Một vụ việc căng thẳng trên biển đang đe dọa kích hoạt trở lại cuộc chiến âm ỉ 4 năm qua giữa Nga và Ukraine. Hôm 20/11, lực lượng biên phòng Nga đã bắt giữ các tàu đánh cá Ukraine hoạt động ở Biển Azov, một vùng biển quan trọng chiến lược, phía bắc giáp Ukraine, phía tây giáp bán đảo Crimea và phía đông - nam giáp Nga. Sự việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Putin chỉ trích Kiev vì đã bắt giữ tàu chở hàng Nga cũng trên biển Azov trong một vụ việc mà ông mô tả là “hoàn toàn trái pháp luật”.
Mới đây nhất, ngày 25/11 Nga đã bắt giữ ba tàu Hải quân Ukraine trên là Berdiansk, Nikopol và Yany Kapu cùng toàn bộ thủy thủ đoàn. Moskva tuyên bố các tàu nước này đã buộc phải nổ súng để ngăn tàu Hải quân Ukraine xâm phạm lãnh hải Nga trái phép trên Biển Đen. Ba thủy thủ Ukraine bị thương song được Nga cung cấp hỗ trợ y tế.
Video tàu chiến Nga đuổi tàu Ukraine vi phạm lãnh hải (Nguồn RT):
Phản ứng trước vụ việc căng thẳng trên, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố ông sẽ đề xuất tình trạng thiết quân luật. Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine (NSDC) cũng bày tỏ sự ủng hộ tuyên bố thiết quân luật trong 60 ngày. Đề xuất này sẽ được đưa ra trước Quốc hội Ukraine để thông qua. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định không có kế hoạch thực hiện bất kỳ chiến dịch tấn công nào một khi áp đặt thiết quân luật. Ông Poroshenko cho biết thêm cũng đã thông báo vụ việc với NATO và Liên minh châu Âu (EU), kêu gọi có các nỗ lực chung trước động thái của Nga.
Trước đó, căng thẳng quanh eo biển Kerche đã được Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Pavlo Klimkin đề cập bên lề một Hội nghị an ninh quốc tế vừa diễn ra tại Kiev. “Đó là âm mưu cố tình làm tăng quyền kiểm soát, nhằm sáp nhập cả biển Azov”, ông Klimkin cáo buộc. Vị quan chức Ukraine cũng cho rằng, chiến dịch của Nga ở biển Azov là nhằm hăm dọa Ukraine và gây đình trệ các hoạt động kinh tế của nước này.
Năm ngoái, Nga đã hai lần đóng cửa tuyến đường hàng hải then chốt vào biển Azov qua eo biển Kerch., trong khi các tàu chiến Nga phong tỏa bên ngoài các cảng Berdyansk và Mariupol của Ukraine. Công ty phân tích tình báo tư nhân Stratfor ước tính thiệt hại kinh tế với Ukraine lên tới 40 triệu USD mỗi năm do những hạn chế của Nga ở biển Azov.
Năm 2016, Kiev đã nộp đơn khiếu nại lên Tòa án quốc tế ở La Haye cho rằng hành động của Nga vi phạm Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển. Tuy nhiên việc xử lý đơn khiếu nại này hiện vẫn đang tiếp diễn.
Vùng biển chiến lược
Biển Azov có tầm quan trọng chiến lược với nền kinh tế Ukraine, thậm chí còn đóng vai trò quan trọng hơn kể từ khi Kiev mất Crimea bởi 80% xuất khẩu hàng hóa của Ukraine hiện đi qua vùng biển này.
Sau khi Moskva sáp nhập Crimea, các cảng Berdyansk và Mariupol của Ukraine vẫn tiếp nhận một số lượng hàng hóa trước đây đổ tới các cảng của Ukraine trên bán đảo Crimea. Tuy nhiên, sau khi cây cầu mới của Nga bắc qua Eo biển Kerch, con đường duy nhất nối giữa biển Azov và biển Đen, thì lượng tàu hàng cập cảng Ukraine giảm hẳn. Lượng hàng hóa vào Mariupol giảm 27%, từ trên 8.9 triệu tấn vào năm 2015 còn 6,5 triệu tấn vào 2017; vào Berdyansk giảm 47%, từ 4,5 triệu tấn năm 2015 còn 2,4 triệu tấn vào 2017. Trước xung đột Đông Ukraine, lượng hàng hóa chỉ riêng đi qua Mariupol đã lên tới 15 triệu tấn chỉ trong năm 2013.
Về mặt kỹ thuật, cả Ukraine và Nga đều được tự do sử dụng biển Azov theo thỏa thuận năm 2003, nhưng Moskva đã buộc các tàu Ukraine phải tuân thủ sự quản lý của nước này khi di chuyển qua eo biển Kerch kể từ khi bắt đầu thi công cầu Kerch vào tháng 4/2015. Một đạo luật ban hành vào tháng 7/2017 cho phép Nga có quyền khước từ tiếp cận biển Azov đối với bất cứ tàu thuyền nào, ngoại trừ tàu chiến Nga, trong một khung thời gian nhất định. Dựa trên đạo luật này, năm 2017, Nga đã “đóng cửa” biển Azov hai lần, từ 27-29/8 và 11-13/10.
Quân sự hóa biển Azov
Trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine chuyển dịch từ đất liền ra biển, cả hai bên đều tuyên bố sẵn sàng quân sự hóa biển Azov.
Hôm 16/9, chính phủ Ukraine thông báo kế hoạch thiết lập một căn cứ hải quân bên biển Azov vào cuối năm nay. Tuyên bố này được đưa ra vài tháng sau khi Moskva khánh thành cây cầu vượt biển nối liền Crimea và lục địa Nga. Cây cầu bắc qua eo biển Kerch, cửa ngõ duy nhất vào biển Azov, sẽ cho quyền lực Nga hạn chế hoạt động của các tàu thuyền Ukraine qua lại.
Ukraine thông báo sẽ điều thêm tàu, pháo và lính thủy đánh bộ tới vùng biển chiến lược này, đồng thời tăng cường bộ binh ở các khu vực gần biển trong kế hoạch xây dựng những cấu trúc quân sự thường trực và triển khai các lực lượng tên lửa, pháo binh, không quân tới khu vực “nhằm đảm bảo phòng vệ bờ biển”.
Về phần mình, theo mạng tin tình báo Stratfor, Nga được cho là đã tái triển khai ít nhất 10 tàu chiến và 40 tàu tuần tiễu từ biển Caspian sang biển Azov trong những tháng gần đây. Lực lượng Hải quân Nga trong khu vực cũng mạnh hơn nhiều so với Ukraine. Hải quân Ukraine sở hữu 66 đơn vị hải quân chiến đấu và hậu cần cùng khoảng 11.000 quân. Trong khi đó, chỉ riêng Hạm đội Biển Đen của Nga, đóng tổng hành dinh ở Sevastopol (Crimea) đã sở hữu trên 2.800 tàu và 25.000 quân.
Vai trò của Mỹ
Hiện chưa rõ Mỹ có sẵn sàng ủng hộ Ukraine trong căng thẳng với Nga trên biển hay không. Trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Klimkin và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước, hai bên đã “lên án hành động gây hấn của Nga chống lại hoạt động tàu thuyền quốc tế trên biển Đen, biển Azov và eo biển Kerch tới các cảng Ukraine” và nhất trí rằng “hoạt động gây hấn của Nga ở biển Azov đã đặt ra những mối đe dọa về môi trường, xã hội, kinh tế và an ninh mới với toàn bộ vùng biển Azov-biển Đen”.
Sau cuộc họp ngày 20/11 của Hội đồng châu Âu, bà Federica Mogherini - Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh EU cũng cho biết, "các ngoại trưởng bày tỏ quan ngại về tình hình ở biển Azov và đã thảo luận một số giải pháp mục tiêu".
Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 21/11 phát biểu với phóng viên rằng: "Điều hoàn toàn rõ ràng là hoạt động kiểm tra các tàu tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận giữa Moskva và Kiev", vốn đặt ra quy chế về biển Azov với tư cách là vùng nước "nội thủy" của hai quốc gia. Ông còn mỉa mai các lãnh đạo EU rằng, "họ tốt nhất nên đọc thỏa thuận Nga-Ukraine năm 2003 trước khi đưa bất cứ phát ngôn nào". Ông so sánh hai vụ việc: "Không nghe thấy bất cứ quan ngại nào của Brussels hay tuyên bố cáo buộc nào khi Ukraine bắt giữ trái phép các tàu cá của chúng tôi chỉ vì họ đi vào các cảng ở Crimea. Điều đó cho thấy sự thiếu tôn trọng mọi luật pháp quốc tế".
Trong khi đó, Mỹ đã tiếp tục các lệnh trừng phạt chống Nga cũng như cung cấp vũ khí sát thương và các chương trình huấn luyện cho lực lượng Ukraine nhằm trả đũa Moskva sáp nhập Crimea và ủng hộ phe đối lập ở đông Ukraine. Tuy nhiên việc Washington có sẵn sàng theo đuổi một cuộc chiến với Nga xung quanh một không gian hậu Xô viết hay không thì vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.