Biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump chỉ là 'giơ cao đánh khẽ'?

Theo Tổng thống Donald Trump, thông báo về thuế quan mới ngày 13/2 là một sắc lệnh quan trọng và toàn diện, có thể khiến thế giới phải tuân theo.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: IRNA/TTXVN

Tuy nhiên, theo kênh CNN, kế hoạch này chỉ là một bản ghi nhớ với ngôn từ mơ hồ, cung cấp rất ít chi tiết cụ thể và không có khung thời gian rõ ràng về thời điểm có hiệu lực.

Phố Wall, vốn không ưa thuế quan, đã phản ứng tích cực. Chỉ số S&P 500 tăng 1%, Nasdaq - nơi tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ - tăng 1,5%, còn Dow Jones tăng 360 điểm, tương đương 0,8%.

Tuyên bố của Tổng thống Trump

Trước đó, Tổng thống Trump khởi đầu ngày mới bằng bài đăng trên Truth Social, gọi thông báo ngày 13/2 là “sự kiện lớn”. Trong chiến dịch tranh cử, ông cam kết rằng Mỹ sẽ áp dụng thuế quan đối ứng nhằm cân bằng giao dịch với các quốc gia có hành vi thương mại không công bằng. Ông Trump gợi ý rằng thuế quan đối ứng có thể ngang bằng với mức thuế nhập khẩu của các nước khác.

Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục: “Họ áp thuế với chúng ta, chúng ta cũng áp đúng mức thuế đó với họ”.

Nhưng đó không phải là nội dung được công bố ngày 13/2. Bản ghi nhớ mà ông Trump ký tại Phòng Bầu dục yêu cầu các cơ quan chính phủ nỗ lực đối phó với các thỏa thuận thương mại không tương đương bằng cách xác định mức thuế đối ứng tương đương đối với từng đối tác thương mại nước ngoài. Nói cách khác, ông yêu cầu họ tìm cách làm cho thương mại trở nên công bằng hơn.

Điều đó có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau, như được thể hiện trong bản tóm tắt của Nhà Trắng về kế hoạch thuế quan đối ứng. Văn bản này liệt kê nhiều hành vi bị coi là không công bằng, từ lệnh cấm nhập khẩu một số loại hải sản mà châu Âu đưa ra, đến mức thuế ethanol cao mà Brazil áp đặt.

Chưa rõ kế hoạch này sẽ khiến các quốc gia khác mua nhiều hàng xuất khẩu của Mỹ hơn hoặc xây thêm nhà máy tại Mỹ như thế nào, nhưng Tổng thống Trump dường như tin rằng kế hoạch thuế quan sẽ đạt được điều đó và tạo ra nhiều việc làm hơn cho người Mỹ.

Ông Trump nói ngày 13/2: “Nếu bạn sản xuất ở đây, bạn sẽ không phải chịu thuế quan. Tôi nghĩ đó sẽ là điều xảy ra. Tôi nghĩ đất nước chúng ta sẽ tràn ngập việc làm”.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Một số nhà kinh tế phản ứng thờ ơ với thuế quan đối ứng, ngay cả trước khi ông Trump đưa ra thông báo đó. Trong một ghi chú gửi đến nhà đầu tư tuần này, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng thuế quan đối ứng không thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, vì việc thực thi sẽ phức tạp và một số quốc gia cũng không xuất khẩu những mặt hàng mà người Mỹ muốn mua.

Nếu được áp dụng, thuế quan đối ứng có thể thay thế đề xuất nghiêm ngặt hơn của ông Trump trong chiến dịch tranh cử: mức thuế 10% áp dụng cho tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Các nhà phân tích của Goldman nhận định: “Chính sách thuế quan đối ứng có thể tiềm ẩn rủi ro, nhưng cũng có thể giảm dần bất ổn trong chính sách thương mại một khi được công bố”.

Việc không có thời hạn chót cụ thể cũng mở ra khả năng một số quốc gia nước ngoài sẽ đàm phán để giảm thuế và ông Trump có thể hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ thuế quan đối ứng.

Ông Michael Block, chiến lược gia thị trường tại công ty Third Seven Capital, bình luận: “Như mọi khi, ông ấy tuyên bố điều gì đó hoành tráng, rồi lại rút. Chúng ta lo sợ điều tồi tệ nhất, rồi nhận ra tất cả chỉ là một phần trong nghệ thuật đàm phán”.

Ông Block lưu ý rằng Tổng thống Trump đã hoãn vào phút chót các mức thuế dự kiến có hiệu lực đầu tháng này đối với Canada và Mexico.

Còn theo ông Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư tại công ty Truist Wealth, các nhà đầu tư nghi ngờ rằng thuế quan sẽ lại được sử dụng như một công cụ mặc cả và có thể không quá nghiêm trọng hoặc áp dụng ngay lập tức như lo ngại ban đầu. Ông Lerner nói: “Không giống như việc ngay ngày mai chúng ta sẽ đột nhiên áp mức thuế 50% trên diện rộng”.

Mặt trái của vấn đề

Chú thích ảnh
Nhôm được sản xuất tại nhà máy ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư nhận ra rằng thông báo hôm nay không quá kịch tính, nhưng họ cũng phải đối mặt với một thực tế khác: thuế quan vẫn là công cụ ưa thích của Tổng thống Trump và những mức thuế đối ứng này thực sự có thể được áp dụng trong thời gian tới.

Ngày 13/2, ông Howard Lutnick, ứng viên Bộ trưởng Thương mại, ám chỉ rằng các mức thuế này có thể có hiệu lực vào đầu tháng 4.

Đúng là Tổng thống Trump đã hoãn mức thuế 25% đối với Mexico và Canada, nhưng ông cũng đã thực hiện mức thuế 10% đối với hàng Trung Quốc. Ông đã áp đặt nhiều mức thuế hơn trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai so với toàn bộ nhiệm kỳ đầu tiên.

Thực tế đó có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, vốn đang chật vật kiềm chế lạm phát gia tăng.

Bà Christine McDaniel, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Mercatus thuộc Đại học George Mason, nhận định: “Sẽ rất khó chống lạm phát khi chúng ta đánh thuế cao vào hàng nhập khẩu”.

Chỉ riêng cảnh báo về thuế quan cũng có thể tạo ra bất ổn, làm giảm đầu tư kinh doanh và khiến Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất.

Tổ chức Thuế vụ nhận định trong một bài đăng blog ngày 13/2: “Chính quyền Tổng thống Trump dường như đang hướng tới chính sách đối ứng bất chấp những hậu quả kinh tế tiêu cực đáng kể đối với người tiêu dùng Mỹ do mức thuế diện rộng đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ”.

Tổng thống Trump đã nhiều lần khẳng định rằng thuế quan là một phần quan trọng trong kế hoạch giảm lạm phát của ông, đồng thời tạo nguồn thu để bù cho các đợt cắt giảm thuế quy mô lớn mà ông đề xuất. Vì vậy, thuế quan có thể sắp được thực hiện dù quy mô vẫn chưa rõ ràng.

Thông báo ngày 13/2 của ông Trump có thể chỉ là “giơ cao đánh khẽ”, tức là có nhiều tuyên bố mạnh mẽ nhưng ít hành động thực tế, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Mỹ đề nghị áp thuế 'có đi có lại' với các đối tác thương mại
Mỹ đề nghị áp thuế 'có đi có lại' với các đối tác thương mại

Ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ đề nghị áp dụng thuế quan "công bằng và có đi có lại" đối với tất cả các đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN