Theo kênh Fox News, biến thể Omicron xuất hiện ở Botswana và Nam Phi đang khiến nhiều nước lại áp đặt đợt hạn chế nhập cảnh mới khi vừa mới bắt đầu nới lỏng chưa được bao lâu.
Rủi ro mà Omicron gây ra hiện vẫn chưa rõ, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi nó là biến thể đáng quan ngại. Các chính phủ cũng không chờ giới khoa học tìm hiểu kỹ hơn về Omicron và đã nhanh chóng áp đặt hạn chế chuyến bay, nhập cảnh từ một số nước châu Phi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi phản đối mạnh mẽ lệnh cấm nhập cảnh với người tới từ các quốc gia có ca mắc Omciron.
Nhận xét về động thái trên, một số người cho rằng nó có thể giúp các nước có thêm thời gian áp đặt các biện pháp y tế mới để đề phòng. Một số người lại cho rằng hạn chế nhập cảnh không có mấy tác dụng trong ngăn chặn virus lây lan và có thể tạo cảm giác an toàn sai lầm.
Ông Mark Woolhouse, Giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, nhận định: “Cấm nhập cảnh có thể trì hoãn nhưng không thể ngăn chặn một biến thể có khả năng lây lan cao”.
Tiến sĩ Amesh Adalja, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins, cũng có nhận định tương tự. Ông cho rằng áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cảnh khiến các chính trị gia “có vẻ như đang làm điều gì đó” nhưng lại không có hợp lý khi các nước giờ đã có vaccine và xét nghiệm nhanh để phát hiện biến thể.
Trong khi đó, Anders Tegnell, chuyên gia dịch tễ hàng đầu tại Thụy Điển, nói rằng cấm nhập cảnh sẽ không có hiệu quả lớn, trừ với các nước có chuyến bay thẳng tới vùng đang có biến thể Omicron. Ông nói: “Cơ bản là không thể theo dõi mọi luồng giao thông đi lại”.
Về phần mình, ông Jeffrey Barrett tại Viện Wellcome Sanger, cho rằng phát hiện sớm biến thể mới có thể giúp các biện pháp hiện nay có tác động lớn hơn thời điểm biến thể Delta mới xuất hiện. Ông nói: “Quá trình giám sát ở Nam Phi và các nước gần đó tốt đến mức họ đã tìm thấy biến thể mới này, hiểu nó là vấn đề và nhanh chóng thông báo với thế giới. Biến thể mới có thể đang ở thời kỳ dầu, nên vẫn có thời gian để hành động”. Dù vậy, ông Barrett nói cấm nhập cảnh nghiêm ngặt sẽ phản tác dụng và không nên trừng phạt Nam Phi bằng biện pháp cấm nhập cảnh vì họ đã cảnh báo thế giới về biến thể mới.
Các chuyên gia khác thì cho rằng quyết định hạn chế nhập cảnh hiện nay đều mang tính chính trị, không có tính khoa học vì chưa có bằng chứng chắc chắn về mức độ lây lan của Omicron.
Trước đó, WHO cũng cho rằng các nước quá vội vàng khi hạn chế nhập cảnh với một số nước ở châu Phi để ngăn chặn biến thể “siêu đột biến” Omicron. Theo đài RT, phát ngôn viên WHO Christian Lindmeier nói thêm rằng tổ chức này khuyến nghị các nước thực thi đánh giá nguy cơ dựa trên cách tiếp cận khoa học khi áp hạn chế đi lại.
Tuyên bố trên được đưa ra khi các nước ở nhiều châu lục như Anh, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Mỹ, Israel… hạn chế nhập cảnh với người đến và đi từ Nam Phi và các nước láng giềng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi tạm ngừng đi lại bằng đường hàng không giữa Liên minh châu Âu và các nước có ca mắc biến thể Omicron trong lúc đánh giá nguy cơ.
Với 32 đột biến ở protein gai, biến thể Omicron được Nam Phi thông báo ngày 25/11, cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tăng mạnh. Ngoài Nam Phi, biến thể được đánh giá là tiến hóa nhất từ trước tới nay cũng có mặt ở Botswana (4 ca) và Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc (1 ca).