Chính trường Pháp 'nín thở' chờ Thủ tướng Bayrou đấu tranh giữ ghế

Thủ tướng François Bayrou, nhân vật được coi là hy vọng cuối cùng của Tổng thống Emmanuel Macron, sẽ đối mặt với cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội Pháp vào ngày 5/2.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Pháp Francois Bayrou phát biểu trước quốc hội ở Paris ngày 14/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Lần thử thách lớn nhất trong sự nghiệp chính trị kéo dài hàng thập kỷ của ông Bayrou đã đến. Số phận chính phủ của ông đang nằm trong tay các nghị sĩ Pháp khi họ tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm, lần đầu tiên trong số nhiều kiến nghị dự kiến sẽ được đưa ra chống lại thủ tướng theo đường lối trung dung này. Chỉ mới hai tháng trước, họ đã lật đổ người tiền nhiệm của ông.

Nếu thất bại, ông Bayrou sẽ trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử hiện đại của Pháp. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nước Pháp không có ngân sách trong bối cảnh các nhà đầu tư đặt câu hỏi về khả năng thanh toán nợ của chính phủ. Đồng thời, sự bất ổn này càng làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu đang trở nên không thể điều hành, nhất là khi kinh tế Đức đang đình trệ và châu lục này có nguy cơ rơi vào cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Ông Bayrou được xem là cơ hội cuối cùng của Tổng thống Macron trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Pháp. Ở tuổi 73, ông là một nhân vật kỳ cựu trên chính trường Pháp với bề dày kinh nghiệm làm việc cùng nhiều phe phái trong hệ thống chính trị phân cực của nước này. Cuộc bỏ phiếu ngày 5/2 này sẽ là bài kiểm tra lớn nhất về bản lĩnh chính trị của ông Bayrou, với những rủi ro không thể cao hơn.

"Nếu ông Bayrou thất bại, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy không ai có thể thành công", chuyên gia thăm dò dư luận Bruno Jeanbart tại OpinionWay nhận định.

Cơn gió chính trị đang đổi chiều

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra sau khi ông Bayrou sử dụng Điều 49.3 trong Hiến pháp Pháp để thông qua một phần kế hoạch chi tiêu năm 2025 mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Tuy nhiên, điều khoản này cũng cho phép các nghị sĩ đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm để phản đối chính phủ.

Chính phủ thiểu số của Thủ tướng Bayrou, vốn dựa vào sự ủng hộ lỏng lẻo từ các chính trị gia trung dung và bảo thủ, dự kiến sẽ viện dẫn Điều 49.3 để thông qua ngân sách. Để vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, chính phủ cần một bộ phận phe đối lập bỏ phiếu trắng thay vì ủng hộ kiến nghị lật đổ.

"Ông Bayrou giống như một nhà kinh doanh, luôn tìm cách tối đa hóa lợi ích cho đảng trung dung của mình", một cựu cố vấn chính phủ chia sẻ ẩn danh. Mục tiêu của ông lúc này là tồn tại, hoặc ít nhất là tồn tại lâu hơn ông Barnier.

Tuy nhiên, tương lai của Thủ tướng Bayrou có thể không hoàn toàn phụ thuộc vào ông mà bị chi phối bởi những chuyển biến chính trị ở Pháp. Sau khi ông Michel Barnier bị lật đổ vào tháng 12/2024, sự ủng hộ của công chúng đối với việc hạ bệ chính phủ đã giảm sút.

Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia của bà Marine Le Pen sẽ đưa ra quyết định vào phút chót về việc có tiếp tục giữ ông Bayrou tại vị hay không. Hôm 4/2, Chủ tịch đảng Jordan Bardella cho biết ông lo ngại sự bất ổn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Paris.

Ánh mắt của giới quan sát đang đổ dồn vào các nghị sĩ đảng Xã hội, vì ông Bayrou đã tìm cách thuyết phục họ trở thành đối tác trong phe đối lập. Mặc dù đảng Xã hội phản đối kế hoạch tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá 53 tỷ euro của ông Bayrou, họ từng cam kết sẽ không lật đổ ông chỉ vì vấn đề ngân sách.

Để có được sự ủng hộ này, Thủ tướng Bayrou đã phải trả giá đắt: ông đồng ý mở lại các cuộc thảo luận về cải cách lương hưu, chính sách trọng tâm của Tổng thống Macron, dù ở phạm vi hạn chế, đồng thời giảm bớt một số khoản cắt giảm chi tiêu.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu toàn bộ đảng Xã hội có đồng lòng với thỏa thuận này hay không. Tháng trước, tám nghị sĩ của đảng này đã phá vỡ lập trường chung và bỏ phiếu cùng phe cực tả để phản đối ông Bayrou.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Pháp tại Paris. Ảnh: AFP/TTXVN

Diễn biến bất ngờ

Trong một diễn biến khó lường, chính đảng Xã hội lại đệ trình một kiến nghị bất tín nhiệm riêng nhằm chỉ trích ông Bayrou vì không bảo vệ các "giá trị cộng hòa", ám chỉ những bình luận gây tranh cãi của ông về vấn đề nhập cư tuần trước.

Mặc dù đảng Tập hợp Quốc gia khó có khả năng bỏ phiếu ủng hộ kiến nghị này, bởi nó nhắm vào những phát ngôn gần gũi với lập trường cực hữu của họ, nhưng đảng này cũng không loại trừ khả năng làm như vậy. Một nguồn tin thân cận với bà Le Pen tiết lộ với tờ Politico rằng đảng của bà không ngại bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay cả khi không đồng ý hoàn toàn với nội dung của kiến nghị.

Nếu Thủ tướng Bayrou vượt qua các rào cản này, ông có thể mở ra một cục diện chính trị mới tại Pháp, vốn đang bị chia rẽ sâu sắc giữa ba phe: cực hữu, trung dung - bảo thủ (liên minh vì lợi ích chính trị) và Mặt trận Nhân dân Mới, liên minh cánh tả hình thành sau cuộc bầu cử chóng vánh mà Tổng thống Macron kêu gọi năm ngoái.

Nếu thuyết phục được đảng Xã hội đứng về phía mình, Thủ tướng Bayrou có thể tạo ra một rạn nứt lớn giữa đảng này và đồng minh cánh tả cấp tiến của họ, đảng Nước Pháp bất khuất.

Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng này, đã nhiều lần công kích đảng Xã hội vì đàm phán với chính phủ. Hôm 4/2, ông tuyên bố nếu đảng Xã hội không bỏ phiếu chống lại chính phủ trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/2, họ sẽ không còn chỗ đứng trong liên minh cánh tả.

Cuộc chiến chính trị của Thủ tướng Bayrou chưa kết thúc. Nhưng với tình hình hiện tại, ngay cả khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông vẫn phải đối mặt với những khó khăn phía trước.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Thủ tướng Pháp François Bayrou công bố Nội các mới cố gắng tìm kiếm sự cân bằng
Thủ tướng Pháp François Bayrou công bố Nội các mới cố gắng tìm kiếm sự cân bằng

Chiều tối 23/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần Nội các mới của mình, sau hơn 2 tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron chỉ định vào cương vị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN