Đó là nhận định của Tiến sĩ Majid Rafizadeh, nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Iran, từng tốt nghiệp Đại học Harvard, với mạng tin tức Arab (arabnews.com) ngày 3/9.
Theo Tiến sĩ Rafizadeh, khi nói đến hệ thống lương thục, điều quan trọng cần chỉ ra là mối quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất lương thực và biến đổi khí hậu. Quá trình sản xuất lương thực toàn cầu tạo ra hơn 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Nhưng tại sao chỉ riêng quá trình sản xuất lương thực có thể tạo ra hơn 1/3 lượng khí thải nhà kính do con người gây ra? Điều này phần lớn liên quan đến quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, phân phối, tiêu thụ và thậm chí thải bỏ.
Các quy trình sản xuất lương thực, bao gồm cả việc sử dụng phân bón, là nguyên nhân hàng đầu gây ra “lượng khí thải tổng thể từ hệ thống sản xuất lương thực, hay 39% tổng lượng khí thải, trong khi khí methane từ chăn nuôi và trồng trọt chiếm 35% lượng khí thải nhà kính từ sản xuất lương thực.
Theo Liên hợp quốc, ở các nước công nghiệp phát triển, khí thải từ khí nhà kính Flo hóa (một nhóm các hóa chất góp phần gây ra biến đổi khí hậu và hiện tượng ấm lên toàn cầu nếu được thải vào khí quyển), được sử dụng khi làm lạnh, đã có tác động lớn đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Đây là lý do tại sao chúng ta nên chú ý đến các yếu tố liên quan đang làm trầm trọng thêm vấn đề này. Đầu tiên là lãng phí thực phẩm. Gần một phần ba tổng số thực phẩm toàn cầu bị lãng phí mỗi năm. Lượng thực phẩm lãng phí này có thể nuôi sống gần một nửa dân số thế giới.
Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là ba quốc gia có lượng rác thải thực phẩm cao nhất, với tổng lượng rác thải thực phẩm lần lượt vượt quá 91, 68 và 19 triệu tấn. Có báo cáo cho rằng nếu số lượng chất thải thực phẩm này là của một quốc gia thì đây sẽ là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới về lượng phát thải khí nhà kính.
Các vấn đề khác góp phần gây ra biến đổi khí hậu trong hệ thống sản xuất lương thực bao gồm các kỹ thuật không bền vững và kém hiệu quả được sử dụng trong trồng trọt và công nghiệp nông nghiệp. Khi dân số thế giới tăng lên, sản xuất thực phẩm ngày càng trở thành một ngành kinh doanh có lợi nhuận cao hơn. Kết quả là, một số tập đoàn đã tập trung vào việc sản xuất nhiều thực phẩm hơn với chi phí thấp hơn, mặc dù điều đó có thể có tác động gây tổn hại lâu dài đến đất nông nghiệp, động vật, đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cuối cùng là khí hậu.
Mặt khác, do hệ thống sản xuất lương thực góp phần gây ra biến đổi khí hậu, nên khí hậu thay đổi nhanh chóng và hiện tượng nóng lên toàn cầu lại có tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp, gây nhiều hạn hán hơn và khiến việc sản xuất trở nên khó khăn hơn. Kết quả là, thế giới hiện đang ngày càng phải đối mặt với tình trạng căng thẳng hoặc khan hiếm nước, với nhu cầu thường xuyên cao hơn nguồn cung ở một số khu vực.
Khi một ngành hoặc lĩnh vực nào đó trong xã hội bị tác động tiêu cực bởi biến đổi khí hậu thì cũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, vì các lĩnh vực khác nhau có mối liên hệ và gắn bó với nhau. Ví dụ, hạn hán kéo dài ở một số vùng có tác động tiêu cực đến sản xuất lương thực và vấn đề cung cấp nước, sau đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Điều này có thể sẽ gây thêm áp lực và căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Nhưng biến đổi khí hậu không chỉ liên quan đến việc hạn hán kéo dài hơn - nó còn gây ra lũ lụt thường xuyên và thảm khốc hơn, vì nhiệt độ không khí ấm hơn dẫn đến tan băng nhiều hơn và mực nước biển dâng cao. Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn gây hại cho vật nuôi, gây ra nhiều vụ cháy rừng hơn, giảm đa dạng sinh học, tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng, bão và lốc xoáy, đồng thời làm tăng xói mòn đất.
Do đó, đến một lúc nào đó, chúng ta cần phải hành động và ngăn chặn hoặc hạn chế cuộc khủng hoảng do con người gây ra này cũng như các quá trình tự hủy hoại vì thiệt hại có thể trở nên không thể khắc phục được.
Về lâu dài, khi tình trạng khan hiếm nước và thiếu tài nguyên nông nghiệp tiếp tục gia tăng đến mức tài nguyên nước ngọt cạn kiệt ở một số quốc gia, điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và ổn định chính trị. Điều đáng báo động là vào năm 2016, Liên hợp quốc ước tính rằng một nửa dân số thế giới có thể sống ở những khu vực khan hiếm nước vào năm 2025.
Tóm lại, Tiến sĩ Rafizadeh kết luận có mối quan hệ trực tiếp giữa biến đổi khí hậu với tình trạng mất an ninh lương thực và nước ngày càng gia tăng trên thế giới. Cuộc khủng hoảng do con người gây ra này có thể được giải quyết nếu chúng ta theo đuổi và thực hiện các chính sách xanh hơn nhằm giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu; áp dụng các kỹ thuật hiệu quả và bền vững hơn trong sản xuất và phân phối thực phẩm; giảm thiểu hoặc loại bỏ chất thải thực phẩm.