Châu Âu lo sợ 'bà đầm thép' người Đức

Người Anh so sánh Thủ tướng Đức Angela Merkel với cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, trong khi nhiều nước khác đón nhận tin chiến thắng của bà Merkel với sự hoài nghi. Đặc biệt, các nước Nam Âu đang rất quan ngại về quyền lực mới của nữ Thủ tướng Đức.

Bình luận về vấn đề này, báo "Tấm gương" (Đức) ngày 23/9 có bài viết như sau:

Chiến thắng vang dội của bà Merkel gây bất ngờ cho các nhà quan sát nước ngoài. Không ai ở những nước này tính tới một kết quả tốt như vậy với nữ Thủ tướng Đức và giờ đây họ phải tiếp tục lên chương trình làm việc bốn năm nữa với chính trị gia đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU).

Thủ tướng Đức Angela Merkel mừng chiến thắng tại trụ sở của đảng CDU ở thủ đô Berlin sau cuộc bầu cử. Ảnh: AFP/TTXVN


Riêng trong nhiệm kỳ qua, với chính sách thắt lưng buộc bụng, bà Merkel đã khiến nhiều người dân ở các nước gặp khủng hoảng tức giận. Giờ đây, "nữ thủ tướng thép" quay trở lại với quyền lực lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, có một điều là cả Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hay những người đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels đều biết rằng châu Âu không thể thiếu bà Merkel.

Việc đảng của bà Merkel giành thắng lợi một cách thuyết phục trong cuộc bầu cử vừa qua đã nhận được sự kính nể rất lớn từ phía Anh. Báo "Điện tín hàng ngày" (Daily Telegraph) gọi đó là một "chiến thắng long trời lở đất" của bà Merkel, còn báo "Người bảo vệ" (Guardian) gọi đó là một "chiến thắng cá nhân" của nữ Thủ tướng Đức. Một con đường đầy vinh quang đang mở ra, bà Merkel - với nhiệm kỳ thứ ba của mình - có thể vượt bà Thatcher để trở thành nữ thủ tướng cầm quyền lâu nhất ở châu Âu.

Những người bảo thủ ở Anh có thể vui mừng trước chiến thắng của bà Merkel vì động thái này đã mang lại hy vọng cho Thủ tướng Anh David Cameron. Ông Cameron hy vọng cũng sẽ được cử tri ủng hộ trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015 nhờ chính sách tiết kiệm của mình. Theo chính trị gia Olaf Cramme thuộc Mạng lưới cố vấn chính trị London, "thông điệp trong cuộc bầu cử quốc hội là: Người dân muốn ổn định kinh tế". Bên cạnh đó, ông Cameron coi đồng minh quan trọng nhất trong việc cải cách EU là bà Merkel và ông rất cần sự hỗ trợ của bà trong việc thực thi những sửa đổi cần thiết trong các hiệp ước ở Brussels.

Với Pháp, ngay sau khi đảng của bà Merkel thắng cử, Chủ tịch đảng Liên minh Phong trào nhân dân (UMP) đối lập bảo thủ - ông Jean Francois Cope - đã gửi lời "chúc mừng nhiệt liệt và chân thành nhất" tới Thủ tướng Merkel. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande bình luận không mấy nhiệt thành về chiến thắng của bà Merkel. Một cách ngoại giao, chính trị gia đảng Xã hội Pháp này bày tỏ mong muốn tiếp tục "sự hợp tác chặt chẽ để có thể đương đầu với những thách thức mới trong việc xây dựng châu Âu" và mời bà Merkel tới thăm Paris.

Theo bà Anne Marie Le Gloannec, chuyên gia về Đức và là giáo sư làm việc tại Trung tâm Khoa học chính trị Paris, điều đáng nói là ở chỗ trong khi bà Merkel đang ở đỉnh cao quyền lực thì trái lại uy tín của ông Hollande đang ở mức rất thấp. Với vị thế đó, bà Merkel có thể thực thi thêm các chính sách cứng rắn với EU và tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, người ta sẽ coi là thảm hoạ nếu CDU giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Tuy nhiên, cũng có tiếng nói hy vọng cho châu Âu sau cuộc bầu cử ở Đức.

Theo ông Eric Chol, Tổng biên tập tờ "Courrier International", với một chính phủ mới ở Berlin, những chủ đề đã bị gạt đi cuối cùng sẽ được đưa trở lại bàn thảo luận. Nếu CDU liên minh với SPD, các đối tác của Đức có thể kỳ vọng rằng sẽ có những động lực thực sự cho tăng trưởng với "Kế hoạch Marshall II" của ông Peer Steinbruck.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, người ta đã biết trước về chiến thắng của bà Merkel. Với Thủ tướng Erdogan, thắng lợi của CDU và việc bà Merkel tiếp tục làm thủ tướng có nghĩa rằng quy chế thành viên EU của nước này còn xa vời. Khác với SPD, trong chương trình tranh cử của mình, CDU khẳng định sẽ chống lại việc tiếp nhận Thổ Nhĩ Kỳ vào EU. Do vậy, cuộc bầu cử ở Đức cũng là một chủ đề quan trọng đối với truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và báo chí nước này đã cập nhật thường xuyên tin tức cuộc bầu cử ở Đức.

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử ở Đức, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ - ông Egemen Bagis - tuyên bố rằng có lẽ nước ông sẽ không bao giờ có thể trở thành thành viên EU bởi luôn đối mặt với "sự phản đối gay gắt" và "bị thành kiến" trong EU. Theo ông, các nước châu Âu cần phải thay đổi để EU có thể lần đầu tiên tiếp nhận một nước Hồi giáo làm thành viên. Các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ đều quy trách nhiệm này cho bà Merkel và hy vọng bà sẽ nghĩ lại sau khi tái cử để có thể nối lại các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, vốn bị đình trệ từ năm 2005.


TTK
Khó khăn thành lập liên minh cầm quyền ở Đức
Khó khăn thành lập liên minh cầm quyền ở Đức

Một ngày sau khi có kết quả bầu cử Quốc hội liên bang, Chủ tịch đảng Dân chủ Cơ đốc giáo đồng thời là đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khởi động quá trình thương lượng với hai đảng trung tả có ghế trong Quốc hội là đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh nhằm tìm kiếm liên minh cầm quyền mới.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN