Chính sách quốc phòng của Nhật Bản thay đổi ra sao?

Nhật Bản ngày 1/7 đã có một bước đi lịch sử, tự tách mình ra khỏi chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến bằng việc bãi bỏ lệnh cấm lực lượng phòng vệ nước này tham chiến ở nước ngoài kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.

 

Thủ tướng Shinzo Abe thông báo về quyết định thực thi quyền phòng vệ tập thể của Chính phủ trong cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo ngày 1/7. Ảnh: THX/TTXVN

Bước đi này là sự thay đổi chính sách mạnh mẽ nhất kể từ khi Nhật Bản thành lập lực lượng vũ trang thời hậu chiến cách đây 60 năm, và nó sẽ mở rộng đáng kể các lựa chọn phương án quân sự của Nhật Bản bằng việc chấm dứt lệnh cấm triển khai "phòng vệ tập thể", hoặc hỗ trợ một nước bạn khi bị tấn công. Ngoài ra, sự thay đổi này cũng nới lỏng những hạn chế đối với các hoạt động trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc đứng đầu và các sự vụ “vùng xám” (tình huống khó xác định của một cuộc xung đột chưa tới mức một cuộc chiến tranh tổng lực).


Vốn bị hạn chế từ lâu bởi bản Hiến pháp thời hậu chiến, lực lượng vũ trang Nhật Bản hiện giờ sẽ ngang bằng với quân đội của các quốc gia tiên tiến khác nếu xét về khả năng lựa chọn triển khai quân sự. Tuy nhiên, Tokyo sẽ cẩn trọng khi quyết định tham gia vào các chiến dịch có sự góp mặt của nhiều nước như cuộc xâm chiếm Iraq do Mỹ đứng đầu năm 2003.


Ngày 1/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhắc lại quan điểm đó đồng thời nhấn mạnh rằng Nhật Bản phải đáp ứng được môi trường an ninh đang ngày càng trở nên khắc nghiệt.


Mỹ, nước đã đánh thắng Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ II và sau đó trở thành đồng minh thân thiết qua một hiệp ước hợp tác an ninh, đã hoan nghênh động thái trên của Nhật Bản và cho rằng nó sẽ giúp liên minh Mỹ - Nhật hoạt động hiệu quả hơn. Washington từ lâu đã hối thúc Tokyo trở thành một đối tác liên minh cân bằng hơn và động thái trên của Nhật Bản cũng sẽ được các quốc gia Đông Nam Á hoan nghênh khi các nước này cũng như Nhật Bản có những tranh chấp lãnh thổ với một Trung Quốc đang ngày một hung hăng.


Chính sách mới này của Tokyo đã “chọc giận” Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai bên đang căng thẳng bởi sự tranh chấp lãnh hải, sự nghi ngờ lẫn nhau và vấn đề liên quan tới quá khứ. Hàn Quốc, cũng là một đối tác liên minh với Mỹ giống như Nhật Bản song vẫn đang bất bình về giai đoạn thực dân hóa của Nhật Bản đối với bán đảo Triều Tiên hồi thế kỷ trước, cho biết sẽ không chấp nhận bất cứ sửa đổi nào trong chính sách có tác động tới an ninh của mình nếu sửa đổi đó chưa được nước này đồng ý.


Các cố vấn của ông Abe đã nói rằng Tokyo sẽ không có hành động nào liên quan tới nước bạn nếu không được sự chấp thuận của nước đó. Họ cho rằng Điều 9 phản đối chiến tranh trong Hiến pháp đã hạn chế khả năng tự bảo vệ của Nhật Bản, và sự thay đổi cân bằng quyền lực trong khu vực, bao gồm cả sự nổi lên của Trung Quốc, đòi hỏi các chính sách quốc phòng của Nhật Bản phải linh hoạt hơn.


Hiện chưa rõ sự thay đổi này sẽ tác động ra sao trên thực tế, dù rằng chắc chắn nó sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quân đội Nhật Bản tham gia các hoạt động quân sự cùng với các nước khác ngoài Mỹ. Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một số ví dụ để chứng minh họ có thể sử dụng quân đội của mình như thế nào, sau khi việc sửa đổi các điều luật có liên quan được hoàn thiện vào cuối năm nay. Đó là:


-Bảo vệ tàu chiến Mỹ bị một nước thứ ba tấn công gần vùng biển của Nhật Bản trước khi có sự tấn công trực tiếp vào Nhật Bản, bởi hợp tác với quân đội Mỹ là cần thiết để bảo đảm an ninh của chính Nhật Bản.


-Buộc dừng các tàu để kiểm tra nếu có nghi ngờ chở vũ khí tới một nước thứ ba đang tấn công các tàu chiến Mỹ ở vùng biển mở gần Nhật Bản mà cuộc chiến này nhiều khả năng sẽ lan tới Nhật Bản - hành động này hiện bị xem là vi hiến và bị cấm vì sử dụng vũ lực.


-Bắn hạ tên lửa khi phát hiện nó bay qua đảo Nhật Bản nhằm về phía các khu vực thuộc lãnh thổ của Mỹ, và theo yêu cầu của Mỹ.


-Bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình ở nước ngoài: giải cứu công dân Nhật Bản tham gia chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ khi họ bị tấn công và sử dụng vũ khí nếu cần thiết để bảo vệ các công dân đó.


-Rà phá bom mìn ở Trung Đông: Kế hoạch này, hiện vẫn đang được cân nhắc, sẽ cho phép lực lượng quân đội Nhật Bản tham gia các nỗ lực rà phá bom mìn của LHQ với sự tham gia của nhiều nước nhằm bảo đảm an ninh cho các tuyến đường biển ở Trung Đông, như Eo biển Hormuz, hiện đang là các tuyến giao thông huyết mạch đối với Nhật Bản.

 

TTK

Triều Tiên xác nhận họp liên chính phủ với Nhật Bản
Triều Tiên xác nhận họp liên chính phủ với Nhật Bản

Trong cuộc họp liên chính phủ ngày 1/7 với Nhật Bản tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Bình Nhưỡng đã tuyên bố thành lập một ủy ban đặc biệt phụ trách điều tra các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản trong quá khứ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN