Theo bình luận của Trita Parsi, Phó Chủ tịch Điều hành Viện Quincy với tờ New York Times ngày 21/4, khả năng quản lý khủng hoảng sau hậu trường của Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn bùng phát ở Trung Đông cho đến thời điểm hiện tại. Nhưng chiến thắng mang tính chiến thuật đó của chính quyền Mỹ thực sự là một phần của thất bại chiến lược lớn hơn trong khu vực.
Trong hai tuần qua, Tổng thống Biden đã nỗ lực đảm bảo rằng cuộc đối đầu công khai chưa từng có giữa Israel và Iran không biến thành một cuộc xung đột toàn diện. Sau khi Israel tấn công toà nhà lãnh sự quán Iran ở Syria vào đầu tháng này, ông Biden đã công khai kêu gọi Iran không tấn công đáp trả, đồng thời đàm phán riêng về một thoả hiệp kết thúc bằng hàng loạt tên lửa và máy bay không người lái (vốn được thông báo trước từ Tehran) bị bắn hạ trước khi chúng có thể gây thiệt hại lớn cho Israel. Ông Biden sau đó đã tìm cách thuyết phục Israel không trả đũa. Dù phía Israel có phản ứng, nhưng phản ứng có giới hạn đã giúp tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát và nhanh chóng lắng dịu.
Chuyên gia Parsi cho rằng, Tổng thống Biden xứng đáng được ghi nhận vì đã góp phần vào quá trình giảm leo thang quan trọng này. Iran đã phát động một cuộc tấn công nhưng thất bại như dự kiến; phản ứng của Israel là hạn chế để Iran có thể coi như không hề bị tấn công. Nhưng trong khi hành động của Tổng thống Mỹ giúp tránh được một thảm họa ngay lập tức, thì chính những chính sách của Washington đã đẩy Trung Đông vào quỹ đạo nguy hiểm hiện nay.
Kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 năm ngoái, ông Biden đã từ chối tận dụng ảnh hưởng đáng kể của Mỹ đối với Israel để kiềm chế Tel Aviv, nhằm đảm bảo một lệnh ngừng bắn hoặc ngăn cản Israel thực hiện những gì có thể dẫn đến hành động đi ngược lại lợi ích của Mỹ.
Ông Biden đã ủng hộ viện trợ vũ khí cho Israel giữa lúc thương vong dân sự ở Gaza tăng cao. Quan trọng hơn, Mỹ đã ba lần phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu ngừng bắn. Dù Washington đã đồng ý một nghị quyết như vậy được thông qua vào tháng trước, nhưng ngay lập tức Nhà Trắng làm suy yếu nghị quyết bằng cách tuyên bố rằng tài liệu này không có tính ràng buộc.
Những chính sách này không chỉ kéo dài cuộc chiến ở Gaza, làm gia tăng thương vong dân sự và cô lập Mỹ trên trường quốc tế. Chúng cũng làm tăng thêm nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực mà Mỹ có thể dễ dàng bị lôi kéo vào.
Cuộc chiến ở Gaza đã dẫn đến việc phá vỡ lệnh ngừng bắn "không chính thức" giữa quân đội Mỹ ở Trung Đông và lực lượng dân quân Iraq và Syria thân Iran, từ đó dẫn đến sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ, khiến 3 binh sĩ nước này thiệt mạng vào tháng 1 vừa qua. Ông Biden đáp trả bằng cách sử dụng vũ lực chống lại các lực lượng dân quân này và lực lượng Houthi ở Yemen, đưa Mỹ đến gần hơn bao giờ hết với một cuộc xung đột lớn.
Tổng thống Biden, trong khi thường nói rằng ủng hộ giải pháp hai nhà nước, cũng đã thúc đẩy các chính sách phớt lờ quyền trở thành một nhà nước của người Palestine và thậm chí là trực tiếp ngăn chặn điều này. Trước xung đột Israel-Hamas, chính quyền Biden ít chú ý đến xung đột Israel-Palestine và không thể đảo ngược một số quyết định của chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump, như đóng cửa Văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine ở Mỹ và lãnh sự quán Mỹ ở Jerusalem, vốn là cơ quan ngoại giao chính thức để liên lạc giữa phía Mỹ và người Palestine.
Công thức của Tổng thống Donald Trump cho Trung Đông khi đó khẳng định giải pháp hai nhà nước không còn là "chìa khóa" cho hòa bình ở khu vực. Đúng hơn, hội nhập kinh tế giữa các quốc gia Arab và Israel sẽ mang lại hòa bình, và người Palestine trên thực tế sẽ phải chấp nhận số phận của mình như một dân tộc "chịu sự chiếm đóng vô thời hạn".
Tổng thống Biden đã tiếp tục nỗ lực ngoại giao nhằm xây dựng Hiệp định Abraham của ông Trump. Hiệp định này đưa ra những nhượng bộ của Mỹ đối với các quốc gia Arab để đổi lấy việc họ từ bỏ yêu cầu thành lập một nhà nước Palestine như một điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Israel. Ông Biden đã áp dụng cách tiếp cận này ngay từ đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của mình và đã tìm cách vượt qua ông Trump bằng nỗ lực lôi kéo quốc gia Arab quan trọng nhất, Saudi Arabia.
Thay vì đánh giá lại cách tiếp cận này sau ngày 7/10 năm ngoái, ông Biden vẫn giữ nguyên công thức đó. Nhưng việc theo đuổi thỏa thuận bình thường hóa giữa Tel Aviv với Riyadh của ông Biden đã bị đình trệ khi xung đột nổ ra. Gần đây, thế giới một lần nữa lại xôn xao với những tin đồn về việc ông Biden sắp môi giới thành công thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Israel. Là một phần của bất kỳ thỏa thuận nào như vậy, các quan chức Saudi Arabia được cho là hiện đang xem xét chấp nhận sự đảm bảo bằng lời nói từ Israel rằng họ sẽ tham gia các cuộc đàm phán về tư cách nhà nước của Palestine.
Tóm lại, dù không đánh giá thấp những thành công về mặt chiến thuật của Tổng thống Biden trong việc tránh được những kịch bản tồi tệ nhất, nhưng chúng không bao giờ có thể bù đắp cho sự thất bại rộng lớn hơn của Washington trong việc theo đuổi một chiến lược mang lại an ninh thực sự cho nước Mỹ và hòa bình thực sự cho Trung Đông.