Sáng sớm 17/10, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nói: “Hôm nay tôi tuyên bố bắt đầu những chiến dịch thắng lợi này để giải phóng các bạn khỏi bạo lực và khủng bố từ IS”.
Chiến dịch giải phóng Mosul được sự hậu thuẫn trên bộ và trên không từ liên minh 60 quốc gia do Mỹ dẫn đầu.
Nỗ lực quốc tế tại Iraq đã đạt đỉnh với trận chiến Mosul. Giờ đây, bầu trời thành phố này đã đầy chiến đấu cơ của Mỹ và liên minh cũng như máy bay không người lái do thám. Sức mạnh tình báo toàn lực của liên minh chống IS đều dồn vào Mosul, giúp Iraq có khả năng áp sát Mosul, tiêu diệt các thủ lĩnh IS và phát hiện kế hoạch phòng thủ kịp thời.
Xe quân sự Mỹ tại căn cứ Qayyarah, cách Mosul 60 km chuẩn bị tham chiến. Ảnh: AFP/TTXVN |
Máy bay của Mỹ cũng chở thực phẩm, nhiên liệu, đạn dược thẳng vào vùng chiến sự. Pháo binh của Mỹ và Pháp đã nã vào các vị trí của IS tới tận rìa thành phố. Có thể nói, lực lượng đặc biệt của liên minh chống IS có mặt ở mọi nơi, chiến đấu trên mặt trận, vạch các mục tiêu tấn công và cố vấn cho các chỉ huy Iraq. Họ cũng có mặt bí mật ở Mosul để tổ chức các sứ mệnh đặc biệt và phong trào chống IS. Các nhóm cố vấn của liên minh còn là chất keo dính giữa lực lượng Iraq và lực lượng người Kurd.
Tuy nhiên, vai trò trung tâm của Mỹ và liên minh trong các chiến dịch quân sự thành công tại Iraq là một con dao hai lưỡi. Người ta đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu liên minh này ngừng hỗ trợ sau khi Mosul được giải phóng. Lịch sử liệu có lặp lại? Trước đây, giai đoạn từ năm 2007 đến 2010, IS đã bị đánh bại ở Iraq, bị lực lượng Mỹ và Iraq triệt quét tận gốc. Tuy nhiên, IS lại hồi sinh trong giai đoạn 2010 – 2014, trở lại mạnh hơn bao giờ hết, càn quét tới 1/3 lãnh thổ Iraq chỉ hai năm rưỡi sau khi lực lượng Mỹ rút đi. Nguy cơ nhãn tiền là điều này có thể xảy ra lần nữa, khiến cho chiến dịch giành Mosul, dù chiến thắng, cũng chỉ là “giờ nghỉ” tạm thời.
Tỉnh Diyala ở đông bắc thủ đô Baghdad có thể là một hình ảnh tương lai của Iraq. Cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số ở tỉnh này đang nằm dưới quyền cai trị của Tổ chức Badr – một tổ chức dân quân dòng Shiite được Iran hậu thuẫn và nắm giữ chính quyền địa phương cũng như lực lượng an ninh. Liên quân do Mỹ dẫn đầu không thể hoạt động ở Diyala vì tổ chức dân quân này từ chối sự hỗ trợ trên không của Mỹ. Liên quân cũng rất sợ phản ứng của Badr nếu chẳng may không kích nhầm vào các tay súng của họ. IS đã lợi dụng sự thù địch giáo phái ở Diyala để hồi phục, đe dọa chiếm các làng và thực hiện tấn công hàng loạt vào dân thường Shiite. Để những gì đã xảy ra ở Diyala không diễn ra ở toàn Iraq, Mỹ cần bắt đầu lên kế hoạch từ bây giờ.
Trong khi cuộc chiến chống IS chuyển từ giai đoạn giải phóng các thành phố Iraq sang giai đoạn ổn định lâu dài, nỗ lực quốc tế cũng sẽ phải nhanh chóng thay đổi. Các lực lượng nước ngoài từng giúp Iraq chống IS sẽ phải chuyển hướng sang thành trì tiếp theo của IS ở Syria là Raqqa - “thủ đô” tự xưng của IS. Trong quá trình đó, các đối tác quốc tế cần phải hỗ trợ Iraq phát triển an ninh biên giới và năng lực hậu cần để ngăn bất ổn ở Syria tràn ngược trở lại Mosul và các thành phố khác.
Ngoài ra, nếu không cẩn trọng, các đồng minh của phương Tây như Thủ tướng Iraq al-Abadi, lực lượng người Kurd ở Iraq và các tay súng bộ lạc dòng Sunni có thể chịu áp lực từ lực lượng dân quân dòng Shiite. Xung đột sắc tộc khi đó sẽ bùng phát trở lại cho dù IS không còn thống trị. An ninh dọc ranh giới giữa khu vực của người Kurd ở Iraq và các khu vực còn lại cũng cần được tăng cường khi hai bên còn tranh cãi về lãnh thổ.
Với chiến dịch Mosul, Mỹ và đồng minh quốc tế ở Iraq được ví như một người đang đẩy một tảng đá lên đồi, gần tới đỉnh và tự hỏi liệu dừng đẩy đã an toàn chưa và liệu hòn đá có khả năng lăn ngược xuống không. Năm 2011, Mỹ đã dừng đẩy hòn đá quá sớm và đã tạo điều kiện cho IS sinh sôi. Một khi Mosul được giải phóng, để chiến thắng có thể là thành tựu lâu dài, Iraq và lực lượng quốc tế cần rút kinh nghiệm từ bài học năm xưa và nhớ rằng giải phóng Mosul không có nghĩa cuộc chiến chống IS đã kết thúc.