Chính trường Ixraen gửi tín hiệu xấu tới Iran

Ngày 9/5, một ngày sau khi Ixraen bất ngờ thành lập một chính phủ thống nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Ixraen, Danny Ayalon, cho biết các cường quốc thế giới không cần phải nhân nhượng trong việc yêu cầu Iran từ bỏ các chương trình hạt nhân nhạy cảm, vì hành động đó sẽ khiến Têhêran đòi hỏi thêm nhiều điều kiện, mặc dù nước này đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại do các biện pháp trừng phạt.


 

Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Têhêran. Ảnh: Internet

Ông Ayalon cũng tỏ ý hoài nghi về việc các cuộc đàm phán của quốc tế với Têhêran, dự diến được nối lại vào ngày 23/5 tới tại Bátđa (Irắc), có thể đạt được một giải pháp hòa bình. Ông nói: "Chúng tôi rất muốn các cuộc đàm phán thành công, bởi một giải pháp chính trị vẫn tốt hơn bất kỳ giải pháp nào khác. Tuy nhiên, thà không có thỏa thuận nào còn hơn là đạt được một thỏa thuận tồi tệ".


Việc Thủ tướng Ixraen B. Netanyahu liên minh với thủ lĩnh phe đối lập ôn hòa Shaul Mofaz ngày 8/5 đã làm dấy lên đồn đoán về khả năng Ixraen tiến hành cuộc chiến tranh phủ đầu nhằm vào Iran. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Ixraen cho biết trong các cuộc thương lượng về liên minh, hai nhà lãnh đạo này không đề cập tới chiến lược đối phó với Iran. Quan chức này cho biết đến năm 2013, Ixraen mới có thể quyết định cách thức đối phó với kẻ thù của mình.


Theo một quan chức Ixraen, trong cuộc gặp giữa Ủy viên phụ trách vấn đề đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - bà Catherine Ashton - với các quan chức cấp cao Ixraen như Thủ tướng Netanyahu, Ngoại trưởng Avigdor Lieberman, Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barack, các nhà lãnh đạo Ixraen cho biết rõ ràng Iran đang lợi dụng các cuộc đàm phán này để "câu giờ" và không có bằng chứng nào chứng tỏ nước này có ý định ngừng theo đuổi vũ khí hạt nhân. Thứ trưởng Ngoại giao Ayalon đã từ chối đề cập đến vấn đề liệu Ixraen có đơn phương tấn công Iran bất chấp những kêu gọi kiềm chế của Mỹ và các cường quốc khác.

 

Ông nói: "Chúng tôi không muốn bó chặt mình vào bất cứ thứ gì. Dĩ nhiên, chúng tôi không phải là một phần của những thỏa thuận này (giữa các cường quốc thế giới và Iran), nhưng chúng tôi có quyền lo ngại dựa trên mối đe dọa xuất phát từ Têhêran". Ông cho biết nếu các nước có thêm đường lối ngoại giao mạnh mẽ hơn (như trừng phạt vào ngành dầu mỏ và ngân hàng của Iran) có thể buộc Iran ngừng chương trình hạt nhân của mình. Ông cho biết theo phát hiện của Mỹ, Iran đã thiệt hại 60 tỉ USD kể từ tháng 7/2010 bởi các lệnh trừng phạt được siết chặt. Ông nói: "Nếu xuất khẩu dầu mỏ của Iran bị giảm chỉ khoảng 40%... thì nền kinh tế Iran sẽ đình trệ và từ đó mọi việc sẽ tiến triển rất nhanh...".


Các cuộc đàm phán giữa Iran và 5 nước thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ và Đức (P5+1) đã được nối lại hồi tháng 4/2012, hơn một năm sau khi các cuộc đàm phán này thất bại bởi các cường quốc không thể thuyết phục Têhêran từ bỏ chương trình làm giàu urani. Mỹ, EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới, chặt chẽ hơn đối với xuất khẩu dầu mỏ của Iran trong năm nay, với hy vọng việc này có thể buộc Têhêran đạt được thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của mình (mà theo phương Tây là nhằm sản xuất bom nguyên tử).


Ixraen cho biết nước này có thể tấn công Iran nếu đây là cách duy nhất ngăn Iran có được vũ khí hạt nhân. Oasinhtơn và EU đang kêu gọi Ixraen không ra bất kỳ đòn tiến công nào chừng nào vẫn còn một giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, các quan chức Ixraen cho rằng thời gian không còn nhiều. Theo "Thời báo Los Angeles" số ra tháng 4, Oasinhtơn sẽ đồng ý cho phép Iran tiếp tục làm giàu urani tới độ tinh khiết 5%. Nếu làm giàu hơn nữa, urani có thể được dùng làm nhiên liệu cho đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Iran cho biết nước này sẽ không bao giờ đồng ý hạn chế làm giàu urani bởi họ chỉ tìm kiếm năng lượng hạt nhân và chất đồng vị phục vụ y học.

 

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN