Những cam kết được ông Biden đưa ra gồm có: Tái can dự với cộng đồng toàn cầu, tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ, chấm dứt các cuộc chiến bất tận ở nước ngoài, đáp trả Trung Quốc, tìm kiếm quan hệ ổn định với Nga, khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA).
Theo PJ Crowley, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, chính quyền của ông Joe Biden đã thể hiện chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa thực tế. Đó là một thành quả, nhưng nó cũng đặt ra bài kiểm nghiệm quan trọng trong năm 2022. Đã ra thông điệp về cài đặt chính sách đối ngoại của Mỹ, liệu ông Biden có tạo ra những kết quả thực sự có ý nghĩa?
Dưới đây là một số điểm nhấn chủ đạo liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ trong năm 2021.
Tái can dự với đồng minh và các tổ chức toàn cầu
Tổng thống Biden đã sớm bắn tín hiệu đoạn tuyệt với chính sách của chính quyền tiền nhiệm, khi ngay sau vài ngày lên nắm quyền đã ra tuyên bố về việc Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng như Tổ chức chức Y tế Thế giới (WHO). Đây chính là hai cơ chế mà ông Trump đã quyết định từ bỏ, bằng các quyết định trong năm 2017 và 2020.
Ông Biden cũng tìm cách trấn an các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn trước đó từng cảm thấy lo lắng bởi cách tiếp cận đối đầu với cả đồng minh của Donald Trump. Trong gần một năm nắm quyền của ông Biden, Mỹ cũng củng cố quan hệ với các đồng minh Bắc Mỹ láng giềng, tái can dự với Liên hợp quốc và khẳng định vị thế của Mỹ dưới góc độ là một người lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chống đại dịch COVID-19.
Các đồng minh lâu năm của Mỹ nhìn chung đánh giá cao cách tiếp cận dễ đoán định hơn của ông Biden trên trường quốc tế. Nhưng năm đầu tiên nắm quyền tại Nhà Trắng cũng gây ra rạn nứt giữa ông với các đồng minh. Chiến dịch rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan, mà lúc đầu ông Biden không có ý tham vấn NATO, đã khiến nhiều nước đặt dấu hỏi vào lòng tin với Washington.
Gần nhất, các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden với đồng cấp người Nga Vladimir Putin tại thời điểm Nga tăng cường lực lượng quân sự áp sát biên giới Ukraine cũng khiến các nước thành viên NATO ở rìa đông châu Âu tức giận. Số này lo sợ Mỹ sẽ có những nhượng bộ quá lớn trước Nga và làm phương hại đến lợi ích của họ. Cùng lúc, còn phải đến việc Mỹ bị cáo buộc “bán đứng” đồng minh Pháp khi cùng với Australia và Anh lập ra quan hệ đối tác an ninh ba bên (AUKUS) mà không hề thông báo hay tham vấn trước với EU.
Cách tiếp cận trước Trung Quốc
Ông Biden có cuộc điện đàm trực tuyến đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11/2021, trong một nỗ lực được coi là nhằm hạ nhiệt leo thang căng thẳng, không để cạnh tranh, đối đầu phát triển vượt tầm kiểm soát. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại, cuộc chiến mà ông Trump khởi xướng từ năm 2018, vẫn tiếp tục diễn ra trong gần một năm nắm quyền của ông Biden.
Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden cũng chọn cách tiếp cận mới, khi đẩy mạnh tìm kiếm hợp tác, điều phối từ các đồng minh ở châu Âu và châu Á nhằm chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, thiết lập các thỏa thuận hợp tác quốc phòng, xoay trục sức mạnh và bố trí quân sự toàn cầu để có thể đối phó hiệu quả hơn trước Bắc Kinh.
Mỹ không ngần ngại công khai Trung Quốc là mối lưu tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Ngoại trưởng Antony Blinken hồi tháng 3 vừa qua đã khẳng định Trung Quốc là quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao và khoa học đặt ra thách thức nghiêm trọng với một hệ thống toàn cầu ổn định và mở.
Cuộc rút quân khỏi Afghainistan
Cựu Tổng thống Donald Trump ký hiệp định với Taliban hồi tháng 2/2020 về việc hoàn tất rút quân Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 5/2021, nhằm chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ. Ông Biden lùi thời hạn rút quân này đến tháng 9/2021, nhưng vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch.
Tuy nhiên, việc quân Taliban tiến công và làm chủ Kabul nhanh chóng cùng với một chiến dịch sơ tán đầy náo loạn ở sân bay thủ đô Kabul đã khiến Mỹ bị chỉ trích. Nhiều người cho rằng đó là một thất bại tình báo và chiến lược của Mỹ, khi không lượng định đúng tình hình, cục diện. Việc Mỹ không kích nhầm làm hàng chục dân thường Afghanistan thiệt mạng trong chiến dịch rút quân này càng làm giảm uy tín, hình ảnh của Mỹ.
Tổng thống Biden lên tiếng bảo vệ quyết định rút quân, cho rằng đây là một việc làm đúng đắn. Thời hạn rút quân không phải là điểm bất biến, mà được thiết kế và triển khai để bảo vệ mạng sống của người dân Mỹ. Washingon từ thời điểm đó đến nay vẫn không công nhận chính quyền Taliban, nhưng sử dụng Qatar như là một “phái viên ngoại giao” trong duy trì kênh tiếp xúc gián tiếp với Kabul.
Can dự với Nga
Kỳ vọng ban đầu của ông Biden về thiết lập “ổn định chiến lược” với Nga đã không thành hiện thực, khi Nga điều động lực lượng quân sự quy mô lớn áp sát biên giới Ukraine, làm dấy lên lo ngại về một cuộc can thiệp quân sự, tương tự như sự kiện Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014.
Trong cuộc điện đàm trực tuyến với ông Putin hôm 7/12 vừa qua, Tổng thống Biden cảnh báo Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nếu Moskva chọn cách can thiệp quân sự vào Ukraine. Mỹ và phương Tây sẽ có biện pháp đáp trả, trong đó có những đòn trừng phạt kinh tế được cho là “khủng khiếp nhất” từ trước đến nay.
Tuy nhiên, ông Biden cũng loại trừ khả năng Mỹ can thiệp, sử dụng vũ lực để đối chọi với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Lý do là Ukraine vẫn chưa phải là thành viên chính thức của NATO và Mỹ không ký kết với Ukraine bất kỳ thỏa thuận nào có điều khoản về nghĩa vụ tương hỗ quân sự.
Về phần mình, Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm, ông Putin đã đưa ra yêu cầu đối với Mỹ về bảo đảm an ninh ràng buộc đối với Nga, trong đó có việc loại trừ NATO mở rộng về phía đông và áp sát biên giới Nga.