Ngành thương mại điện tử Trung Quốc lao đao trước quyết định thuế quan mới của Tổng thống Trump

Các nhà kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ logistic của Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn do chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lo ngại về những cú sốc tiếp theo trong thị trường bán lẻ vốn đã nhiều thách thức.

Chú thích ảnh
Logo của nền tảng thương mại điện tử Temu. Ảnh: TTXVN phát

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Kenny Li, một nhà sản xuất hàng may mặc và người bán hàng trực tuyến, cho biết anh đã cố gắng giữ bình tĩnh sau khi Tổng thống Trump đầu tháng này tuyên bố tăng thuế lên 10% đối với hàng hóa Trung Quốc và xóa bỏ miễn thuế đối với các bưu kiện có giá trị dưới 800 USD (còn gọi là ưu đãi “de minimis”). Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, quyết định thực thi các chính sách này đã bị hoãn lại.

“Cứ để mọi chuyện diễn ra tự nhiên. Chúng tôi cũng không thể làm gì khác được. Chỉ có thể chờ kế hoạch được hoàn thiện và thực sự đưa vào triển khai, trước khi đưa ra biện pháp đối phó với những thay đổi về chính sách”, anh Li nói.

Hiện tại, chiến lược của anh là bình tĩnh và tiếp tục làm việc. Li vẫn gửi hàng đến các kho của nền tảng thương mại điện tử Temu và Shein, dù cả hai nền tảng này chưa cung cấp hướng dẫn mới nào về việc ứng phó với các chính sách thuế quan của Mỹ. Các thủ tục và chi phí hậu cần hiện tại vẫn chưa thay đổi nhiều.

Vào ngày 7/2, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hoãn việc áp thuế mới đối với các gói hàng giá trị thấp từ Trung Quốc, quy định rằng miễn thuế “de minimis” chỉ bị hủy bỏ khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ xác nhận hệ thống thu thuế đã sẵn sàng hoạt động hiệu quả. Quyết định này được đưa ra sau khi Dịch vụ Bưu chính Mỹ thông báo rằng họ sẽ tiếp tục nhận thư từ, bưu kiện từ Trung Quốc và Hong Kong, sau khi tạm dừng các dịch vụ này nửa ngày trước đó.

Trước tình hình này, nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistic đã hủy bỏ các khoản phụ phí mà họ áp dụng sau khi ông Trump công bố chính sách thuế quan mới. Một số công ty đã tăng thêm 35% cho các lô hàng dệt may và 25% cho các sản phẩm khác để bù đắp chi phí thuế và thủ tục hải quan.

YunExpress, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần xuyên biên giới có trụ sở tại Thâm Quyến, thông báo vào ngày 8/2 rằng họ sẽ hoàn trả toàn bộ tiền đặt cọc thuế quan 30% và phí thông quan 20 nhân dân tệ (2,70 USD) cho tất cả các đơn hàng được giao trong tuần đó.

“Những thay đổi liên tục trong chính sách thông quan của Mỹ trong bảy ngày qua đã gây ra tình trạng hỗn loạn cho chuỗi cung ứng thương mại điện tử xuyên biên giới, cùng với những biến động mạnh về chi phí. Chúng tôi kêu gọi các đối tác bán hàng của mình nâng cao khả năng phản ứng nhanh chóng với những thay đổi này”, công ty cho biết.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Chính sách “de minimis”, cho phép miễn thuế cho các gói hàng nhỏ có giá trị dưới 800 USD khi vào Mỹ, đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc. Theo báo cáo của Ủy ban Quốc hội Mỹ về Trung Quốc vào tháng 6/2023, gần một nửa số gói hàng vận chuyển theo diện này có xuất xứ từ Trung Quốc.

Việc hủy bỏ miễn thuế đồng nghĩa với việc hàng hóa từ Temu, Shein và các công ty thương mại điện tử khác của Trung Quốc sẽ phải chịu thuế nhập khẩu từ Mỹ, với mức thuế vốn đã ở mức hơn 20% đối với một số ngành. Mặc dù quyết định áp thuế đã bị hoãn lại, mối đe dọa về mức thuế quan cao hơn vẫn bao trùm lên lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới, vốn là một phần quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu béo bở của Trung Quốc.

Doanh nhân Li cho biết mức thuế quan mới của Mỹ đã khiến anh quyết tâm hơn bao giờ hết rời khỏi ngành này, vì anh dự đoán các chính sách này sẽ khiến lợi nhuận vốn đã mỏng, từ việc bán sản phẩm giá rẻ trên các trang web như Shein và Temu, càng trở nên khó khăn hơn.

“Những chính sách này chỉ làm cho ngành này trở nên khó khăn hơn trong năm nay”, anh chia sẻ.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa ở Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Doanh số của hai “gã khổng lồ” thương mại điện tử Temu và Shein đã sụt giảm liên tục trong những tuần qua, sau khi Tổng thống Trump bãi bỏ quy định miễn thuế đối với các kiện hàng giá trị thấp mà hai công ty này đang được hưởng lợi.  

Theo Bloomberg Second Measure - đơn vị chuyên phân tích dữ liệu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, doanh số bán của Shein tại Mỹ đã giảm khoảng 16- 41% trong vòng 5 ngày kể từ ngày 5/2. Cùng thời gian đó, Temu của PDD Holdings Inc. ghi nhận mức giảm doanh số lên tới 32%.

Trong khi đó, chính sách này cũng gây tác động tiêu cực đến người tiêu dùng Mỹ, những người trước đây ưa chuộng các mặt hàng siêu rẻ của Temu và Shein. 

Phần lớn các sản phẩm của Shein và Temu đến với người tiêu dùng Mỹ thuộc danh mục miễn giảm thuế theo ưu đãi “de minimis”. Mặc dù việc bãi bỏ ưu đãi thuế vẫn chưa được thực hiện, người mua sắm Mỹ e ngại rằng họ sẽ phải chịu thêm các khoản phát sinh. Khi đó, họ sẽ đối mặt với các mặt hàng săn sale giá rẻ trên mạng nay đột ngột đắt đỏ thì tính thêm thuế, phí.

Hai nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đang đẩy nhanh nỗ lực giảm thiểu tác động của thuế quan mới của Mỹ. Shein được cho là đang yêu cầu một số nhà cung cấp hàng may mặc hàng đầu của mình ở Trung Quốc thiết lập cơ sở sản xuất mới tại quốc gia khác, trong khi Temu đang giảm bớt đáng kể quyền kiểm soát chuỗi cung ứng của mình ở Trung Quốc.

Theo ước tính của Nomura Holdings Inc., các công ty bao gồm Shein và Temu đã vận chuyển số bưu kiện nhỏ có tổng trị giá 46 tỷ USD đến Mỹ trong năm 2024.

Vy Hân/Báo Tin tức
Kế hoạch thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump sẽ đe dọa kinh tế toàn cầu thế nào?
Kế hoạch thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump sẽ đe dọa kinh tế toàn cầu thế nào?

Theo nhận định của tờ The New York Times ngày 16/2, khi bắt đầu quá trình áp đặt thuế quan đối ứng lên các đối tác thương mại của Mỹ, chính phủ của Tổng thống Donald Trump có thể gây bất ổn và lạm phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN