'Bước nhảy lượng tử' trong tham vọng khí hậu

“Tôi rất vui mừng nếu một số nước trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đến dự hội nghị và tuyên bố ‘bước nhảy lượng tử’ trong những nỗ lực giảm khí thải”.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đây là phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đưa ra trước thềm Hội nghị tham vọng khí hậu 2023 được tổ chức trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng LHQ. Khái niệm “bước nhảy lượng tử”- chỉ sự thay đổi đột ngột và nhanh chóng, không qua trung gian - phần nào thể hiện mong muốn của LHQ về những thay đổi cấp thiết mà mỗi quốc gia cần thực hiện trong lộ trình triển khai Hiệp định về biến đổi khí hậu Paris 2015 vốn đang bị đánh giá là chậm hơn rất nhiều so với yêu cầu.

Hội nghị tham vọng khí hậu được LHQ tổ chức trong bối cảnh ngày càng nhiều tín hiệu cho thấy 2023 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử. Đây cũng là năm kỷ lục về số thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại hàng tỷ USD, trong đó có 8 trận lũ lụt nghiêm trọng. Dù chính phủ các nước đã đưa ra những cam kết giảm phát thải, loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch nhưng trên thực tế, khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn tăng, các công ty dầu mỏ và khí đốt vẫn sinh lời tốt, tốc độ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo còn quá chậm. Quỹ Tổn thất và Thiệt hại nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước dễ bị tác động nhất và đã chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu vẫn chưa đi vào hoạt động. Nhóm các nước giàu vẫn chưa thực hiện đầy đủ cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho các khoản tài chính khí hậu hỗ trợ các nước đang phát triển từ năm 2020.

Vì vậy, ông Guterres kỳ vọng hội nghị lần này giúp đảo ngược “những bước trượt dài” trong việc thực hiện các mục tiêu khí hậu và khuyến khích các chính phủ thực hiện những biện pháp mới, nghiêm túc trong giảm phát thải và chuyển đổi sang năng lượng xanh. Bên cạnh đó, LHQ mong muốn các nước giàu tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển vốn phải đương đầu với vô vàn khó khăn trong thiết kế và triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy năng lượng sạch và thích ứng với những điều kiện thời tiết cực đoan, nước biển dâng do Trái Đất nóng lên. Theo ông Selwin Hart, cố vấn đặc biệt về khí hậu của Tổng thư ký Guterres, trong bối cảnh gia tăng tâm lý hoài nghi về khả năng thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu, LHQ thực sự mong muốn hội nghị khí hậu này truyền cảm hứng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo hơn 30 nước được mời phát biểu tại hội nghị, theo tiêu chí mà ông Guterres đã nêu rằng chỉ có những chính phủ và doanh nghiệp mang đến những bản kế hoạch ý nghĩa mới được tham dự hội nghị năm 2023, để không có “những người thất hứa, những nhân vật‘tẩy xanh’, những trường hợp đổ lỗi và những bản kế hoạch cũ được bọc lại”. Chuyên gia Catherine Abreu, giám đốc tổ chức Destination Zero, đánh giá việc LHQ không mời đại diện một số nước lớn phát biểu tham luận cho thấy những nước không hiện thực hóa cam kết đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đưa ra trong các hội nghị trước sẽ phải nhường chỗ cho những nước khác có cơ hội lên tiếng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đại diện cho Việt Nam đã đưa ra những đề xuất bám sát tinh thần “bước nhảy lượng tử” nhà lãnh đạo LHQ đề cập. Theo đó, Thủ tướng đề xuất xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, phát thải ròng bằng “0”; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau; kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, quản lý xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh…

Hội nghị lần này cũng là một trong những sự kiện cấp cao cuối cùng về khí hậu của năm 2023, diễn ra chỉ 10 tuần trước Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Cố vấn Hart gọi đây là “thời khắc chính trị quan trọng” trước thềm COP28 với nỗ lực tìm ra “những người đi trước, đón đầu” hành động trong số các chính phủ và doanh nghiệp. 

Tổng thư ký Guterres tin rằng tương lai thế giới là tốt đẹp hay u ám tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo. Bức tranh chống biến đổi khí hậu chung dù còn tồn tại điểm tối nhưng vẫn có những điểm sáng. Brazil đã nâng mục tiêu giảm khí thải, cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 50-53% khí thải so với mức độ năm 2005. Thái Lan đã thành lập một bộ riêng chuyên về biến đổi khí hậu và nâng mục tiêu cắt giảm khí thải từ 20% lên 40% so với mức dự báo phát thải thông thường vào năm 2030. Việt Nam là một trong 30 nước nộp bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), là một trong 3 quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và đang cùng các đối tác quốc tế xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực để công bố tại COP28 với mong muốn đưa mô hình quan hệ đối tác này trở thành hình mẫu, góp phần thúc đẩy xu hướng chuyển đổi năng lượng công bằng trên toàn cầu. 

Như lời Tổng thư ký LHQ, "sức nóng khủng khiếp" và "các đám cháy lịch sử" của năm 2023 tiếp tục là điềm báo của một "kỷ nguyên nung nóng toàn cầu" với những hậu quả to lớn. Cộng đồng quốc tế cần những hành động khẩn trương, quyết liệt, mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa, những “bước nhảy lượng tử” thực sự trong tham vọng khí hậu để tránh thảm họa trong dài hạn.

Lê Ánh (TTXVN)
IMF, WB cam kết hợp tác chặt chẽ hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu
IMF, WB cam kết hợp tác chặt chẽ hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu

Theo hãng tin AFP, ngày 7/9, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố hai định chế tài chính này sẽ hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết “mối đe dọa hiện hữu” do biến đổi khí hậu gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN