Quyết định của Phó Thủ tướng Matteo Salvini và Lega rút lại sự ủng hộ và đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Giuseppe Conte đã phá vỡ liên minh mong manh với M5S. “Đất nước hình chiếc ủng” tiếp tục vướng vào vòng xoáy khủng hoảng và bất ổn chính trị mới, mà các cuộc tham vấn thành lập chính phủ mới bắt đầu từ ngày 21/8 chưa rõ sẽ dẫn tới đâu.
“Cái kết” của liên minh Lega và M5S trên thực tế đã được báo trước ngay từ khi cuộc bầu cử hồi tháng 3 năm ngoái dẫn tới một “quốc hội treo” ở Italy. Việc ông Giuseppe Conte nhậm chức Thủ tướng Italy 3 tháng sau cũng được coi là một lựa chọn tình thế, kết quả của những cuộc mặc cả căng thẳng để chấm dứt bế tắc hậu bầu cử trong bối cảnh Tổng thống Sergio Mattarella đã phải vài lần chỉ định ứng cử viên đứng ra thành lập chính phủ mới. Dù là hai lực lượng chính trị chiếm đa số ghế trong quốc hội, song hai đảng này chỉ giành được thế đa số cực kỳ mong manh, và quan trọng hơn, Lega và M5S lại là những đối thủ chính trị với các ưu tiên rất khác nhau. “Cái bắt tay” của Lega và M5S, hai đảng chỉ có một điểm chung là mang quan điểm chống châu Âu và phản đối đồng euro, đã tạo ra thế cân bằng chính trị bấp bênh, một nền chính trị không bền vững, báo trước sự chia rẽ và xung đột trong tương lai gần.
Kể từ khi thành lập tháng 6/2018 đến nay, chính phủ trung lập về mặt chính trị của Italy luôn tồn tại những mâu thuẫn trong hoạch định đường lối chính sách, bất đồng trong cải cách chính sách thuế, luật an ninh, hiến pháp, cùng chính sách quản lý nhập cư gây tranh cãi. Bên cạnh đó, kết quả các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ Lega lên đến 39%, trong khi M5S đã giảm một nửa so với năm 2018 và chỉ đạt 15%. Lega cũng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu tháng 5 vừa qua, đạt 24% số phiếu ủng hộ, còn M5S chỉ được 15%, thấp hơn số phiếu hơn 23% cho đảng Dân chủ (PD). Kết quả bầu cử châu Âu cũng phản ánh bất đồng sâu sắc của liên minh cầm quyền về ứng cử viên Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (Ua-du-la Phon đe Lây-en), khi Lega phản đối cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức trở thành người đứng đầu cơ quan hành pháp quyền lực nhất châu Âu thì M5S ủng hộ.
Những kết quả trên có thể tác động mạnh tới quyết định được coi là “sai lầm chính trị” ngày 8/8 của lãnh đạo Lega Matteo Salvini khi tuyên bố những rạn nứt trong liên minh cầm quyền hiện nay giữa hai đảng là không thể hàn gắn và kêu gọi tổ chức bầu cử trước thời hạn. Khủng hoảng liên minh cầm quyền tiếp tục đẩy lên cao trào sau cuộc bỏ phiếu mâu thuẫn tại quốc hội về dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc (Tav) nối thành phố Turin của Italy và thành phố Lyon của Pháp.
Việc Thủ tướng Conte đệ đơn từ chức chỉ là “giọt nước cuối cùng làm tràn ly”, khiến chính phủ liên minh cầm quyền Italy chính thức sụp đổ. Ông Giuseppe Conte đã cáo buộc Phó Thủ tướng Salvini là “chủ nghĩa cơ hội chính trị” vì đã lợi dụng sự ủng hộ của chính phủ để thâu tóm quyền lực. Thêm một chính phủ “đoản mệnh”, và Italy chưa thể thoát khỏi bất ổn chính trị.
Một cuộc khủng hoảng chính phủ vào thời điểm này ngay lập tức tác động tới tình hình kinh tế vừa có dấu hiệu phục hồi “khiêm tốn” của Italy. Nền kinh tế lớn thứ ba trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), được dự báo thoát khỏi tình trạng “suy thoái kỹ thuật” trong năm 2019, song khá mong manh. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây cho rằng sau khi phục hồi "khiêm tốn", nền kinh tế Italy đang suy yếu. Với tỷ lệ nợ công hiện ở mức cao kỷ lục khoảng 2.386 tỷ euro, tương đương 134% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), vượt mức trần 60% GDP theo quy định của EU, Italy hiện là "con nợ" lớn thứ hai trong Eurozone và bị xem là mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của Eurozone.
Tình trạng chính phủ tê liệt lần này xảy ra vào thời điểm được coi là “sai lầm nhất” đối với nền kinh tế Italy. Giới phân tích, dưới bất kỳ sắc thái chính trị nào, đều nhìn nhận cuộc khủng hoảng hiện nay tại “đất nước hình chiếc ủng” là mối hiểm họa cho “lục địa già”, nối tiếp hệ lụy từ việc Anh rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu, đồng thời cũng tổn hại tới nền kinh tế thế giới. Tạp chí Forbes của Mỹ coi đây là: “Một mối đe dọa mang tính hệ thống mới” với nền kinh tế quốc tế. Trong khi đó, hãng truyền thông Đức Deutsche Welle còn đưa ra những nhận định khắc nghiệt khi xác định cuộc khủng hoảng chính phủ Italy là “cơn ác mộng của châu Âu”, đặc biệt vấn đề nợ công của Rome và hệ lụy của khối nợ công khổng lồ tới các quốc gia thành viên.
Gánh nặng giờ đặt cả lên vai Tổng thống Sergio Mattarella, người sẽ phải dùng “liều thuốc mạnh mẽ” trước mỗi cuộc khủng hoảng chính phủ. Trong hai ngày 21 và 22/8, Tổng thống Mattarella sẽ tham vấn từng đảng trong quốc hội Italy để đánh giá việc có thể thành lập liên minh mới hay không.
Trong trường hợp các cuộc tham vấn không đạt kết quả: không thể thiết lập một chính phủ liên minh, một chính phủ với đa số, bầu cử trước thời hạn sẽ được tiến hành. Tuy nhiên, một cuộc bầu cử trước thời hạn vào thời điểm mà dự đoán số phiếu ủng hộ Lega lên đến 39% sẽ không phải lựa chọn mà các chính đảng mong muốn. Đặc biệt, với M5S, cho đến nay vẫn được coi là đảng quyền lực nhất trong quốc hội, một cuộc bầu cử được tiến hành ngay thời điểm này sẽ là thất bại.
Giới chuyên gia rằng ít nhất 3 kịch bản có thể xảy ra. Đó là chính phủ "đỏ - vàng" - tức liên minh gồm M5S (vàng) và đảng PD (đỏ). Mặc dù cả hai bên luôn loại trừ việc trở thành đối tác liên minh, song bối cảnh giờ đã hoàn toàn thay đổi. Cựu Thủ tướng Italy Matteo Renzi thuộc đảng PD khẳng định một liên minh giữa M5S và PD sẽ khiến Lega của ông Salvini trở thành phe đối lập, có thể đảo ngược một số chính sách gây tranh cãi và đó là cách duy nhất để ngăn chặn thảm họa ngân sách và khuynh hướng cực đoan. Ứng cử viên thủ tướng khi đó có thể là ông Giuseppe Conte hoặc ông Roberto Fico thuộc M5S, Chủ tịch Hạ viện hiện nay.
Khả năng thứ hai là chính phủ liên minh “Ursula”, được đặt theo tên của người được bầu làm Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen. Liên minh này do cựu Thủ tướng Romano Prodi lãnh đạo, bao gồm đảng PD trung tả, đảng Tiến lên Italy (Forza Italia) và M5S, các lực lượng chính ủng hộ bà Ursula von der Leyen là Chủ tịch EC. Trước đó, ông Romano Prodi từng cảnh báo: “Không được chia rẽ trong đảng PD” và khẳng định “Thỏa thuận gần như đã được thống nhất, cần tham vấn”.
Cuối cùng là một chính phủ kỹ trị để Italy có thể giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, như kế hoạch kinh tế và tài chính trước ngày 27/9, trình dự thảo ngân sách 2020 cho EU trước 15/10 (có thể yêu cầu trì hoãn), trình quốc hội dự thảo luật ngân sách vào ngày 20/10 và phải được quốc hội thông qua ngày 31/12…, trước khi tiến hành cuộc bầu cử trước thời hạn vào đầu năm 2020. Với kịch bản này, ứng cử viên thủ tướng có thể là ông Giuseppe Conte, cựu công tố viên và đứng đầu cơ quan chống tham nhũng Raffaele Cantone hoặc cựu Thủ tướng Enrico Letta.
Liên minh cầm quyền vừa sụp đổ là chính phủ thứ 62 của Italy trong 70 năm qua, điều đó có lẽ phần nào nói lên tính chất khốc liệt và hỗn loạn của nền chính trị “đất nước hình chiếc ủng”. Chính trường Italy đang trở nên ngày một chao đảo, chia rẽ, phân rã, cản trở mọi nỗ lực cải cách kinh tế và xã hội vốn rất cần thiết để đem lại sự ổn định cho đất nước vùng Địa Trung Hải này.