Sau thời gian nghiên cứu về vấn đề bạo lực giới, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo của Phụ nữ tại Đại học Aden, bà Huda Ali Alawi khẳng định chiến tranh đã phủ bóng đen lên cuộc sống của phụ nữ Yemen cả về chất lượng cuộc sống lẫn giáo dục, với số trường hợp tảo hôn tăng mạnh. Rất nhiều bé gái đã phải bỏ học giữa chừng do đời sống khó khăn và gia đình sơ tán. Nhiều gia đình đã mất đi thu nhập, do đó việc học của con gái họ không còn là ưu tiên hàng đầu.
Nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng gia tăng bạo lực liên quan đến giới tính kể từ xung đột nổ ra. Tuy nhiên, do định kiến xã hội nặng nề, các nạn nhân đều cho rằng im lặng là lựa chọn tốt nhất. Đây cũng là rào cản ngăn phụ nữ và trẻ em gái tìm kiếm sự giúp đỡ. Bà Alawi nhận định Yemen đang bị thụt lùi trong mọi mặt, đặc biệt là việc trao quyền cho phụ nữ.
Theo bà Alawi, vấn đề chính nằm ở các cơ quan chính trị, xã hội tôn giáo của Yemen, trong bối cảnh lực lượng nổi dậy chiếm phần lớn miền Bắc và chính phủ kiểm soát phần còn lại của đất nước. Tình trạng chia rẽ này khiến không bên nào ủng hộ hay khuyến khích hỗ trợ các chương trình trao quyền cho phụ nữ. Thậm chí còn có nhiều lời đe dọa công khai hoặc gián tiếp nhằm vào những người tìm cách dẫn dắt các phong trào cải thiện đời sống của phụ nữ nước này. Các nhà hoạt động nữ quyền thường phải đơn độc hoạt động trong nỗ lực tìm cách thu hẹp tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội.
Bà Alawi tin rằng việc trao quyền và giáo dục phụ nữ phải là ưu tiên hàng đầu. Bà cho biết phụ nữ từng xuất hiện trên chính trường và hoạt động rất tích cực tại Yemen, song sau khi hai miền Nam-Bắc của nước này được thống nhất vào năm 1990, sự tham gia của phụ nữ vào đời sống cộng đồng chỉ còn mang tính biểu tượng. Khi nội chiến leo thang vào năm 2015, phụ nữ đã thực sự vắng mặt trong mọi vấn đề lớn của đất nước. Theo bà Alawi, tương lai của phụ nữ hiện phụ thuộc vào các nhà cầm quyền, song hệ thống chính trị tại quốc gia này lại chưa theo kịp xu hướng của thời đại.
Xung đột tại Yemen bắt đầu nổ ra năm 2014, khi lực lượng Houthi chiếm giữ thủ đô Sanaa và phần lớn khu vực miền Bắc Yemen, buộc chính phủ được quốc tế công nhận của nước này phải rút về thành phố Aden ở miền Nam. Năm 2015, liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp quân sự vào Yemen nhằm khôi phục quyền lực của Chính phủ Yemen. Hàng triệu người đã phải sơ tán do xung đột. Liên hợp quốc coi đây là một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới.