Các thách thức của đảng Dân chủ trong bầu cử Mỹ

Sau đại hội mang tính “thảm họa” của đảng Cộng hòa ở Cleveland vào tuần trước, Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ khai mạc ở Philadelphia hôm 25/7 với nhiều cơ hội và thách thức lớn.

Toàn cảnh lễ khai mạc Đại hội đảng Dân chủ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ tham dự với sự hăng hái, nhưng cũng đi kèm sự dè dặt. Không giống như dàn diễn giả của Đại hội đảng Cộng hòa, được “lấp đầy” bởi người nhà ông Donald Trump trong khi rất ít những người có tiếng nói trong đảng chủ trì buổi lễ, Đại hội đảng Dân chủ có "dàn" diễn giả hạng A, gồm Tổng thống Barack Obama, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, ông Bernie Sanders và cựu Tổng thống Bill Clinton.

Các diễn giả này sẽ vẽ ra một bức tranh lớn đa màu sắc về nước Mỹ và tương lai thay vì những gì u tối và nguy hiểm được khắc họa bởi đảng Cộng hòa. Tại Philadelphia sẽ xuất hiện ít lời lẽ gay gắt hơn, bởi đảng Dân chủ đã xem màn kịch thất bại ở Cleveland và cố gắng để không lặp lại nó. Tuy nhiên, mọi con đường không trải hoa hồng cho đảng Dân chủ.

Người nhận được đề cử tổng thống của đảng, bà Hillary Clinton, hiện có một hình ảnh méo mó- một phần do đảng Cộng hòa cố tình tìm cách bóp méo và một phần do kết quả các sự lựa chọn tồi của riêng bà. 2/3 số cử tri đăng ký không tin rằng bà là người trung thực và đáng tin cậy.

Số người cho rằng bà Clinton là người trung thực thậm chí còn ít hơn ông Trump, dù khoảng cách không quá lớn. Cả hai đều có nhiều chỉ số tiêu cực đến không ngờ.

Đầu tháng 7/2016, tờ "New York Times" đưa tin: “Trong một diễn biến chưa từng thấy trong bất kỳ cuộc tranh cử tổng thống thời hiện đại nào, hơn một nửa các cử tri có quan điểm tiêu cực về hai ứng cử viên tổng thống và đa số cho rằng không một ứng cử viên nào là người trung thực và đáng tin cậy. Chỉ một nửa cử tri nói rằng bà Clinton sẵn sàng cho chức tổng thống, trong khi có tới 2/3 cho rằng ông Trump chưa sẵn sàng cho vị trí đó- bao gồm 4 trong số 10 nghị sĩ Cộng hòa”.

Ông Trump là một ứng cử viên “kinh khủng”, một người không nên thử vận may trong cuộc đua này, nhưng ông đã làm vậy. Mặc dù bà Clinton vẫn là người được trông chờ sẽ giành chiến thắng trong tháng 11 tới, nhưng cuộc đua đang tới rất gần khiến mọi người không thể ngồi yên. Hiện vẫn có nhiều con đường dẫn tới thành công cho ông Trump, dù có thể sẽ rất chông gai.

Nhiều người cảm thấy họ đang ở vị trí tồi tệ nhất: Họ phải lựa chọn giữa một ứng cử viên Cộng hòa mà họ sợ hãi và ghê tởm, bên cạnh một ứng cử viên Dân chủ mà họ cảm thấy hoài nghi và không hứng thú. Tuần trước, bà Clinton có cơ hội lay chuyển cuộc đua với sự lựa chọn “phó tướng”, nhưng thay vào đó bà lại lựa chọn con đường an toàn hơn với việc công bố ông Tim Kaine, một nghị sĩ Dân chủ có chủ trương ôn hòa, là ứng viên phó tổng thống.

Ông Kaine có nhiều đức tính tốt - ông là người đáng tin cậy và hòa nhã, một người có quan điểm tự do tới từ bang trọng yếu Virginia - nhưng ông không phải là sự lựa chọn chạm tới làn sóng chủ nghĩa dân túy tiến bộ trong đảng hoặc đáp ứng sự đa dạng cấu thành đảng. Ông Kaine giúp củng cố thông điệp “từ từ bình tĩnh” của bà Clinton, nhưng đó là một thông điệp hợp lý, cần thiết và hoàn toàn tránh được sự bàn tán.

Ông Trump đang tiến hành chiến dịch dựa trên việc reo rắc sợ hãi, tiến hành thay đổi và giành chiến thắng, tất cả các ý tưởng gay gắt và thậm chí có sức quyến rũ, dù các đề xuất của ông khá hẹp hòi, phi thực tế hoặc rỗng tuếch. Thông điệp “từ từ” của bà Clinton không có hiệu quả kêu gọi xúc cảm giống như vậy.


Đảng Dân chủ cũng phải xử lý vấn đề được nêu trở lại liên quan đến tiến trình bầu cử sơ bộ và bộ máy tổ chức của đảng đã thiên vị bà Clinton và đối xử không công bằng với ông Sanders.

Điều này đã được khơi dậy tuần trước khi trang mạng WikiLeaks công bố gần 20.000 thư điện tử nội bộ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) mà trong đó, một số quan chức đã bày tỏ sự ác cảm và hoàn toàn phản đối ông Sanders cũng như việc đề cử ông. Sự cấu kết này có thể hủy hoại lòng tin chính trị, củng cố lòng tin của nhiều người rằng hệ thống bầu cử này đã bị gian lận ngay từ đầu.

Ngày 24/7, hãng tin CNN đưa tin rằng ngay sau vụ bê bối, Chủ tịch DNC, bà Debbie Wasserman Schultz, đã đồng ý từ chức. Các thông tin rò rỉ này càng hủy hoại hơn nữa lòng tin vốn đã tổn hại của các cử tri đối với tiến trình đề cử của đảng Dân chủ.

Tháng 3/2016, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết: “42% cử tri đảng Cộng hòa có quan điểm tích cực về quy trình bỏ phiếu sơ bộ, so với 30% cử tri đảng Dân chủ. Tỷ lệ cử tri Dân chủ bày tỏ quan điểm tích cực về cuộc bỏ phiếu sơ bộ đã giảm 22%, từ mức 52% của tháng 2/2008. Quan điểm của các cử tri Cộng hòa hầu như không khác biệt so với năm 2000 hay năm 2008”.

TTK
Ông Obama ngụ ý Nga chọc phá Đảng Dân chủ
Ông Obama ngụ ý Nga chọc phá Đảng Dân chủ

Nga có thể đứng đằng sau vụ rò rỉ các thư điện tử (email) của Uỷ ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) khiến nội bộ đảng này lục đục trong những ngày gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN