Kết quả chuyến công du của Tổng thống Raisi phản ánh các kế hoạch chủ động và linh hoạt trong chính sách đối ngoại của Iran nhằm vượt qua các biện pháp trừng phạt cũng như mở rộng và tăng cường các mối quan hệ chiến lược.
Chuyến thăm các nước Mỹ Latinh, với Venezuela là chặng dừng chân đầu tiên, tiếp đến là Nicaragua và Cuba, là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Raisi kể từ khi nhậm chức tổng thống Iran vào tháng 8/2021. Trước đó, ông Raisi chỉ tập trung vào các chuyến thăm trong khu vực để thúc đẩy quan hệ với các quốc gia láng giềng. Như lời khẳng định của ông Raisi trước khi lên đường thăm Mỹ Latinh, chuyến công du tới Venezuela, Nicaragua và Cuba từ ngày 12 - 16/6 đánh dấu bước ngoặt hết sức quan trọng trong mối quan hệ giữa Tehran với Caracas, Managua và La Habana.
Iran và 3 quốc gia vốn cũng đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây này không chỉ có chung quan điểm về các vấn đề then chốt toàn cầu mà còn có cùng mục tiêu. Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng bởi việc tối đa hóa các cơ hội hợp tác giữa Iran và 3 quốc gia Mỹ Latinh có thể giúp thúc đẩy hơn nữa "mối quan hệ chiến lược" giữa Tehran với Caracas, Managua và La Habana.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Venezuela, hai nước đã ký kết 25 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, khoa học - công nghệ, viễn thông, nông nghiệp, công nghiệp, hàng hải, quốc phòng, văn hóa, khai khoáng, giáo dục, y tế, hóa dầu..., với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở cả hai quốc gia. Iran và Venezuela đã nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực, đồng thời bày tỏ mong muốn nâng kim ngạch thương mại song phương từ 3 tỷ USD hiện nay lên 20 tỷ USD trong thời gian tới. Hai bên cũng cam kết thúc đẩy các dự án chung trong lĩnh vực dầu mỏ.
Trước đó, nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tới Tehran vào tháng 5/2022, hai nước cũng đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, khoa học, dầu mỏ, quốc phòng, văn hóa, kinh tế, thực phẩm cùng các lĩnh vực khác. Trong khi đó, với Nicaragua, hai nước đã ký 3 biên bản ghi nhớ về việc thành lập ủy ban hỗn hợp liên chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và trao đổi khoa học - kỹ thuật; hợp tác trong lĩnh vực tư pháp; cũng như cung ứng dược phẩm và trang thiết bị y tế. Nicaragua và Iran cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Trong chặng dừng chân cuối cùng của ông Raisi tại Mỹ Latinh, Iran và Cuba đã ký kết 6 hiệp định hợp tác, trong đó nổi bật là hiệp định đối tác toàn diện giữa hai chính phủ, hiệp định về tham vấn chính trị giữa các bộ Ngoại giao hai nước và thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, thông tin di động và dịch vụ. Hai nước cũng ký kết 2 bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực hải quan và tư pháp. Lãnh đạo hai nước đều bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ song phương trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, đầu tư, công nghệ sinh học, khai khoáng và sản xuất điện.
Chuyến công du của nhà lãnh đạo Iran diễn ra trong bối cảnh Trung Đông đang chứng kiến một "bầu không khí tươi mới" khi các quốc gia Hồi giáo trong khu vực đang xích lại gần nhau hơn nhằm tạo dựng một môi trường hòa bình và phát triển, vì lợi ích của các bên, giữa lúc ảnh hưởng của Mỹ đang dần suy yếu, Nga và Trung Quốc không ngừng gia tăng hiện diện tại khu vực này. Đặc biệt, với vai trò hòa giải của Trung Quốc, Iran và Saudi Arabia - vốn là hai "kình địch" tại Trung Đông - đã chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ sau 7 năm cắt đứt quan hệ. Giữa lúc Iran cần phát triển kinh tế, còn Saudi Arabia cần ổn định an ninh để thu hút đầu tư, thúc đẩy kế hoạch "Tầm nhìn 2030", việc hai nước nối lại quan hệ không chỉ mang lại lợi ích cho cả hai bên, mà còn giúp giải quyết một số vấn đề gai góc trong khu vực, nhất là cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh ở Yemen. Iran cũng được cho đang tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán để nâng cấp quan hệ ngoại giao với Ai Cập, một quốc gia có ảnh hưởng và vị thế lớn trong khu vực.
Tuy nhiên, hậu quả đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã và đang tác động tiêu cực đến các thị trường hàng hóa và các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Iran. Đặc biệt, trước sức ép từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây, nền kinh tế Iran, vốn là một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất ở Trung Đông trước năm 1979, đã suy yếu đáng kể do nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm nghiêm trọng. Iran có nguồn tài nguyên dồi dào, với trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai và trữ lượng dầu thô lớn thứ tư thế giới.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, nhất là các lệnh cấm vận được áp đặt sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đã làm cho ngành dầu mỏ của Tehran điêu đứng. Trong 5 năm qua, tăng trưởng kinh tế của Iran đã chậm lại đáng kể, trung bình chỉ đạt 1,2%/ năm, trong khi lạm phát trong giai đoạn từ năm 2019 tới nay luôn ở mức trên 40%. Theo thống kê chính thức, Tổng sản phẩm quốc nội của Iran năm 2022 chỉ đạt 490 tỷ USD. Điều này đã thôi thúc Iran tìm kiếm giải pháp để thoát khỏi những khó khăn, bế tắc của một "nền kinh tế thời chiến".
Trong chính sách "Hướng Đông" của mình, Iran chú trọng phát triển quan hệ chiến lược với Nga và Trung Quốc để đảm bảo các lợi ích chính trị và kinh tế, đồng thời chủ động tăng cường quan hệ với các quốc gia khối Arab cũng như các nước ở Đông Nam Á và châu Phi. Mỹ Latinh cũng là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tehran. Cả Iran, Cuba, Venezuela và Nicaragua đều là những nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Do đó, việc Iran chủ động tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, năng lượng, hóa dầu, khoa học - công nghệ, viễn thông, y tế... với các quốc gia này sẽ mang lại cho tất cả các bên nhiều cơ hội phát triển kinh tế và thoát khỏi thế cô lập về chính trị. Tổng thống Iran Raisi đã tuyên bố củng cố nền kinh tế là cách thức hiệu quả nhất để vượt qua các biện pháp trừng phạt. Đó cũng là mục tiêu chung của Venezuela, Nicaragua và Cuba.
Mặc dù cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và các bên liên quan đã đạt được những tiến triển nhất định, nhưng việc ký kết một thỏa thuận nhằm hồi sinh JCPOA chưa thể diễn ra do các bên vẫn chưa chịu nhượng bộ hay thỏa hiệp, đặc biệt khi Mỹ đang theo đuổi các mục tiêu ưu tiên khác và dần chuyển trọng tâm ra khỏi Trung Đông. Nhưng một khi JCPOA được khôi phục và các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Iran được dỡ bỏ hoặc nới lỏng, Iran sẽ được hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt Tehran có thể tiếp cận khối tài sản khổng lồ trị giá hơn 100 tỷ USD hiện đang bị đóng băng ở nước ngoài. Trong viễn cảnh tích cực đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Iran, quốc gia có tiềm năng rất lớn về dầu mỏ, khí đốt, hóa dầu, thép, phân bón..., với các đối tác quốc tế sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.