Theo nhận định của Nathan Alan-Lee, nhà phân tích cao cấp tại London Politica về Ba Lan, Trung và Đông Âu, nghiên cứu Tiến sĩ tại Đại học College London (UCL) ở Anh, ngoại giao năng lượng của Mỹ không những có tiềm năng thúc đẩy thị trường năng lượng đa dạng mà còn phát triển năng lượng xanh và tái tạo, không chỉ ở Ba Lan mà còn ở Trung và Đông Âu nói chung.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 và việc châu Âu dần dần tách khỏi các nguồn cung cấp năng lượng của Nga, nhu cầu về cơ sở hạ tầng mới đã trở thành một thách thức quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng của EU.
Cuộc xung đột đã phơi bày sự phụ thuộc của châu Âu vào mạng lưới đường ống dẫn khí đốt tự nhiên rộng lớn từ Nga và nhấn mạnh khoản đầu tư đáng kể cần thiết để thay thế các dòng khí đốt của Moskva.
Trong bối cảnh đó, chính sách ngoại giao năng lượng của Washington được coi là một điểm nhấn quan trọng trong quá trình chuyển đổi của châu Âu, không chỉ với tư cách là nhà cung cấp khí tự nhiên lỏng (LNG) để bù đắp cho nguồn cung giảm từ Nga, mà còn là một đối tác trong việc phát triển các hành lang cơ sở hạ tầng mới để tiếp nhận và phân phối khí đốt sau khi nhập khẩu LNG.
Điều này chắc chắn đã xảy ra ở Trung và Đông Âu, một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gián đoạn của dòng khí đốt từ Nga.
Mỹ thắt chặt quan hệ
Trong bối cảnh đó, Ba Lan đã nổi lên như một đối tác chính cho hợp tác xuyên Đại Tây Dương và đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng, nhưng Mỹ cũng đang tận dụng tối đa cơ hội này để thắt chặt quan hệ và tăng cường sự hiện diện của mình.
Vào đầu tháng 6, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) đã cam kết lên tới 500 triệu USD (458 triệu euro) để “tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng lượng nhập khẩu LNG của Mỹ”. Bên nhận các khoản tiền này là PKN Orlen do nhà nước Ba Lan kiểm soát, một trong những công ty hóa dầu lớn nhất trong khu vực.
Việc mở rộng công suất nhập khẩu LNG của Ba Lan không chỉ bù đắp cho khí đốt của Nga mà còn cung cấp một giải pháp thay thế cho than, hiện vẫn chiếm khoảng 40% nguồn cung năng lượng của Ba Lan, vốn có xu hướng tăng trở lại kể từ năm 2022.
Thương vụ đầu tư mới này chỉ là bước gần đây nhất trong quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Mỹ và Ba Lan. Đầu tháng 1/2023, PKN Orlen và Công ty Cơ sở hạ tầng Sempra của Mỹ đã ký hợp đồng 20 năm để mua 1 triệu tấn LNG có nguồn gốc từ Mỹ hàng năm.
Cam kết gần đây của DFC về việc mở rộng năng lực nhập khẩu sẽ trực tiếp bổ sung cho khả năng của Ba Lan trong việc hợp tác với các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ.
"Cửa ngõ" cho ngoại giao năng lượng
Trong khu vực nói chung, Ba Lan đang nổi lên như một trung tâm năng lượng, có biên giới giáp với các quốc gia vùng Baltic ở phía Bắc, Ukraine ở phía Đông, Slovakia và CH Séc ở phía Nam.
Quốc gia này đã tự hào có cơ sở hạ tầng khí đốt phát triển tốt, với nhà ga LNG Biển Baltic ở Świnoujście, và việc hoàn thành đường ống Baltic được chờ đợi từ lâu nối Ba Lan với các mỏ khí đốt Biển Bắc của Na Uy.
Vị trí chiến lược của Ba Lan được tối đa hóa hơn nữa bởi các chương trình như Sáng kiến Ba Biển (hay 3SI). Sáng kiến này do Ba Lan khởi xướng vào năm 2015, bao gồm 12 quốc gia thành viên EU nằm giữa 3 vùng biển châu Âu: Baltic, Biển Đen và Adriatic.
Trong tương lai, quan hệ đối tác, đầu tư vào các sáng kiến và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ba Lan là phương tiện chính để đa dạng hóa và đảm bảo nguồn cung năng lượng của khu vực, cũng như phát triển các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sâu sắc hơn.
Một trong những mục tiêu chính của 3SI là phát triển kết nối cơ sở hạ tầng năng lượng giữa các nước thành viên trên trục Bắc - Nam, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các đường ống của Nga. Mỹ đã nổi lên như một bên ủng hộ chính cho sáng kiến này, cam kết gần đây nhất là vào tháng 9/2022 sẽ tài trợ tới 300 triệu USD (274 triệu euro).
Cam kết của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với an ninh năng lượng của khu vực có vẻ sẽ tiếp tục làm cơ sở cho việc phát triển các nguồn năng lượng xanh và tái tạo, đặc biệt là hiện nay khi châu Âu nhanh chóng rời xa nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Hiện tại, đầu tư của Mỹ vào LNG ở Ba Lan được coi là một phản ứng đối với cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng trước mắt do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra. Tuy nhiên, việc phát triển công suất LNG dường như là một giải pháp tạm thời và là một phương tiện để giảm thiểu việc quay trở lại sử dụng năng lượng từ than trong ngắn hạn. Về dài hạn, Mỹ đã cam kết lên tới 4 tỷ USD (3,6 tỷ euro) cho kế hoạch năng lượng hạt nhân của Ba Lan.
Tóm lại trong tương lai, việc tích hợp cơ sở hạ tầng năng lượng của khu vực có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp LNG cũng như quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo của khu vực.