Chiến tranh Lạnh kết thúc đã dẫn đến sự sụp đổ của trật tự thế giới 2 cực. Mặc dù Nga đã bị mất vị thế siêu cường của mình, nước này vẫn là một cường quốc với kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Nga vẫn thể hiện tầm ảnh hưởng của mình trong không gian hậu Xô viết bằng các biện pháp khác nhau. Tuy nhiên, các nước vùng Baltic thực sự dần thoát khỏi ảnh hưởng của “gấu Nga” bằng cách đề ra chương trình nghị sự Euro-Atlantic của họ trong những năm đầu thập niên 1990.
Theo Irakli Sirbiladze, nghiên cứu sinh quan hệ quốc tế tại Đại học Queen Mary, London (Anh), rõ ràng là chính sách đối ngoại của Nga hiện nay, dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, có vẻ là để đối phó với sự sụp đổ của một trật tự thế giới lưỡng cực và quyền bá chủ của Mỹ.
Có nhiều bằng chứng ủng hộ nhận định này nếu như nhìn vào những lời nói và hành động của các nhà hoạch định chính sách của Nga. Cụm từ câu nói cửa miệng của Tổng thống Putin rằng sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20 đã làm sáng tỏ những gốc rễ hành vi của Nga.
Đối với Nga, vị thế quốc tế bị suy giảm là một “cục tức khó có thể nuốt trôi”. Nhiều người, đặc biệt là những người biện hộ cho chủ nghĩa hiện thực mới ở Nga, coi việc mở rộng về phía Đông của NATO và EU như là "cội nguồn của mọi rắc rối" và đó cũng là một yếu tố thúc đẩy chính sách can dự và các chính sách khác của Nga ở Ukraine và các nơi khác.
Hơn nữa, cái gọi là "cuộc cách mạng màu" ở Gruzia và Ukraine cùng với lập trường thân phương Tây của họ được coi là một động thái chống Nga của Điện Kremlin. Mỹ "can thiệp" vào khu vực sân sau của Nga được xem như là một sự vi phạm của cái có thể được gọi là "Học thuyết Monroe" của Nga, vốn coi không gian hậu Xô Viết - trừ các nước vùng Baltic- như là một khu vực nằm trong tầm ảnh hưởng của mình.
Sirbiladze cho rằng để đối phó với sự mở rộng của phương Tây, Nga đang cần một chiến lược hiệu quả để duy trì các nước thuộc khu vực hậu Xô viết không rơi vào tầm ảnh hưởng của các cấu trúc phương Tây. Cuộc chiến Nga-Gruzia năm 2008 là sự phản ánh đầu tiên chiến lược ngăn chặn phương Tây can thiệp vào "các khu vực lợi ích đặc quyền" của Nga.
Nếu nghiên cứu kỹ về những lý do dẫn đến việc bùng nổ cuộc chiến, sẽ không khó khi nhìn vào lập luận của Thủ tướng Nga Medvedev rằng "NATO có lẽ sẽ mở rộng hơn nữa tới các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nếu Nga không tấn công Gruzia vào năm 2008". Việc công nhận các khu vực ly khai của Gruzia là Abkhazia và Tskhinvali/Nam Ossetia là hai quốc gia độc lập đã chứng minh chiến lược lâu dài của Nga.
Sáng kiến Hợp tác phía Đông của Liên minh châu Âu (EU), được thành lập sau cuộc chiến Nga-Gruzia năm 2008, nhằm mở rộng phạm vi tới các nước thuộc Liên Xô cũ, cũng được Điện Kremlin nhìn nhận dưới lăng kính tiêu cực. Để đáp lại, Nga đã đưa ra ý tưởng thành lập Liên minh Âu-Á mà theo lý thuyết có thể cạnh tranh hoặc ngăn chặn ý định của EU trong khu vực.
Bản đồ một số nước thuộc khu vực Không gian hậu Xô-viết. |
Sự hợp tác giữa EU và Moldova, Gruzia và Ukraine được Moskva cho là sẽ dẫn đến việc ký kết Hiệp định Liên minh, bao gồm Hiệp định thương mại tự do toàn diện và sâu rộng (DCFTA). Mặc dù Nga cuối cùng không phản đối quá trình gia nhập của Gruzia và Moldova, nhưng Ukraine dường như là nền tảng trong việc thực hiện giấc mơ Á-Âu của Nga.
Gốc rễ của cuộc khủng hoảng ở Gruzia (2008) và Ukraine có lẽ được nhìn nhận trong một bối cảnh rộng lớn hơn của sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Tương lai của Ukraine là rất quan trọng đối với Nga để duy trì trạng thái của một quyền lực nước lớn và tránh bị suy giảm xuống mức chỉ như là một cường quốc khu vực.
Như Barry Buzan, Giáo sư danh dự về quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, nhận xét trong cuốn sách “The Regions và Powers: The Structure of International Security” (Cường quốc và Khu vực: Cấu trúc An ninh Quốc tế): "Nếu Nga tiếp tục duy trì là một cường quốc lớn, vừa có thể bảo vệ chính mình và khẳng định tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, nước này cần phải duy trì tầm ảnh hưởng trong Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS)".
Điều đó nói lên rằng, sự cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách của Nga sẽ phải triển khai tất cả các phương tiện có thể để đảm bảo rằng các nước trong không gian hậu Xô viết có thể trở thành một “cơn đau đầu” đối với các chính phủ phương Tây, một cơn đau đầu mà sẽ buộc phương Tây phải lùi bước và xem lại một số chương trình nghị sự của họ.