Châu Âu hoảng loạn vì khủng hoảng nợ

Sự giận dữ và nỗi lo sợ về cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, một cuộc khủng hoảng dường như đã tới mức không thể ngăn chặn được, đang lan tràn khắp châu lục: Công nhân đình công làm hàng loạt nhà máy ở Bồ Đào Nha phải đóng cửa; Ailen phải cắt giảm chi tiêu mạnh nhất trong lịch sử; sinh viên ở Italia và Anh đụng độ với cảnh sát trong các cuộc biểu tình chống cắt giảm ngân sách giáo dục. Trong khung cảnh ấy, các nhà phân tích lại lo ngại rằng nỗ lực của chính phủ các nước, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể không đủ để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của nhiều quốc gia và nhiều ngân hàng.


Cổ phiếu của các ngân hàng trên thị trường chứng khoán Ailen đã rớt giá thảm hại khi các nhà đầu tư châm ngòi cho tâm lý hoảng loạn. Trong khi giá cổ phiếu của các ngân hàng Ailen đã giảm trong ngày thứ ba liên tiếp, mối quan tâm nay đã chuyển sang các món nợ của chính phủ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Người ta lo ngại rằng các khoản nợ khổng lồ sẽ khiến hai nước này không thể đứng vững và có thể trở thành những nước tiếp theo phải cần tới sự trợ giúp của EU.

Ngày 24/11, Thủ tướng Ailen Brian Cowen thông báo gói cho vay của EU-IMF có thể lên tới 85 tỷ euro (115 tỷ USD). Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Ailen đã cố tình hạ thấp quy mô khủng hoảng tài chính, vì nước này có thể phải cần tới gói cứu trợ 130 tỷ euro (175 tỷ USD), do các khoản cho vay thế chấp mua nhà đang đứng trước nguy cơ không thu hồi được.

Nhóm nghiên cứu và tư vấn Eurasia Group ở New York cho rằng các vấn đề của khu vực đồng euro 16 thành viên sẽ không dừng lại ở Ailen. Nhóm này cho rằng kế hoạch cứu trợ Bồ Đào Nha có thể sẽ được đưa ra trong năm tới, khi nước này phải bán trái phiếu chính phủ để lấy tiền chi tiêu. Eurasia Group cho rằng Bồ Đào Nha sẽ phải chấp nhận gói cứu trợ, cho dù chính phủ nước này vẫn tuyên bố họ không cần tới nó. Các nhà phân tích ước tính Bồ Đào Nha sẽ cần ít nhất 50 tỷ euro (67 tỷ USD), song số tiền cứu trợ đối với Tây Ban Nha có thể lớn gấp bội. Sự giúp đỡ của bên ngoài đối với Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực đồng euro - thậm chí có thể là dấu chấm hết của khu vực đồng euro, với việc Tây Ban Nha bị buộc phải rút khỏi khu vực này hay Đức quay trở lại sử dụng đồng Deutschmark. Eurasia tuyên bố: "Cuộc khủng hoảng ở Tây Ban Nha là cuộc khủng hoảng cuối cùng - một cuộc khủng hoảng sẽ thực sự gây rắc rối".

Cũng như các nước mắc nợ khác cho tới nay, Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Elena Salgado ngày 24/11 khăng khăng cho rằng Tây Ban Nha không cần cứu trợ và các quy định nghiêm ngặt đối với các ngân hàng cùng với các biện pháp khắc khổ cắt giảm ngân sách, tiền lương và lương hưu sẽ bảo vệ hệ thống tài chính của nước này. Tuy nhiên, các chính trị gia khác vẫn hoài nghi và bày tỏ sự lo ngại về tình hình rối loạn kinh tế ở châu Âu.

Bồ Đào Nha đã vay một lượng tiền lớn để chi cho các khoản phúc lợi xã hội và hỗ trợ tiêu dùng của tư nhân, đồng thời bảo vệ việc làm bằng luật lao động mà một số người cho là lạc hậu dẫn đến tình trạng khó thuê và sa thải nhân công. Kế hoạch khắc khổ của Bồ Đào Nha, dự kiến được thực hiện từ 1/1 năm tới, cắt giảm lương công chức, phúc lợi xã hội, và nâng thuế thu nhập và thuế doanh thu, song các biện pháp này dự đoán sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế vốn đã yếu kém của nước này. Marie Diron, cố vấn hàng đầu về kinh tế khu vực đồng euro của hãng kiểm toán Ernst & Young, phát biểu: "Bồ Đào Nha chưa cho thấy các biện pháp nhằm ngăn chặn thâm hụt thực sự đưa nền tài chính công vào con đường ổn định trong khi Tây Ban Nha chưa thực hiện việc tái cơ cấu khu vực ngân hàng của nước này". Bà kết luận: "Trong bối cảnh như vậy, có nguy cơ cuộc khủng hoảng ở Ailen phát triển thành các cuộc khủng hoảng khác".

TTK (Theo AP)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN