Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng các nước Đức, Ba Lan và Pháp (Nhóm Weimar) vừa tái khẳng định tham vọng xây dựng chính sách quốc phòng chung cho Liên minh châu Âu (EU), nhưng những tiến bộ trên thực tế vẫn còn rất "hiếm hoi". Máy bay trinh sát HawkEye trên tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Dư luận thế giới đã hết sức quan tâm khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker hồi đầu tháng 3 vừa qua có phát biểu ủng hộ EU xây dựng quân đội chung, một khái niệm cho đến nay vẫn còn hết sức mơ hồ và không rõ ràng. Ý tưởng này trên thực tế đã nhận được sự tán thành của nhiều nước thành viên, ngoại trừ Anh. London cho rằng ưu tiên chính trong chính sách phòng thủ tập thể tại châu Âu vẫn phải là đóng góp cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hơn nữa, để có thể cho ra đời một bộ quân phục cho toàn EU, tất cả 28 quốc gia thành viên phải có tầm nhìn ngoại giao thống nhất. Đó là chưa kể phải giải quyết được vấn đề ngân sách.
Đầu tuần trước, ba vị Bộ trưởng của Đức, Ba Lan và Pháp đã nhắc lại rằng họ cùng chia sẻ "tham vọng" chung phát triển nền quốc phòng châu Âu, đồng thời nhấn mạnh cuộc gặp gỡ lần này được tổ chức trong khuôn khổ "Nhóm Weimar" để thảo luận nhằm tìm cách "phục hồi sức mạnh” và “sự thống nhất” trong chính sách quốc phòng của các nước EU - phần nào ám chỉ rằng chính sách này đang có sự khác biệt giữa các nước thành viên liên minh.
Ba vị bộ trưởng cũng đã đưa ra một số khuyến nghị cụ thể về chính sách quốc phòng và an ninh sẽ được bàn thảo tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới. Họ yêu cầu EU không chỉ đóng vai trò là đối tác lớn nhất huấn luyện cho quân đội nước ngoài, nhất là các quốc gia vừa mới thoát khỏi khủng hoảng, mà còn phải tham gia trang bị từ xe cộ, súng và thiết bị liên lạc. Thực ra, điều này đã được đưa vào kết luận của Hội nghị Thượng đỉnh EU về chính sách quốc phòng chung từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Ba bộ trưởng ủng hộ việc Brussels tài trợ cho một chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) quân sự. Gần đây, có tin nói rằng EU đã đưa ra danh mục trang thiết bị bắt buộc phải mua của Mỹ trị giá hàng chục triệu euro. Ý tưởng này, thực ra cũng đã được Hội nghị Thượng đỉnh EU năm 2013 đề cập đến nhưng đã vấp phải sự cản trở từ một số nước thành viên, nhất là Pháp khi cho rằng cách tiếp cận theo thiên hướng tự do của Brussels có thể ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia. Có tin đồn rằng các nhà công nghiệp Pháp đã phá ngang, với lý lẽ muốn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Đề xuất thứ ba của các bộ trưởng là đưa vào trực chiến lực lượng phản ứng nhanh của châu Âu với biên chế 1.500 người, được thành lập từ năm 2004 và có khả năng tác chiến từ 2007 nhưng cho đến nay vẫn "án binh bất động". Mỗi nước thành viên luân phiên đảm nhiệm chỉ huy lực lượng này trong vòng 6 tháng, sắp tới sẽ là Pháp, Đức rồi đến Ba Lan. Nếu nổ ra một cuộc khủng hoảng mới, người ta sẽ đo được khoảng cách từ lời nói đến hành động của các lãnh đạo châu Âu.
Có thể thấy nền quốc phòng chung của châu Âu mới chỉ đang ở vạch xuất phát và là "chủ đề" thường xuyên xuất hiện trong chương trình nghị sự của các hội nghị thượng đỉnh châu Âu. Trong bối cảnh đó, Pháp đã lựa chọn giải pháp "để trứng trong nhiều giỏ". Trước hết là phối hợp với Anh. Hai bên đã cụ thể hóa Hiệp định Lancaster House (ký năm 2010), thành lập Lực lượng viễn chinh chung, phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới, tên lửa, trang bị rà phá bom mìn. Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Pháp chưa hoàn toàn tin tưởng London tiếp tục duy trì nỗ lực quân sự như hiện nay nên họ cũng đặt cược cả vào việc tăng cường hợp tác với Đức và Ba Lan - hai nước có túi tiền rủng rỉnh hơn. Xét về góc độ này, các dự án mua sắm mới của Warsaw, nhìn từ Paris, có ý nghĩa như một sự trắc nghiệm. Giữa cái ô bảo trợ của Mỹ và tinh thần đoàn kết với các đối tác châu Âu, Ba Lan có thể sẽ muốn tạo ra một động lực mới cho nền quốc phòng chung châu Âu, hoặc ngược lại, sẽ giáng cho nó một đòn trí mạng.
Tiến Nhất (Theo Les Echos)