Ứng cử viên Tổng thống Argentina Daniel Scioli (phải) phát biểu tại thủ đô Buenos Aires ngày 25/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, ông Scioli - người được Tổng thống sắp mãn nhiệm Cristina Fernandez và liên minh cầm quyền Mặt trận vì Thắng lợi (FpV) ủng hộ hết mình - luôn dẫn trước đối thủ Macri với khoảng cách gần 10% điểm và đạt 40% phiếu bầu. Các cử tri ủng hộ ông Scioli ai ai cũng mong đợi một chiến thắng vang dội cho ông này ngay từ vòng một. Giới phân tích cũng nhận định khả năng điều này sẽ xảy ra.
Theo Luật Bầu cử Argentina, ứng cử viên nào có được 45% phiếu ủng hộ sẽ giành chiến thắng, hoặc người có số phiếu cao nhất giành được 40% phiếu và nhiều hơn ứng cử viên về sau 10% cũng sẽ đắc cử. Nếu không ai đạt được một trong hai điều kiện trên thì hai người nhiều phiếu nhất sẽ phải tham gia cuộc bỏ phiếu vòng hai.
Nhưng những gì đã diễn ra ngày 25/10 vừa qua đã làm cho ông Scioli, người mặc dù đã về nhất với tỷ lệ ủng hộ 36,86%, vẫn cảm thấy vị đắng của sự thất bại trong cuộc giằng co quyết liệt từng lá phiếu giữa những cử tri ủng hộ một chính sách có sự “tiếp nối” của ông này với những cử tri ủng hộ chính sách với sự “thay đổi” triệt để của ông Macri, người giành được 34,33% phiếu bầu. Đây là một cú đấm knock out không chỉ với ông Scioli, mà còn đối với bà Cristina và FpV.
Và với kết quả này, ông Scioli và ông Macri- thuộc liêm minh Đề xuất Cộng hòa (PRO), sẽ cùng tiếp tục cuộc đấu vòng hai, được tổ chức vào ngày 22/11 tới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Argentina các ứng cử viên phải đi bỏ phiếu vòng hai. Điều này cho thấy sự chia rẽ mạnh mẽ trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở Argentina hiện nay, sau 12 năm cầm quyền của đương kim Tổng thống Cristina Fernandez và chồng bà là cố Tổng thống Nestor Kirchner.
Sẽ chẳng còn gì giống như trước sau ngày 25/10 vừa qua tại Argentina. Lúc này đây, vị chủ nhân tương lai của Nhà Hồng (Phủ Tổng thống) cho dù là người của liên minh cầm quyền hay của phe đối lập đi chăng nữa thì chắc chắn điều mà họ cần phải làm trong tương lai sẽ là một cuộc cải cách đáng kể trong các chính sách điều hành đất nước, điều mà nhiều cử tri đang đòi hỏi và đã được thể hiện thông qua lá phiếu của mình.
Những người ủng hộ ông Macri trong mơ cũng chẳng thể nghĩ họ sẽ giành được tỷ lệ sít sao như vậy trong cuộc rượt đuổi có một không hai đầy gay cấn này. Đại bản doanh của ông Macri gần như vỡ òa khi Cơ quan bầu cử quốc gia Argentina bắt đầu công bố kết quả sơ bộ chậm hơn 1 tiếng so với dự kiến. Trong khi đó tại đại bản doanh của ông Scioli, bầu không khí im lặng sững sờ bao trùm khi những người ủng hộ đang mong chờ một chiến thắng vang dội. Nước mắt và nụ cười đó là hai hình ảnh đối lập được tất cả các kênh truyền hình Argentina liên tục cập nhật trên màn hình vào đêm 25/10.
Ứng cử viên Tổng thống Argentina Mauricio Macri phát biểu tại Buenos Aires ngày 25/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cương lĩnh tranh cử của ông Macri và ông Scioli hoàn toàn đối lập. Phương châm của ông Macri, 56 tuổi, là "thay đổi". Ông tuyên bố sẽ mở ra một giai đoạn mới tại Argentina sau 12 năm cầm quyền của gia đình Tổng thống Kirchner. Ông Macri theo đuổi chính sách tự do mới, phản đối quốc hữu hóa, phá giá đồng tiền và không bảo hộ sản xuất trong nước. Trong khi đó, phương châm của ông Scioli, 58 tuổi, là "tiếp nối". Ông khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các chương trình an sinh xã hội của chính phủ hiện nay, đồng thời bày tỏ người nghèo, người lao động và tầng lớp trung lưu luôn là trọng tâm của các chính sách. Ông cũng chủ trương không tiến hành bất kỳ cuộc cải cách quy mô lớn nào.
Bối cảnh mới này cho thấy rõ ràng một điều chủ trương “tiếp nối” mô hình mà người dân Argentina vẫn gọi là “Chủ nghĩa Kirchner” (ám chỉ 12 năm cầm quyền của vợ chồng bà Cristina) giờ đây đang bị “chiếu tướng”. Ăn mừng cùng các cử tri ủng hộ mình sau chiến thắng, ông Macri tuyên bố “những gì xảy ra hôm nay sẽ thay đổi nền chính trị Argentina”.
Ngoài nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, cuộc bầu cử ngày 25/10 vừa qua tại Argentina thể hiện tính chất phức tạp của đấu đá đảng phái tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh và nằm trong nhóm các nước G20. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng khi hoàn cảnh thay đổi, đòi hỏi cần có một mô hình phát triển phù hợp dù là cánh tả hay cánh hữu. Trong suốt 2 tháng nước rút của chiến dịch vận động trước bầu cử, ông Macri đã từng bước thay đổi chiến thuật trong khẩu hiệu tranh cử, tiếp cận gần hơn về ngôn từ với cử tri theo hướng trung tả để dễ lấy lòng tầng lớp trung lưu nước này. Trong giai đoạn 2002-2013, 15 triệu người Argentina gia nhập tầng lớp trung lưu và 1 triệu người gia nhập tầng lớp thượng lưu.
Cánh tả cầm quyền Argentina suốt 12 năm qua đã thực hiện sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng của mình khi hoàn cảnh đặt ra. Trả lời phỏng vấn báo giới sau khi bỏ phiếu, bà Cristina khẳng định “Chúng tôi đã thực hiện cam kết trao cho người kế nhiệm một đất nước ổn định”. Quả đúng như vậy. Khi ông Kirchner nhậm chức Tổng thống tháng 5/2003, Argentina đang chìm trong khủng hoảng không có lối thoát sau khi tuyên bố vỡ nợ cuối năm 2001 với số tiền lên tới 100 tỷ USD. Nhưng sau 3 nhiệm kỳ cầm quyền của vợ chồng bà, Argentina là nước duy nhất trên thế giới giảm tỷ trọng nợ nước ngoài trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong giai đoạn 2007-2014. Hiện nợ của quốc gia Nam Mỹ này giảm xuống chỉ còn tương đương 9,7% GDP, bất chấp việc giới đầu cơ tài chính quốc tế luôn tìm cách phá hoại nền kinh tế đất nước. Lương tối thiểu của Argentina hiện ở mức gần 600 USD, tăng hơn 20 lần so với năm 2003 và cao nhất Mỹ Latinh.
Bên cạnh đó, khoảng 6 triệu người được hưởng trợ cấp hưu trí tối thiểu 400 USD, cũng là mức cao nhất tại khu vực này. Đầu tư cho giáo dục chiếm 6,3% ngân sách nhà nước, tỷ lệ cao ở Mỹ Latinh. Trong 10 năm gần đây, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm đáng kể nhờ Chính phủ gia tăng đầu tư cho ngành y tế. Tỷ lệ thất nghiệp tại Argentina hiện giảm xuống còn 6,9%, thấp hơn nhiều so với 17,3% trong năm 2003.
Trong giai đoạn 2002-2013, 12 triệu người Argentina thoát nghèo. Hiện Argentina là nước có tỷ người người nghèo thấp nhất Mỹ Latinh, chỉ ở mức 4,7% và cũng là nước duy nhất ở khu vực có tỷ lệ nhập cư cao hơn tỷ lệ xuất cư. Vị thế của Argentina trên trường quốc tế, đặc biệt là ở khu vực, đã được củng cố hơn bao giờ hết. Nhưng dường như những điều này vẫn là chưa đủ để đáp ứng đòi hỏi và kỳ vọng của hơn 40 triệu công dân ở quốc gia có diện tích rộng gấp 8 lần Việt Nam, với mức thu nhập bình quân đầu người gần 13.000 USD, đứng hàng thứ 60 thế giới.
Quá khó để có thể đoán được ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc đấu vào ngày 22/11 tới đây, nhưng có thể khẳng định rằng dù ông Scioli hay ông Macri trở thành vị chủ nhân của Nhà Hồng đi chăng nữa thì người đó cũng không thể theo đuổi hoàn toàn chính sách của chính phủ sắp mãn nhiệm.