Chuyện gì sẽ đến với Mỹ nếu đàm phán TPP thất bại

Nhật báo "Straits Times" (Singapore) số ra mới đây cho rằng ngày càng có ít cơ hội để vượt qua đúng thời hạn những rào cản trong cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), liên quan đến vấn đề phụ tùng ôtô hay nông sản, để Quốc hội Mỹ phê chuẩn trước khi cuộc bầu cử Tổng thống ở nước này bắt đầu tăng tốc vào tháng 2/2016, thời điểm TPP sẽ bị loại khỏi chương trình nghị sự.

Các Bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán TPP tại cuộc họp báo sau vòng đàm phán ở Maui, Hawaii ngày 31/7. Ảnh: THX/TTXVN


Vậy TPP có tầm quan trọng như thế nào? Nó phụ thuộc vào góc nhìn đối với TPP. Đối với nhiều người, thỏa thuận này hoàn toàn là về kinh tế, nếu đàm phán TPP thất bại thì đây sẽ chỉ là điều đáng tiếc chứ không phải thảm họa. TPP chủ yếu là một thỏa thuận thương mại nhằm thúc đẩy dòng thương mại bằng cách hạ thấp rào cản bảo hộ. Điều này là đáng khuyến khích, song tình trạng bảo hộ giờ đây cũng ít.

TPP không chỉ xoay quanh kinh tế mà còn liên quan tới chính trị quyền lực. Trung Quốc đang thực hiện những bước đi riêng để củng cố lâu dài vị trí của mình ở trong nền kinh tế khu vực châu Á thông qua các sáng kiến như thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và dự án "Một vành đai, một con đường" nhằm đảm bảo trong tương lai, mọi con đường ở châu Á đều dẫn đến Bắc Kinh. So với những kế hoạch lớn này, TPP chỉ ở bên lề của trật tự kinh tế khu vực.

TPP được Mỹ coi là một công cụ quan trọng trong cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng với Trung Quốc giành quyền lãnh đạo châu Á trong tương lai. Nếu đàm phán TPP thất bại, nhiều người sẽ cho rằng chính quyền Tổng thống Barack Obama lại thêm một lần thua trong cuộc đua tranh này.

Đây chắc chắn là lo ngại thực sự với Washington. Chính quyền Mỹ đã tìm cách thuyết phục một Quốc hội nghi ngờ và cử tri thù địch rằng TPP có ý nghĩa then chốt đối với sự thành công của chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Mỹ. Vì thế, nếu đàm phán TPP thất bại, chiến lược “xoay trục” này sẽ phải hứng chịu một đòn nặng nề.

Tuy nhiên, điều đó có đúng hay không còn phụ thuộc vào việc liệu người ta có cho rằng một TPP thành công sẽ thực sự thúc đẩy sự lãnh đạo chiến lược của Mỹ ở châu Á? Ý tưởng này dựa trên hai giả định. Trước tiên là thách thức từ Trung Quốc đối với bá quyền khu vực của Mỹ nằm ở sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở châu Á, với vai trò quan trọng trong các kế hoạch kinh tế và tham vọng của các nước láng giềng. Nó khiến họ trở nên nhạy cảm trước sức ép ngoại giao từ Trung Quốc, sẵn sàng chấp nhận vai trò lãnh đạo lớn hơn của Trung Quốc, và do dự ủng hộ Mỹ.

Giả định thứ hai là TPP có thể giải quyết vấn đề này bằng cách đưa Trung Quốc ra khỏi vị trí mới của họ ở trung tâm trật tự kinh tế châu Á. Một số cá nhân ở Washington tin rằng nếu có thể đạt được, TPP sẽ xoay chuyển về cơ bản các xu hướng kinh tế thuận lợi cho Trung Quốc trong một hoặc hai thập kỉ qua.

Nó cũng khôi phục vị trí của Mỹ ở đỉnh cao kinh tế châu Á và xem xét lại quy định về hội nhập thương mại và kinh tế châu Á theo những cách sẽ giúp doanh nghiệp Mỹ có lợi thế hơn đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.

Giả định đầu tiên hoàn toàn đúng. Chỉ cần nhìn vào chính sách của Australia với Trung Quốc 10 năm qua để thấy việc Trung Quốc vươn lên thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Australia đã tác động thế nào đến lập trường của Canberra với Washington và Bắc Kinh.

Là đồng minh trung thành, Australia sẵn sàng đón nhận “xoay trục” và chấp nhận nhiều đợt điều chuyển lính thủy đánh bộ mới của Mỹ. Tuy nhiên, Australia cũng thận trọng né tránh bất kỳ ý kiến nào cho rằng những biện pháp này nhằm chống Trung Quốc và đảm bảo sự chỉ trích của họ đối với chính sách quyết đoán của Trung Quốc là vừa đủ để không khiêu khích Bắc Kinh.

TPP có thể giải quyết vấn đề này? Đây chính là điểm mà những nghi ngờ về giả định thứ hai phát sinh. TPP có thể tạo ra sự khác biệt đủ lớn cho cơ cấu kinh tế châu Á khiến Trung Quốc mất vị trí trung tâm và làm xói mòn ảnh hưởng chính trị mà nước này đã thu được? Câu trả lời gần như chắc chắn là không thể.

Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ở châu Á là vượt trội, đòi hỏi sẽ phải có sự thay đổi thực sự lớn trong các mô hình thương mại để loại bỏ nó. Một lần nữa lấy thí dụ Australia, xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc hiện gấp gần 10 lần sang Mỹ. TPP không thể tạo ra sự khác biệt lớn đó.

Thực tế là ngay cả khi có những vấn đề kinh tế nghiêm trọng và tăng trưởng giảm, đến nay Trung Quốc vẫn là nguồn tạo ra cơ hội kinh tế mới hứa hẹn nhất cho các nước châu Á trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ tới.

Tin tốt cho Washington là nếu đàm phán TPP thất bại thì đó không phải là mất mát lớn đối với vị thế của Mỹ ở châu Á như nhiều người lo sợ. Tin xấu là nước Mỹ đã một lần nữa tạo ra thử thách cho sức mạnh và quyết tâm trong khu vực của mình. Sự tín nhiệm của Mỹ bị giảm sút bởi thất bại trong việc làm chệch hướng của AIIB và không có khả năng thực hiện tuyên bố cứng rắn trên Biển Đông bằng hành động hiệu quả.

Nếu đàm phán TPP thất bại thì đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính sách đối với châu Á của Tổng thống Obama, một trở ngại lớn đối với vai trò lãnh đạo khu vực của Mỹ, và vì thế, trong trò chơi quyền lực chính trị, Trung Quốc sẽ thắng. Nếu điều đó xảy ra, bản thân ông Obama sẽ đáng bị đổ lỗi phần lớn bởi chính ông lựa chọn đặt cược quá nhiều vào một sáng kiến chỉ phục vụ rất ít các mục tiêu của Mỹ nếu thành công, song lại hủy hoại uy tín của Mỹ nếu thất bại.

TTK
Chuyên gia Mỹ: Đàm phán TPP hướng tới một thỏa thuận cơ bản
Chuyên gia Mỹ: Đàm phán TPP hướng tới một thỏa thuận cơ bản

Từ ngày 28-31/7, các nước đàm phán TPP sẽ phải giải quyết những vấn đề khó khăn nhất còn tồn tại nhằm hoàn tất về căn bản thỏa thuận thương mại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN