Tạp chí trực tuyến “Chính trị thế giới” mới đây đã đăng bài của Abraham M. Denmark, Cố vấn An ninh châu Á - Thái Bình Dương của Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ và là nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), cho rằng cuộc chạy đua tàu ngầm tại châu Á - Thái Bình Dương đang sôi động và ngày càng mạnh mẽ. Các cường quốc châu Á đang trỗi dậy đã đầu tư phát triển tàu ngầm chưa từng thấy và điều này đang làm thay đổi cơ bản môi trường an ninh dưới biển của khu vực.
Trong khi các tàu chiến nổi có thể được sử dụng cho các mục đích truyền thống và phi truyền thống như gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo, chống cướp biển... thì tàu ngầm sử dụng thích hợp trong các sứ mệnh đặc biệt nhạy cảm như phá hủy sức mạnh hàng hải của các nước khác, hỗ trợ các hoạt động đặc biệt, đặt mìn dưới biển và bí mật thu thập các tin tức tình báo gần vùng biển của đối thủ. Chiến tranh Lạnh đã để lại dấu ấn không thể phai mờ về hạm đội tàu ngầm của Mỹ. Những bài học từ nửa sau thế kỷ 20 đã cho thấy những thách thức của tàu ngầm mà Mỹ tiếp tục theo đuổi trong thế kỷ 21.
Khi Mỹ coi châu Á - Thái Bình Dương là khu vực quan trọng nhất về chiến lược trong thế kỷ 21, môi trường an ninh dưới đại dương đang biến đổi nhanh chóng và sẽ mở ra những thách thức mới khác biệt cơ bản với các thách thức trong Chiến tranh Lạnh. Trong khi sự cân bằng tàu ngầm Mỹ - Trung hiện nay có nét tương đồng với cân bằng Xô - Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, số nước có tàu ngầm chạy bằng diezen đang tăng lên, buộc Mỹ phải thay đổi căn bản cách thức đối phó với các thách thức mới này.
Hiện nay, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ có Mỹ và Trung Quốc có tàu ngầm hạt nhân. Ấn Độ đang trong quá trình phát triển tàu ngầm hạt nhân. Lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ có công nghệ tiên tiến hơn của Trung Quốc. Giống như tàu ngầm của Liên Xô, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc phát ra tiếng động lớn nên dễ bị nhận biết và theo dõi. Sự khác biệt đáng kể về tương quan sức mạnh tàu ngầm Mỹ - Trung hiện nay so với tương quan Xô - Mỹ thời Chiến tranh Lạnh là tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc lạc hậu hơn rất nhiều, kể cả so với tàu ngầm của Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, cũng chưa rõ Trung Quốc điều hành hoạt động của lực lượng tàu ngầm hạt nhân theo phương thức đồn lũy kiểu Liên Xô trước đây hay phương thức cơ động tuần tra kiểu Mỹ.
tAbraham M. Denmark cho rằng, trong khi Mỹ tìm cách kiềm chế Trung Quốc nổi lên thành cường quốc khu vực và toàn cầu, khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng có thể kéo cả hai nước này vào một cuộc xung đột trực tiếp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là không cao. Mỹ hoài nghi các nỗ lực của Trung Quốc sử dụng hải quân để chi phối Biển Đông ở mức độ nào đó. Mỹ cần can dự với các đồng minh và các đối tác trong chiến lược dưới mặt biển để phối hợp các hành động quân sự trên mặt biển, tăng cường khả năng dưới biển của các đồng minh và đối tác.
Theo tạp chí trên, trong khi tuyên bố châu Á - Thái Bình Dương là khu vực quan trọng nhất về lợi ích chiến lược đối với Mỹ trong thế kỷ 21, sự ổn định của khu vực này - ưu tiên cao nhất của Mỹ - đang bị thách thức bởi sự hoạt động dày đặc của tàu ngầm. Để duy trì ổn định khu vực, bảo vệ được các đồng minh và thúc đẩy lợi ích trong khu vực, Mỹ cần không ngừng đổi mới công nghệ và các kỹ năng ngoại giao. Thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã chứng tỏ khả năng thích nghi với những thách thức từ phía Liên Xô thì nay đã đến lúc Mỹ cần đổi mới, thích nghi và ngoại giao khôn khéo đối với các thách thức mới ở châu Á - Thái Bình Dương.
Anh Tuấn (P/v TTXVN tại LHQ)