Chính sách 'né bạn' của Tổng thống Trump tại Hội nghị G20

Tổng thống Mỹ Donald Trump tránh tiếp xúc với các lãnh đạo mà ông thường ca ngợi tại Hội nghị G20 ở Argentina.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump đi qua người đồng cấp Nga Vladimir Putin khi chụp ảnh tập thể các nhà lãnh đạo tham dự G20. Ảnh: AFP/Getty Images)

Theo báo New York Times, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Buenos Airs, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo không tiến hành cuộc gặp song phương với đồng minh - Thái tử Saudi Arabia - cũng như hủy cuộc họp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Ông dành một nụ cười "lạnh băng" cho Thủ tướng Canada - người cảnh báo không ký thỏa thuận thương mại mới với Mỹ và Mexico vì thuế thép. Từ thái độ và cách thể hiện của Tổng thống Mỹ tại G20, giới chuyên gia cho rằng đó là dấu hiệu về một giai đoạn mới trong cách tiếp cận của ông.

Bên cạnh việc giữ nguyên lịch trình gặp gỡ với hai đồng minh Thái Bình Dương là Australia và Nhật Bản, cũng như có bữa tối bàn việc kéo dài 2,5 giờ đồng hồ với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, trong Hội nghị Thượng đỉnh lần này, Tổng thống Trump lại tỏ thái độ có phần xa cách với những người mà từ trước đến nay ông luôn ca ngợi, điển hình là Tổng thống Nga Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Trước đó 2 tuần, Tổng thống Trump còn bày tỏ sự tin tưởng Thái tử Saudi Arabia không liên quan tới vụ sát hại nhà báo Khashoggi Jamal ở lãnh sự quán Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng tại hội nghị G20, Tổng thống Trump lại không có thời gian để hội đàm chính thức với Thái tử. Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton phải giải thích "nhà lãnh đạo quá bận rộn với những lịch trình khác".

Theo một quan chức Nhà Trắng, khi Tổng thống Trump gặp Thái tử Mohammed bên lề cuộc họp G20, họ "đã có lời chào hỏi xã giao", việc mà Tổng thống Trump làm với gần như mọi lãnh đạo tham dự. Tuy nhiên, ông khẳng định giữa hai người chưa có bất kỳ thảo luận gì.

Để chứng minh Thái tử không phải là nhân vật không được chào đón, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã đăng những bức ảnh Thái tử trò chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mexico Enrique Peaa Nieto và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, song không có ảnh với Tổng thống Trump. Thậm chí Thái tử Saudi Arabia còn có màn đập tay thân thiết với Tổng thống Putin trước khi hai người ngồi cạnh nhau trong phiên họp đầu tiên của G20.

Về phần người đồng cấp Nga Putin, Tổng thống Trump bất ngờ quyết định hủy cuộc gặp mặt song phương sau nhiều tháng thu xếp lịch trình, vì những căng thẳng leo thang của Nga liên quan đến Ukraine ngay trước thềm hội nghị.

Không chỉ có vậy, đối với đồng minh Hàn Quốc, Mỹ ban đầu sắp xếp cuộc gặp song phương chính thức giữa hai lãnh đạo nhưng sau đó hạ cấp cuộc gặp này xuống tiếp xúc bên lề hội nghị. Nhà Trắng không nói rõ lý do vì sao có sự thay đổi, mặc dù các nỗ lực ngoại giao hạt nhân của Mỹ với Triều Tiên trong những tuần gần đây gặp nhiều bế tắc.

Đối với một số chuyên gia, lịch trình bị cắt bớt của Tổng thống Trump đại diện cho một giai đoạn mới trong cách tiếp cận không chính thống của ông.

"Trong các hội nghị trước đây, Tổng thống Trump tập trung vào việc làm lu mờ khái niệm chương trình nghị sự toàn cầu, khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc hình thành khái niệm đó. Tuy nhiên, với hội nghị lần này, ngoại trừ bữa tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Trump không còn triển khai các cuộc họp song phương quan trọng", ông Vali R. Nasr - Giám đốc Học viện Quốc tế Johns Hopkins cho biết.

William J. Burns, cựu Thứ trưởng ngoại giao Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama, lý giải việc Tổng thống Trump không còn "thiết tha" với ngoại giao truyền thống là do ông đang bị phân tâm bởi cuộc điều tra của Cố vấn đặc biệt Robert S. Mueller về quan hệ giữa ban vận động tranh cử của ông với Nga.

Ông Burns cảnh báo hậu quả khi Mỹ không tiến hành các cuộc gặp mặt song phương quan trọng không chỉ dừng lại ở việc Mỹ bỏ lỡ nhiều cơ hội, mà còn dẫn đến gia tăng rối loạn quốc tế và làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ về mặt lâu dài.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia khác, vai trò của các cuộc gặp mặt song phương bên lề các hội nghị quốc tế đã bị thổi phồng một cách quá đáng.

Elliott Abrams, người từng làm việc cho Tổng thống Ronald Reagan và George W. Bush, cho biết: “Các tổng thống đều tin rằng quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo là một phần quan trọng trong quan hệ quốc tế. Tôi tin rằng Tổng thống Trump đã nhận ra hầu hết các nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ không cho phép sở thích cá nhân ảnh hưởng đến chính sách, do các chính sách quốc gia thường được hình thành bởi lịch sử, địa lý và quá trình đưa ra quyết định. Vì vậy, các cuộc họp cấp cao nhất thường trở nên ít quan trọng".

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tổng thống Trump đề cập thời gian và 3 địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều
Tổng thống Trump đề cập thời gian và 3 địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều

Ngày 2/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng cuộc gặp tiếp theo giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2/2019, đồng thời cho biết ông đang xem xét 3 địa điểm tổ chức sự kiện này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN