Chó mèo mắc COVID-19 như thế nào, liệu có lây cho chủ?

Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) bắt nguồn từ động vật, nhưng liệu nó có nguy hiểm với các loài thú cưng? Dưới đây là những gì chúng ta đã biết về mối liên quan giữa COVID-19 và những người bạn động vật của con người.

Chú thích ảnh
Một phụ nữ đẩy chó cưng đeo khẩu trang đi dạo tại Thượng Hải ngày 19/2/2020. Ảnh: AFP/Getty Images

Virus Corona đã sống và phát triển ở động vật từ hàng ngàn năm qua, nhưng chỉ một số ít được biết là gây bệnh ở người. Chủng virus Corona mới, SARS-CoV-2, đã lây lan từ người sang người. Tính đến ngày 9/4, chỉ bốn tháng sau khi được phát hiện lần đầu tiên, SARS-CoV-2 đã lây nhiễm trên 1,5 triệu người, làm trên 88.500 người tử vong và tấn công 209 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới.

SARS-CoV-2 cũng có thể xâm nhập các tế bào ở cơ thể động vật. Các nhà khoa học tin rằng virus này bắt nguồn từ loài dơi móng ngựa ở Trung Quốc trước khi chúng nhảy sang một động vật trung gian và từ đó tìm đường tấn công sang con người. SARS-CoV-2 có khả năng tự xâm nhập vào tế bào bằng cách liên kết với các protein trên bề mặt tế bào, được gọi là ACE2, có trong nhiều loài động vật.

Một số báo cáo đã chỉ ra rằng SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm cho những con vật cưng trong gia đình, và cả những loài hoang dã như hổ và sư tử, nhưng rất hiếm. Dường như khả năng truyền virus từ người sang động vật là thấp, và không có lý do gì để nghĩ rằng bạn có thể lây bệnh từ một con mèo lang thang trong khu phố. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố “không có bằng chứng cho thấy chó, mèo hay bất cứ loài thú cưng nào có thể lây truyền COVID-19”.

Tuy nhiên, những người yêu quý thú cưng vẫn lo lắng về sức khỏe và khả năng COVID-19 có thể ảnh hưởng đến vật nuôi của họ.

SARS-CoV-2 đến từ đâu?

SARS-CoV-2 là một chủng virus lây từ động vật sang người. Nghiên cứu cấu trúc di truyền của nó rồi so sánh với các bộ gien của những chủng Corona đã biết trước đây, các chuyên gia cho rằng chủng virus này có thể xuất hiện ở loài dơi móng ngựa Trung Quốc, trước khi lây sang một loài trung gian tiếp xúc gần gũi với con người. Một số nhà khoa học tin rằng con vật trung gian có thể là tê tê, một loài động vật có vú, có vảy, trong quá khứ đã được chứng minh là có mang virus Corona, và là một trong những động vật bị buôn bán bất hợp pháp nhiều nhất trên thế giới.

Tê tê được bán tại một chợ động vật tươi sống ở “tâm dịch” Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), tuy nhiên tạp chí y khoa uy tín The Lancet đã công bố một báo cáo lưu ý rằng bệnh nhân đầu tiên đã được xác định không tiếp xúc với chợ động vật này.

Chú thích ảnh
Tê tê được cho là loài vật chủ trung gian làm lây nhiễm virus SARS-CoV-2 sang con người. Ảnh: Business Insider

Dù câu chuyện nguồn gốc của SARS-CoV-2 là gì, chúng ta đều biết virus Corona có khả năng cư trú ở mọi loài, nhưng việc chúng có gây bệnh hay không vẫn là một câu hỏi quan trọng.

Các nhà dịch tễ học vẫn đang tìm hiểu loài nào có thể mang virus này để họ có thể hiểu rõ hơn về nơi nó tồn tại trong môi trường và khả năng quay trở lại tấn công con người trong tương lai.

SARS-CoV-2 có thể lây sang chó mèo không?

Virus Corona đã được phát hiện ở nhiều loài động vật có vú, như chó và mèo, cũng như gia súc như bò-lợn và cả các loài chim.

Đã có một số báo cáo cung cấp bằng chứng về những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở vật nuôi trong gia đình. Một chú chó 17 tuổi ở Hồng Kông liên tục cho kết quả xét nghiệm "dương tính yếu" với virus này vào tháng 3 và sau đó đã chết. Một con mèo ở Bỉ xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào ngày 24/3.

Jacqui Norris, một nhà khoa học thú y tại Đại học Sydney, Australia, cho biết: "Những con thú cưng này đang sống với những người nhiễm bệnh và thời điểm kết quả xét nghiệm dương tính cho thấy sự lây nhiễm từ người sang động vật".

Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, đăng trên kênh bioRxiv vào ngày 30/3, đã kiểm tra tính nhạy cảm của một số loài động vật đối với COVID-19, bao gồm cả mèo và chó. Kết quả đã chứng minh rằng mèo có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 và có thể lây sang những con mèo khác thông qua dịch hô hấp. Nhóm nghiên cứu đã đặt những con vật bị nhiễm bệnh vào lồng bên cạnh ba con vật không mắc bệnh và phát hiện, trong một trường hợp, virus đã lây từ mèo sang mèo. Tuy nhiên, những con mèo không xuất hiện triệu chứng bệnh.

Chó có vẻ chống chịu tốt hơn. 5 con chó 3 tháng tuổi được tiêm SARS-CoV-2 qua đường mũi, rồi được theo dõi bên cạnh hai con chó không tiêm virus. Sau một tuần, virus không được phát hiện ở bất kỳ con chó nào, nhưng hai con đã tạo ra phản ứng miễn dịch. Hai con chó không bị tiêm virus cũng không bị lây từ các bạn của chúng.

Chú thích ảnh
Chó là con vật gần gũi với con người.

Những loài vật khác có lây SARS-CoV-2 không?

Nhiều loài vật dễ bị lây nhiễm vì chúng có mang một loại protein được gọi là enzyme chuyển đổi angiotensin 2, hay ACE2.

Sử dụng cơ sở dữ liệu máy tính và mô hình hóa, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra gien của các loài để tìm hiểu xem protein ACE2 trong tế bào của chúng có thể được sử dụng bởi SARS-CoV-2 hay không. Một nghiên cứu gần đây, được công bố trên tạp chí "Microbes and Infection" vào ngày 19/3, cho thấy SARS-CoV-2 có thể bám vào thụ thể ACE2 của nhiều loài khác nhau - bao gồm dơi, mèo cầy và lợn - và dự đoán nó cũng có thể làm như vậy ở dê, cừu, ngựa, tê tê, linh miêu và bồ câu.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc cho thấy virus này nhân bản kém ở gà, vịt và lợn.

Trường hợp xác nhận đầu tiên về SARS-CoV-2 ở động vật tại Mỹ xảy ra vào ngày 5/4, khi Nadia, 4 tuổi, một con hổ Mã Lai ở Sở thú Bronx, được phát hiện đã nhiễm virus, có khả năng lây từ một người quản lý vườn thú.

Chú thích ảnh
Con hổ Nadia đã mắc COVID-19. Ảnh: AP

Con người có thể bị lây COVID-19 từ thú cưng không?

Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về việc lây truyền SARS-CoV-2, nhưng điểm quan trọng nhất cần nhắc lại: Không có bằng chứng nào cho thấy virus này lây lan từ động vật nuôi sang người.

Trevor Drew, Giám đốc Phòng thí nghiệm Thú y Australia (AAHL) cho biết: "Hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy động vật nuôi đóng bất cứ vai trò gì trong dịch tễ học của căn bệnh này". Drew và các đồng nghiệp của ông tại AAHL đang thử vắc-xin lên loài chồn sương trong các thử nghiệm tiền lâm sàng để đánh giá sự an toàn và hiệu quả của các phương pháp điều trị mới.

Chồn sương được sử dụng trong thử nghiệm vì chúng đặc biệt dễ nhiễm virus Corona. Ông Drew lưu ý rằng các nhà nghiên cứu tại AAHL không thấy "bệnh lâm sàng" ở chồn sương, nhưng "chúng dường như tăng thân nhiệt nhẹ và nhân bản virus". Có thể SARS-CoV-2 lây nhiễm cho loài vật này, nhưng không thể nhân bản đủ để gây bệnh COVID-19 ở người.

Bạn cũng có thể tự hỏi liệu có thể lây SARS-CoV-2 từ lông thú cưng của mình? Nguy cơ là thấp - nhưng không phải hoàn toàn không - vì virus Corona có thể tồn tại trên bề mặt và có thể lây truyền qua các giọt dịch. Về mặt lý thuyết, nó có thể tồn tại trên lông, vì vậy bạn phải luôn rửa tay trước và sau khi bạn tương tác với vật nuôi.

Làm thế nào để bảo vệ vật nuôi trước COVID-19?

Nếu bạn cảm thấy không khỏe và tin rằng mình có thể đã nhiễm COVID-19, điều đầu tiên bạn nên làm là đi kiểm tra, tuân thủ các hạn chế tiếp xúc. Khuyến nghị từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ là "hạn chế tiếp xúc với vật nuôi và các động vật khác, giống như bạn hạn chế tiếp xúc với người khác". Bởi phương pháp bảo vệ tốt nhất luôn là phòng ngừa.

Thu Hằng/Báo TIn tức
Ô nhiễm không khí có liên hệ với tỉ lệ tử vong do COVID-19
Ô nhiễm không khí có liên hệ với tỉ lệ tử vong do COVID-19

Bệnh nhân mắc COVID-19 tại những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao trước khi dịch bùng phát có tỉ lệ tử vong cao hơn so với những người sống tại các địa điểm có môi trường không khí sạch hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN