Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump gây khó cho hàng hóa giá rẻ Trung Quốc

Thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp với hàng hóa Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm một vấn đề quan trọng mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt: dư thừa hàng hóa giá rẻ và các công ty đang gặp khó khăn trong tìm kiếm đủ người mua.

Cạnh tranh khốc liệt

Chú thích ảnh
Container hàng hóa ở Liên Vân Cảng, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 13/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Nikkei Asia ngày 18/2, từ các nhà sản xuất thanh cốt thép đến đồ nội thất và tấm pin mặt trời, ngày càng có nhiều nhà sản xuất Trung Quốc rơi vào cảnh thua lỗ sau khi giảm giá để cạnh tranh giành thị phần. Tính đến quý ba năm 2024, hơn 23% các công ty niêm yết của Trung Quốc đã thua lỗ, so với 20% vào năm 2023 và dưới 10% vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Giờ đây, các nhà kinh tế cảnh báo rằng các mức thuế bổ sung 10% trở lên đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc trị giá hơn 400 tỷ USD có thể đẩy thêm nhiều nhà sản xuất đến bờ vực phá sản hoặc thúc đẩy quá trình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Điều này có thể gây tổn hại thêm cho thị trường lao động vốn đã mong manh và làm trầm trọng thêm các áp lực giảm phát của Trung Quốc.

Ông Chen Zhiwu, Giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, nhận định: “Bằng cách chuyển sản phẩm sang các quốc gia thứ ba, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể tránh được cú sốc thuế quan, nhưng điều này không mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế Trung Quốc vì sẽ mất cơ hội việc làm”.

Trung Quốc từ lâu không muốn từ bỏ thúc đẩy phía cung, một phần vì mô hình tăng trưởng của Trung Quốc chú trọng đầu tư và không thích nền kinh tế tiêu dùng. Nhưng khi không có đủ nhu cầu để hấp thụ sản lượng của mình, các nhà sản xuất buộc phải giảm giá để duy trì sức cạnh tranh cả trong nước và quốc tế. Điều này dẫn đến một chu kỳ mà giới lãnh đạo Trung Quốc cho là nguy hiểm, trong đó lợi nhuận thấp và nhu cầu yếu kết hợp với nhau, khiến các công ty tập trung cắt giảm đầu tư mới và sa thải công nhân.

Cạnh tranh khốc liệt theo kiểu tự hủy hoại đã khiến chính phủ Trung Quốc vào tháng 12/2024 đã cam kết kiềm chế hành vi này. Hơn 30 nhà sản xuất tấm pin mặt trời trong tháng đó đã đồng ý giảm sản lượng và kiềm chế giảm giá mạnh để ngừng gây tổn thất trong toàn ngành. Tương tự, vào tháng 11/2024, Hiệp hội Công nghiệp nguồn điện Trung Quốc đã khuyến cáo các nhà sản xuất pin lithium tránh “cạnh tranh tàn nhẫn”.

Dù vậy, các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc cần làm nhiều hơn là chỉ sử dụng sức mạnh để ép buộc các công ty tránh các cuộc chiến giá cả và tập trung vào nâng cao vai trò của tiêu dùng trong nền kinh tế.

Theo ông Kelvin Lam, nhà kinh tế cấp cao tại Pantheon Macroeconomics, nhận định: “Vấn đề lớn hơn là thiếu cầu”.

Xuất khẩu khó khăn do thuế quan

Chú thích ảnh
Nhôm được sản xuất tại nhà máy ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Xuất khẩu đã là một trong những lối thoát hiếm hoi để giảm bớt áp lực. Ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, cho rằng chừng nào còn tình trạng mất cân đối trong nước, các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc vào xuất khẩu ra nước ngoài.

Tuy nhiên, các rào cản đang ngày càng gia tăng. Ông Xing cảnh báo: “Các mức thuế quan sắp tới và xu hướng đa cực lâu dài có thể dẫn đến quy mô thị trường tăng trưởng thấp hơn so với mở rộng công suất”.

Năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) đã nâng thuế đối với xe điện Trung Quốc. Indonesia có kế hoạch áp thuế lên tới 200% đối với hàng hóa Trung Quốc bao gồm vải vóc và gốm sứ, trong khi chính phủ Ấn Độ tuần trước cho biết đang xem xét thuế tạm thời từ 15% đến 25% đối với thép Trung Quốc do thách thức nghiêm trọng tạo ra đối với các nhà sản xuất trong nước.

Điều này cũng tương tự động thái của chính quyền Tổng thống Trump vào tuần trước khi áp thuế toàn cầu 25% đối với thép và nhôm - ngành mà Trung Quốc từ lâu đã chiếm ưu thế trong sản xuất toàn cầu. Mặc dù các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã cắt giảm sản lượng xuống chỉ hơn 1 tỷ tấn vào năm 2024, mức thấp nhất trong 5 năm qua, nhưng con số này vẫn cao hơn tổng sản lượng của Nhật Bản, Mỹ và Đức.

Các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang gánh chịu thiệt hại lớn. Maanshan Iron & Steel, một công ty con của China Baowu Steel Group - nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới về sản lượng - dự kiến báo cáo khoản lỗ ròng 4,59 tỷ nhân dân tệ trong năm 2024, gấp ba lần so với con số của năm trước. Một đối thủ lớn khác, Angang Steel, cảnh báo khoản lỗ ròng có thể đạt 7,1 tỷ nhân dân tệ trong năm ngoái, gấp đôi so với năm 2023.

Một số công ty thua lỗ lớn nhất là các nhà sản xuất tấm wafer và polysilicon mặt trời, vốn đã sản xuất dư thừa và đang đối mặt với mức thuế 60% từ Mỹ do các chính sách kết hợp của chính quyền thời Tổng thống Joe Biden và Trump.

Một trong những công ty năng lượng mặt trời lớn nhất của Trung Quốc, Tongwei, đã cảnh báo nhà đầu tư rằng họ dự kiến báo cáo lỗ lên tới 7,5 tỷ nhân dân tệ trong năm 2024, do giảm mạnh giá trên toàn bộ chuỗi ngành quang điện. Ba công ty năng lượng mặt trời lớn của Trung Quốc (Tongwei, Longi Green Energy Technology và TCL Zhonghuan Renewable Energy) dự kiến báo cáo tổng lỗ 24 tỷ nhân dân tệ trong năm 2024, so với lợi nhuận tổng cộng 27,8 tỷ nhân dân tệ trong năm 2023.

Các nhà sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ tất nhiên là những công ty dễ bị tổn thương nhất trước các mức thuế của Tổng thống Trump.

Nhà sản xuất nệm Healthcare (Thượng Hải) đã cho nhà đầu tư biết vào tuần trước rằng họ dự kiến báo cáo lỗ lên tới 160 triệu nhân dân tệ trong năm 2024. Nhu cầu yếu trong nước và chi phí lớn cho tiếp thị đã làm giảm khả năng sinh lợi của công ty. Gần một nửa doanh thu trong ba quý đầu năm 2024 của công ty này phụ thuộc vào Bắc Mỹ.

ROIDMI Information Technology, nhà sản xuất máy hút bụi, đã phá sản vào tháng trước do thay đổi môi trường thị trường và điều chỉnh hoạt động. Công ty này đã thu được gần 600 triệu nhân dân tệ doanh thu trong năm 2022, trong đó doanh thu từ nước ngoài chiếm phần lớn.

Tổng thể, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đã giảm 3,3% trong năm 2024, giảm trong ba năm liên tiếp.

Gia tăng thua lỗ diễn ra trong khi các nhà hoạch định chính sách chuyển các khoản vay mới ra khỏi ngành bất động sản và chuyển sang sản xuất dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình để nâng cấp nền công nghiệp Trung Quốc. Vào ngày 17/2, ông Tập Cận Bình cũng đã ủng hộ mạnh mẽ khu vực tư nhân, gặp gỡ một nhóm các doanh nhân nổi tiếng và cam kết khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn kiên định cho khu vực kinh tế ngoài công lập.

Ông Thomas Gatley tại Gavekal Dragonomics cảnh báo rằng vấn đề chính của chiến lược phân bổ lại vốn là các ngành sản xuất công nghệ đơn giản không tạo ra nhiều việc làm như các ngành đang thiếu vốn.

Tính đến năm 2023, tỷ lệ các công ty “xác sống” – tức là những công ty có doanh thu dưới chi phí lãi vay trong hai năm - đã đạt mức cao nhất trong một thập kỷ là 10,4%.

Ông Gary Ng, nhà kinh tế tại ngân hàng Pháp Natixis, phát hiện ra rằng tỷ lệ công ty “xác sống” ở Trung Quốc đã tăng lên 13% trong nửa đầu năm 2024, vượt xa mức trung bình toàn cầu là 6%.

Do đó, nhiều công ty đang phải cắt giảm nhân công hoặc trì hoãn mở rộng.

Nhà sản xuất nệm Healthcare, kể từ năm 2015 đã xây dựng sáu nhà máy ở nước ngoài - tại Thái Lan, Mỹ và Tây Ban Nha - có 7.443 nhân viên vào cuối năm 2023, giảm 19% so với 9.150 nhân viên vào năm 2021.

Một chỉ số phụ của chỉ số nhà quản lý mua hàng chính thức của Trung Quốc đã thu hẹp kể từ tháng 2/2023.

Ông Gatley của Gavekal cho biết: “Chính sách ưu tiên sản xuất có những các giá phải trả khác. Tăng trưởng việc làm bị kìm hãm, cầu trong nền kinh tế bị đè nén và các công ty ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu để tồn tại”.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Nikkei Asia)
Bất ổn thuế quan của Mỹ tiếp tục đẩy giá vàng tăng
Bất ổn thuế quan của Mỹ tiếp tục đẩy giá vàng tăng

Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên 18/2, khi sự bất ổn về kế hoạch thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chi phối tâm lý thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN