Trong tất cả các đợt thiên tai, dịch bệnh, người dân nghèo luôn là đối tượng bị tổn thương và ảnh hưởng nhiều nhất. Ở Mexico, 52,4 triệu người dân sống trong tình trạng nghèo đói (chiếm gần 42% tổng dân số), trong đó, 15% thuộc diện nghèo cùng cực.
Chính phủ Mexico một mặt đang nỗ lực dập dịch, nhưng mặt khác đang tìm cách giảm thiểu thiệt hại kinh tế do lo ngại tác động mạnh tới người nghèo. Đó là lý do tại sao trong Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa qua, Tổng thống Mexico Lopez Obrador kêu gọi các nước không đóng cửa biên giới và tránh áp thuế thương mại đơn phương, và Mexico hiện là một trong số ít nước trên thế giới vẫn mở cửa biên giới.
Tình hình dịch bệnh đang tác động mạnh tới kinh tế Mexico. Kinh tế đình trệ, các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế như Moody's, Fitch Ratings và S&P Global Ratings đều đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với Mexico. Hãng Fitch Ratings nhận định cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ dẫn đến suy thoái nghiêm trọng ở Mexico năm nay, với dự báo tăng trưởng âm 7%.
Tổng thống Lopez Obrador cho biết sẽ cấp 1 triệu gói tín dụng siêu nhỏ, mỗi gói trị giá 25.000 peso (khoảng 1.300 USD), cho các doanh nghiệp không sa thải và vẫn trả lương đủ cho công nhân, và ưu tiên chính của chính phủ là giúp đỡ người nghèo.
Không chỉ trong thời điểm dịch hiện nay, ngay từ khi lên nắm quyền vào tháng 12/2018, Tổng thống Lopez Obrador đã triển khai các chương trình ưu tiên về phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội hướng đến người nghèo. Chính phủ Mexico đã và đang triển khai các chương trình trợ cấp người nghèo và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên ở mọi cấp. Hằng tháng, mỗi hộ gia đình nghèo được nhận trợ cấp 2.500 peso (khoảng 130 USD) và ngay cả các thanh thiếu niên “lêu lổng”, thất nghiệp cũng được cấp một số tiền như trên.
Tổng thống Lopez Obrador cho rằng đây là cách để giúp các gia đình nghèo, các thanh thiếu niên không bị lôi kéo, sa ngã hay rơi vào tay các băng nhóm tội phạm có tổ chức đang hoành hành tại Mexico.
Nhà lãnh đạo Mexico Lopez Obrador là một chính trị gia theo đường lối dân túy, và trong một đất nước với người nghèo chiếm tỉ lệ cao, thì đây chính là thành phần mà ông cần giành được sự ủng hộ. Tuy nhiên, chương trình này cũng vấp phải sự chỉ trích của các đảng phái đối lập ở Mexico, cho rằng chính phủ cho người nghèo “con cá” chứ không phải “chiếc cần câu”. Mặt khác, một bộ phận những người được trợ giúp nảy sinh tâm lý “ỷ lại”, chỉ trông chờ vào chính phủ. Đó là lý do trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các cuộc biểu tình của tầng lớp dân nghèo vẫn đang diễn ra với yêu cầu chính phủ cần phải trợ giúp nhiều hơn nữa.
Trong khi đó, tình trạng bạo lực và tội phạm tăng cao chưa thể kiểm soát tại Mexico cũng tạo thêm áp lực, làm phức tạp hơn công tác phòng chống dịch ở nước này. Mexico vốn được coi như “trạm trung chuyển ma túy” từ Nam Mỹ, qua Trung Mỹ, đến Mỹ và là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nạn buôn bán ma túy. Trong giai đoạn 2006-2019, những vụ bạo lực liên quan tới các băng nhóm tội phạm ma túy tại quốc gia này đã cướp đi sinh mạng của trên 270.000 người. Hàng trăm thị trưởng của nhiều thành phố thuộc nhiều bang của Mexico đã bị sát hại. Tình hình bạo lực tại Mexico vẫn tiếp tục gia tăng khi ghi nhận 34.608 vụ giết người trong năm ngoái - mức cao nhất kể từ năm 1997, tức là trung bình mỗi ngày có tới 95 vụ giết người.
Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội đã được áp đặt tại Mexico từ giữa tháng 3 để phòng dịch COVID-19, nhưng các vụ bạo lực không hề giảm sút. Thậm chí, Mexico vừa ghi nhận “ngày đẫm máu nhất trong năm 2020”, với tổng cộng 105 vụ giết người xảy ra ngày 19/4 vừa qua. Hồi đầu tháng, nước này cũng ghi nhận 104 người bị sát hại trong ngày 4/4. Bên cạnh đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh và chính phủ chưa thể trợ giúp đầy đủ cho mọi người nghèo, hàng loạt các băng nhóm tội phạm ma túy đang dùng tiền và hàng hóa để tìm cách lôi kéo, dụ dỗ người dân.
Một thách thức khác của Chính phủ Mexico trong cuộc chiến chống COVID-19 là thái độ của người dân. Theo thăm dò dư luận, phần lớn người dân Mexico, mặc dù hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh, vẫn thờ ơ và không áp dụng các biện pháp phòng chống như cơ quan y tế khuyến cáo. Những quận giàu có của thủ đô Mexico City - nơi tầng lớp trung lưu chiếm đại đa số - gần như trống vắng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và đình chỉ các hoạt động không thiết yếu trong khu vực công và tư nhân, bắt đầu từ ngày 30/3 vừa qua, nhưng tại các khu dân nghèo thì cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, người dân vẫn tụ tập và các khu chợ dân sinh vẫn kín người.
Bất chấp số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mexico tính đến ngày 22/4 đã vượt quá 9.500 người với 857 ca tử vong, một bộ phận người dân Mexico vẫn xếp dịch bệnh COVID-19 xuống hàng thứ yếu so với việc đảm bảo cuộc sống mưu sinh cho gia đình.
Những thách thức như vậy khiến cuộc chiến chống COVID-19 ở Mexico thực sự cam go, trong bối cảnh mạng lưới y tế nước này đang thiếu gần 7.000 bác sỹ và trên 23.000 y tá để đối phó với virus SARS-CoV-2. Có thể nói rằng, chừng nào kinh tế chưa hồi phục tăng trưởng, tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng xã hội vẫn ở mức cao và tội phạm tiếp tục “lộng hành” thì Mexico sẽ luôn gặp khó trước bất kỳ thảm họa thiên nhiên hay dịch bệnh nào xảy ra trong tương lai, chứ không chỉ riêng đại dịch COVID-19 hiện nay.