng với hình ảnh một đối tác Mỹ đang ngày càng hời hợt và thiếu ổn định tại đây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Thủ tướng Liban Saad Hariri nhân chuyến thăm của ông tới Nga vào giữa tháng 9 này. Ảnh: AP

Giáo sư Gvovdev cho rằng, Nga hiện đang đi đầu trong nỗ lực kết thúc cuộc nội chiến ở Syria và thiết lập các vùng phi xung đột giữa các phe phái và những bên ủng hộ cho họ. Nga can dự vào vấn đề người Kurd – cả ở những khu vực người Kurd thuộc Syria có liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ cũng như trong những nỗ lực nhằm xác định vị thế của người Kurd ở Iraq và chính quyền Baghdad. Nga đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì “một lưỡi liềm Shiite” gồm Iran-Iraq-Syria, nhưng cũng tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp với Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab về cách thức duy trì một thế cân bằng quyền lực mong manh trong khu vực. Ai Cập và Israel hiện nay đều có đường liên lạc riêng với Kremlin và coi Tổng thống Putin như một chính khách đáng tin cậy hơn, người thực hiện đúng những gì đã cam kết.

Cách tiếp cận này rõ ràng cũng được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sử dụng. Ông Erdogan dường như đang chuẩn bị thúc đẩy một trục chiến lược mới với Nga về năng lượng, an ninh Âu-Á và sự liên kết tương lai của Trung Đông. Moskva cũng đã chủ trì các cuộc họp giữa các phe phái Libya, các đảng chính trị Palestine, các đại diện người Kurd và các thành viên phe đối lập Syria. Các nhà lãnh đạo Trung Đông cũng thường xuyên bay tới Moskva để hội ý với Kremlin.

Xét về mọi mặt, Nga đang “trở lại”. Sai lầm của Mỹ là đánh giá diễn biến mới này dựa trên những trải nghiệm thời Chiến tranh lạnh, trong khi rõ ràng nước Nga ngày nay không phải là Liên Xô cũ. Điện Kremlin không còn quan tâm đến việc truyền bá tư tưởng riêng hay áp đặt các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Moskva và Washington. Đó là bởi Nga không muốn phải thanh toán các hóa đơn khổng lồ cho việc hỗ trợ an ninh và kinh tế. 

Thay vào đó, cách tiếp cận của Nga trong thế kỷ 21 là không thế chỗ Mỹ, nước đang tiếp tục chu cấp nhiều khoản chi phí lớn về an ninh cho Trung Đông, mà sẽ hành động theo kiểu “nước đôi” đối với những chế độ trong khu vực để giữ cân bằng với những ưu tiên của Mỹ. Kremlin thể hiện mình là nhà trung gian đáng tin cậy hơn so với Washington và cung cấp những thiết bị, khả năng mà Mỹ còn lưỡng lự trao cho các nước Trung Đông. Đổi lại, điều này đã khiến các cựu thù thời Chiến tranh Lạnh ở khu vực này, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi Arabia và Israel, trở nên cởi mở hơn trong việc phát triển một mối quan hệ mới với Moskva.

Binh sĩ Nga trên xe thiết giáp tuần tiễu tại Aleppo tháng 2/2017. Ảnh: Reuters

Nga có khả năng tái thiết lập sự hiện diện tại Trung Đông, bởi tất cả các quốc gia trong khu vực, sau hai thập niên nỗ lực chuyển đổi của Mỹ, nay quan tâm hơn đến sự ổn định. Rõ ràng là Washington đang thiếu khả năng theo đuổi đến cùng những cam kết lớn lao của họ, và đặc biệt không một chính quyền Tổng thống Mỹ nào cam kết một số lượng lớn nhân sự hay nguồn lực Mỹ trong nỗ lực tìm kiếm những “người uỷ nhiệm” nhằm duy trì ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Nhóm duy nhất hiện còn được Mỹ trang trải hoá đơn là người Kurd, vốn có lợi ích xung đột với mối quan hệ của Mỹ và các chính phủ ở Ankara, Baghadad.

Trong khi đó, cách tiếp cận của Nga là công nhận rằng, ở thời điểm hiện các giải pháp dài hạn là không thể, vì thế nỗ lực của Moskva tập trung vào việc dàn xếp một loạt thỏa hiệp: các vùng phi xung đột ở Syria; cố gắng điều chỉnh phạm vi của chính phủ tự trị người Kurd ở Syria với một khu vực an ninh Thổ Nhĩ Kỳ; duy trì sự cân bằng giữa các lợi ích của người Hồi giáo dòng Sunni và Shi’ite ở Syria và những nơi khác trong khu vực; đảm bảo Iran có khả năng tiếp cận với các nhóm ủy trị Hezbollah ở Liban với việc cho phép Israel thực thi các giới hạn đỏ của mình.

Nga và Saudi Arabia đang phối hợp nhằm đảm bảo giá năng lượng ổn định. Ảnh: AP

Tổng thống Putin đang được coi là một chính khách toàn cầu và Nga có một vị thế gần như ngang hàng với Mỹ. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng các nỗ lực của Nga chỉ đơn thuần là vì nhu cầu muốn được coi là một cường quốc. Moskva cũng muốn gặt hái cả những lợi ích hiện hữu từ các chính sách của mình. Ngoài việc được công nhận là cường quốc toàn cầu, tính toán của Nga còn là sự trở lại với vai trò tích cực hơn trong các vấn đề Trung Đông có thể tạo ra những nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ của Nga, bắt đầu từ vũ khí và các nhà máy điện hạt nhân, và nhất là những công nghệ mà Mỹ không muốn cung cấp. 

Trung Đông đặc biệt quan trọng trong chiến lược địa-kinh tế của Nga: Thổ Nhĩ Kỳ được dự kiến sẽ thay Ukraine trở thành nước trung chuyển năng lượng của Nga tới châu Âu, trong khi hoạt động đầu tư của Nga vào Iraq và Libya là nhằm mở rộng khả năng cung cấp dầu cho châu Âu. Nga cũng muốn tạo ra một tuyến đường Bắc-Nam nối trung tâm lục địa Nga với Vịnh Persian và Ấn Độ  Dương.

Quan trọng hơn, Nga đã sử dụng ảnh hưởng mới của mình trong khu vực để khắc chế nỗ lực của Mỹ dùng Saudi Arabia như là điểm gây áp lực với nền kinh tế Nga. Trên thực tế, thay vì cạnh tranh chống lại Moskva, Riyadh đang tích cực hợp tác với người Nga trong nỗ lực đưa ra một mức giá “sàn” năng lượng ổn định, nhằm bảo đảm lợi ích từ dầu lửa cho ngân khố hai nước.

Thay vì cạnh tranh trực diện với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh, ngày nay, nước Nga đang đi theo một chiến lược khôn khéo hơn, và chiến lược này dường như đang đem lại nhiều lợi ích.

Thu Hằng/Báo Tin Tức
Máy bay Nga cùng quân đội Syria tiêu diệt 850 tên thánh chiến tấn công Idlib
Máy bay Nga cùng quân đội Syria tiêu diệt 850 tên thánh chiến tấn công Idlib

Các máy bay chiến đấu và quân đội Syria đã đẩy lùi một đợt tấn công ồ ạt của các phần tử thánh chiến tại một vùng giảm căng thẳng ở thành phố Idlib, Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN