‘Chiến lược Grindr’ của Trung Quốc - cuộc thâu tóm công nghệ phương Tây

Ứng dụng hẹn hò Grindr không phải là công ty công nghệ duy nhất mà các doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm cách thâu tóm. Đây chỉ là một phần trong chiến lược lớn hơn nhiều của Bắc Kinh nhằm sở hữu công nghệ phương Tây.

Chú thích ảnh
 Nhà chức trách Mỹ đã phải can thiệp nhằm đảo ngược hợp đồng mua Grindr của công ty Kunlun, Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia. Ảnh: Getty Images 

Grindr không phải là kiểu công ty mà mọi người vẫn liên tưởng đến an ninh quốc gia. Ứng dụng hẹn hò này phục vụ chủ yếu cho những người đồng tính nam, người chuyển giới.

Tuy nhiên đầu năm nay, Chính phủ Mỹ đã ra một quyết định bất thường nhằm thu hồi hợp đồng mua bán Grindr vì lý do an ninh quốc gia. Ứng dụng hẹn hò này đã được mua bởi một công ty Trung Quốc là Kunlun (Côn Lôn). Đây được cho là một phần trong chiến lược lớn hơn của Bắc Kinh nhằm mua lại các công ty công nghệ tiên tiến của phương Tây. Và chiến lược đó có ý nghĩa về bảo mật an ninh nghiêm trọng đối với phương Tây.

Khi Kunlun, một công ty game phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, hoàn tất việc mua Grindr vào năm ngoái, công ty này có khoảng 3 triệu người dùng hàng ngày, và không được ai chú ý nhiều. Các nhà quản lý thường theo dõi hoạt động thâu tóm nhằm vào những công ty chiến lược như nhà thầu quốc phòng, nhà cung cấp điện, và có lẽ cả những gã khổng lồ mạng xã hội như Facebook, chứ không phải là một ứng dụng hẹn hò tương đối nhỏ. Nhưng đầu năm nay, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), một ủy ban của chính phủ phụ trách đánh giá về an ninh quốc gia của việc thâu tóm các công ty Mỹ, đã quyết định rằng Kunlun phải bán lại Grindr.

Chú thích ảnh
Logo ứng dụng Grindr trên màn hình điện thoại di động. Ảnh: Getty Images 

Theo trang Foreign Policy, CFIUS không giải thích lý do của họ, nhưng động cơ sự can thiệp của Ủy ban này là khá rõ ràng. Giống như các trang web hẹn hò khác, Grindr lưu trữ thông tin chi tiết về người dùng, bao gồm sở thích, địa điểm, thậm chí tình trạng xét nghiệm bệnh HIV của họ. Sau khi mua lại ứng dụng, Kunlun đã cấp cho nhân viên tại trụ sở ở Bắc Kinh quyền truy cập thông tin đó cũng như tới các tin nhắn riêng tư. Điều này là một mối lo ngại với Chính phủ Mỹ.

Hợp đồng mua Grindr của Kunlun không phải là cuộc thâu tóm duy nhất của Trung Quốc đối với các công ty công nghệ phương Tây. Năm 2016, nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc Midea đã mua Kuka, một công ty robot công nghiệp tiên phong của Đức. Phải mất rất lâu Midea mới tái tập trung được các hoạt động của Kuka vào Trung Quốc và thay thế CEO của công ty. Trong khi đó, tại Thụy Điển, các phương tiện truyền thông đưa tin vào năm ngoái rằng 3 công ty công nghệ tiên tiến đã được mua bởi người Trung Quốc. Trong đó có hai thương vụ, bên bán chính là chính phủ Thụy Điển.

Chú thích ảnh
Kuka, nhà sản xuất thiết bị robot lớn nhất và tiên tiến nhất của Đức đã được công ty Midea của Trung Quốc mua lại từ năm 2016. Ảnh: chinadaily

Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, việc các công ty mua bán, sáp nhập diễn ra mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên các cuộc thâu tóm của giới công ty công nghệ Trung Quốc diễn ra theo một mô hình cụ thể. Trong một báo cáo mới đây, Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (SDRA) đã lập bản đồ các thương vụ mua lại công ty Thụy Điển của phía Trung Quốc. Cơ quan này nhận thấy rằng hầu hết các thương vụ diễn ra từ năm 2014 và hơn 1.000 doanh nghiệp Thụy Điển hiện đã bị kiểm soát bởi công dân Trung Quốc. Phần lớn các công ty được mua nằm trong 5 lĩnh vực: sản phẩm công nghiệp và máy móc; y tế và công nghệ sinh học; công nghệ thông tin và truyền thông; điện tử; và sản xuất xe ô tô. Hơn nữa, một nửa số công ty được mua nằm trong các lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch “Made in China 2025”, nhằm đưa Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghệ cao.

Điều này chỉ ra thực tế rằng Trung Quốc đang mua lại các công ty Thụy Điển (và các công ty phương Tây khác) không phải chỉ vì lý do thương mại đơn thuần mà vì Trung Quốc muốn tiếp cận với các bí quyết của doanh nghiệp. “Đó là một vấn đề đáng ngại bởi chúng ta không có một cơ chế giám sát về đầu tư nước ngoài”, ông Jerker Hellstrom, người phụ trách báo cáo của SDRA phát biểu với tờ Foreign Policy. “Không có cơ quan chính phủ nào nhận được thông tin về tất cả các hoạt động mua lại doanh nghiệp của các thực thể nước ngoài, do đó chúng ta không thể biết được những gì xảy ra và thiếu một bức tranh tổng thể”.

Số liệu về vốn đầu tư của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu, do Viện Mercator tập hợp, cũng chỉ ra theo hướng đó: Năm 2018, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 17,3 tỷ euro (gần 20 tỷ USD) vào EU, phần lớn là dành cho sáp nhập và mua lại.

Chú thích ảnh
Những cánh tay robot do Kuka chế tạo đang lắp ráp bộ phận xe Volkswagen tại nhà máy ở Emden, Đức. Kuka hiện đã thuộc về người Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Con số trên đã giảm mạnh so với khoản 37,2 tỷ euro (tương đương trên 40 tỷ USD) trong năm 2016 – kết quả của các siêu dự án đầu tư mua lại những “người khổng lồ” sản xuất. Tuy nhiên, việc mua lại các công ty công nghệ tiên tiến lại rẻ hơn công ty sản xuất, và như báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển đã chỉ ra, nó phù hợp với chiến lược chính thức của Bắc Kinh: Bằng cách mua lại công ty công nghệ phương Tây, Trung Quốc có quyền tiếp cận các công nghệ quan trọng mà không phải mất chi phí và thời gian phát triển.

Có thể gọi các hành động của Trung Quốc là đầu tư thông minh hoặc “vũ khí hóa toàn cầu hóa". Giới phân tích phương Tây cho rằng, điều rõ ràng là đây không chỉ là vấn đề thương mại mà còn là một chiến lược mở rộng ảnh hưởng chính trị. “Trong số các cường quốc thương mại lớn, Trung Quốc là nước duy nhất cho phép liên kết giữa ngành công nghiệp và chính phủ”, ông Hellstrom lưu ý.

Sau Midea thâu tóm Kuka của Đức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng chính phủ nước này khuyến khích các bên hợp tác cùng có lợi theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, giống như CFIUS của Mỹ, chính phủ Đức đột ngột “bừng tỉnh” trước nguy cơ rủi ro từ hoạt động thâu tóm của Trung Quốc. Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kinh tế lúc đó là Brigitte Zypries tuyên bố rằng các bí quyết của Đức phải được bảo vệ trước các nhà đầu tư nước ngoài. Sau đó người kế nhiệm của bà là ông Peter Altmaier đã quyết định hạ thấp tỉ lệ ngưỡng thâu tóm mà chính phủ có thể can thiệp và phủ quyết đầu tư nước ngoài từ 25% xuống còn 15% cổ phần, và trên thực tế đã ngăn chặn được hai thương vụ. Ngưỡng này sau đó còn được hạ xuống 10%.

Đức, Pháp và Italy cũng lo ngại về những rủi ro an ninh quốc gia từ các khoản đầu tư của Trung Quốc. Vào năm 2017, họ đã viết một lá thư cho Ủy viên Thương mại EU lúc bấy giờ, bà Cecilia Malmstrom, chỉ ra (dù không đề cập thẳng tới Trung Quốc) rằng: “Chúng tôi lo lắng về việc thiếu sự trao đổi lẫn nhau và về khả năng bán sạch cả chuyên môn của châu Âu, điều mà chúng ta hiện không thể đối phó bằng công cụ nào hiệu quả”.

Đầu năm 2019, EU đã đưa ra một khung pháp lý, qua đó các quốc gia thành viên có thể trao đổi thông tin về các khoản đầu tư cụ thể và cho phép Ủy ban châu Âu can thiệp nếu nhận thấy kế hoạch thâu tóm đe dọa an ninh tới hơn một nước thành viên. Nhưng đó vẫn không phải là một công cụ sàng lọc.

Tất nhiên, thách thức là việc tăng cường giám sát sẽ "xúc phạm" Trung Quốc, đối tác thương mại lớn đối với tất cả các nước phương Tây, và dẫn đến giảm xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Hellstrom cho rằng, toàn cầu hóa đã mang đến những cơ hội phi thường đi kèm những rủi ro, nhưng giải pháp không phải là đóng cửa biên giới hoặc hạn chế thương mại quốc tế.; thay vào đó là phải chú ý hơn tới động cơ của những người hoạt động trên thị trường toàn cầu.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Mỹ trục xuất hai nhân viên ngoại giao Trung Quốc đi vào căn cứ quân sự
Mỹ trục xuất hai nhân viên ngoại giao Trung Quốc đi vào căn cứ quân sự

Tờ New York Times đưa tin hai nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã bị “trục xuất trong bí mật” sau khi cố tình đi vào một căn cứ quân sự “nhạy cảm” tại Virginia. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN