Sau 1 năm, cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza, nổ ra từ ngày 7/10/2023, đã lôi kéo sự tham gia của toàn bộ các lực lượng vũ trang trong khu vực vốn coi Israel là đối thủ. Israel phải căng mình đối phó cùng lúc trên 7 mặt trận, bao gồm Iran, phong trào Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PJI) ở Dải Gaza, Hezbollah ở Liban, Houthi ở Yemen, các lực lượng kháng chiến của người Palestine ở Syria và Iraq. Đồng thời, các vụ tấn công nhằm vào người Do Thái và binh sĩ Israel ở Bờ Tây và các hoạt động khủng bố dưới dạng lao xe vào đám đông, xả súng, đánh bom liều chết… diễn ra tại nhiều địa phương ở Israel. Nước này cũng chịu áp lực lớn trên các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, Toà án Công lý quốc tế (ICJ), Toà án Hình sự quốc tế (ICC) do hậu quả chiến tranh đối với tình hình nhân đạo tại Dải Gaza, mà chuyên gia LHQ dùng cụm từ “địa ngục trần gian” để mô tả. Từ chỗ ban đầu ủng hộ quyền tự vệ chính đáng của người Israel trước cuộc tấn công đẫm máu của Hamas, các nước phương Tây đang có khuynh hướng thúc đẩy các giải pháp dài hơi cho cuộc xung đột, bằng cách đơn phương công nhận Nhà nước Palestine độc lập. Tuy nhiên, các vấn đề nội bộ chưa được giải quyết khiến Chính phủ Israel vẫn rất cương quyết thực hiện đến cùng mục tiêu chiến tranh.
Israel chuyển từ thế bị động đáp trả sang thế chủ động tấn công nhằm gia tăng áp lực quân sự, tạo thế răn đe tại tất cả các mặt trận nêu trên. Tại chiến trường Gaza, quân đội Israel mở các chiến dịch tấn công quy mô lớn ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam, khiến Hamas thiệt hại nặng nề nhưng cũng làm cho tình hình nhân đạo xấu đi nghiêm trọng. Kể từ khi xảy ra chiến tranh đã có gần 45.000 người thiệt mạng và 105.000 người bị thương tại dải đất này. Hamas chuyển sang chiến thuật đánh du kích, tận dụng môi trường chiến tranh đô thị và chiến tranh nhân dân, khiến cho đến nay Israel vẫn chưa đạt được 2 mục tiêu cơ bản đặt ra ban đầu tiêu diệt Hamas và giải cứu các con tin. Thay vì vài tháng như dự đoán ban đầu, cuộc chiến chưa rõ thời gian kết thúc sau khi các nỗ lực đàm phán ngừng bắn do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian đều thất bại.
Trong cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah, hình thái tấn công trả đũa qua lại một cách kiềm chế đã bị phá vỡ. Lãnh đạo tối cao và hàng loạt chỉ huy của Hezbollah bị ám sát. Đặc biệt, tháng 10/2024, Israel bắt đầu chiến dịch đưa quân đổ bộ vào miền Nam Liban, chính thức mở màn cho một cuộc chiến tranh toàn diện có quy mô và độ tàn khốc vượt qua cuộc chiến tranh 2006. Tính đến nay đã có gần 3.800 người thiệt mạng tại Liban và hơn 100 người thiệt mạng tại Israel. Theo Liên hợp quốc, cuộc xung đột còn khiến hơn 1 triệu người dân Liban, chiếm gần 20% dân số, phải rời bỏ nhà cửa. Còn với Israel, gần 70.000 người dân phải di tản khỏi các khu vực biên giới phía Bắc đã trở thành một gánh nặng về kinh tế và chính trị trong suốt năm qua.
Đặc biệt, hai quốc gia kình địch trong khu vực là Israel và Iran đã phá bỏ khuôn khổ đối đầu không công khai, mà giới quan sát lâu nay vẫn gọi là “cuộc chiến trong bóng tối”. Lần đầu tiên Israel nhận đã tấn công trực tiếp vào các cơ sở quân sự bên trong lãnh thổ của Iran. Ở chiều ngược lại, Tehran cũng lần đầu tiên trực tiếp phóng hàng trăm tên lửa hạng nặng nhằm vào Israel, mà không thông qua các lực lượng khác. Cuộc xung đột ở Trung Đông đã chuyển từ Israel và các phong trào vũ trang phi nhà nước, Hamas và Hezbollah, sang đối đầu giữa quân đội chính quy của hai quốc gia. Việc cả hai phá bỏ ước lệ bằng các đòn “ăn miếng trả miếng” không hồi kết khiến tình hình an ninh khu vực trở nên nhạy cảm, dễ “bắt lửa” hơn bao giờ hết.
Những ngày cuối năm, giao tranh ở Syria đã bùng phát trở lại sau thời gian dài tạm lắng. Lực lượng đối lập lợi dụng tình hình biến động trong khu vực đã tiến hành cuộc tấn công táo bạo tại các địa phương miền Bắc và giành quyền kiểm soát Aleppo - thủ phủ kinh tế của Syria, sau đó tiến vào thủ đô Damascus. Với việc Tổng thống Bashar al-Assad rời khỏi đất nước và lực lượng đối lập tuyên bố giành quyền kiểm soát, giới quan sát lo ngại chiến trường Syria có nguy cơ trở thành một điểm nóng mới lôi kéo các quốc gia đối thủ trong và ngoài khu vực tham gia.
Tuy nhiên, bức tranh xung đột Trung Đông năm 2024 không hẳn chỉ có gam màu tối. Với những nỗ lực của Mỹ và Pháp, thỏa thuận đình chiến giữa Israel và Liban vừa được công bố đã tạm thời chấm dứt cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ, đồng thời mang lại hy vọng một thỏa thuận tương tự sẽ đạt được ở Dải Gaza. Trả lời phỏng vấn của TTXVN tại Trung Đông, Giáo sư Eyal Zisser, Phó hiệu trưởng Đại học Tel Aviv, chuyên gia về Trung Đông, nhận định mặc dù vẫn còn một vài vi phạm nhỏ, nhưng lệnh ngừng bắn tại Liban sẽ được duy trì. Giáo sư Eyal Zisser bày tỏ hy vọng trước thời điểm ông Donald Trump nhậm chức ở Nhà Trắng, các bên sẽ nỗ lực để thiết lập được một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Giáo sư nhấn mạnh: "Tôi không chắc điều này có xảy ra hay không, nhưng hiện Hamas đang đơn độc, Hezbollah đã chấp nhận ngừng bắn. Vì vậy sẽ có cơ hội tốt để các bên đạt được sự hiểu biết. Đang có các cuộc tiếp xúc giữa Israel và Ai Cập, giữa Ai Cập và Hamas. Tất nhiên vẫn còn phải chờ đợi xem, nhưng tình hình hiện nay đang thiên về lạc quan”.
Sự mệt mỏi đối với cuộc chiến kéo dài buộc cả Israel và phong trào Hezbollah phải ngồi vào bàn đàm phán. Hy vọng rằng cơ chế giám sát quốc tế do Mỹ đứng đầu sẽ kiểm soát được những gì diễn ra trên thực địa, ngăn chặn các bên liên quan phá vỡ lệnh ngừng bắn. Bên cạnh đó, cả Iran và Israel vẫn thể hiện mong muốn kiềm chế, khoanh vùng các cuộc tấn công để tránh xảy ra kịch bản xấu nhất mà thế giới đang lo ngại. Một cuộc đối đầu toàn diện giữa hai cường quốc quân sự này sẽ kéo các đối thủ khác trong và ngoài khu vực vào một cuộc chiến nhấn chìm Trung Đông trong biển lửa chiến tranh. Ngoài ra, kết quả bầu cử Mỹ cũng mang lại hy vọng Tổng thống đắc cử Trump sẽ tích cực nối lại tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab/Hồi giáo, đặc biệt là với Saudi Arabia, một di sản mà ông thực hiện dang dở trong nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong nhiệm kỳ trước, Tổng thống Trump cũng chính là người đã có những bước đi đơn phương ủng hộ Israel, như công nhận Jerusalem là thủ đô, công nhận chủ quyền đối với Cao nguyên Golan. Làn sóng bất mãn âm ỉ trong lòng người Palestine nói riêng và người Hồi giáo nói chung đã châm mồi cho đám cháy xung đột tại Dải Gaza và Liban. Bước sang năm 2025, cuộc chiến tại Gaza có thể sẽ được chấm dứt, nhưng nếu không theo cách đảm bảo quyền lợi công bằng cho cả Israel và người Palestine, bao gồm giải pháp “hai nhà nước”, thì không có gì đảm bảo nền hòa bình sẽ được duy trì lâu dài. Đó là chưa kể tình hình bất ổn tại Syria có thể dẫn tới những cuộc khủng hoảng mới.