Vai trò của Ba Lan bị giảm đi khi nước này không được tham dự trong một loạt các cuộc họp ngoại giao cấp cao diễn ra tỏng mùa hè vừa qua liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều đó thể hiện rằng cả Moskva, Berlin và Paris đã không xem trọng vai trò chính trị của Ba Lan trong các cuộc đàm phán. Lợi thế cho Ba Lan và NATO Mặc dù trọng tâm của việc phân tích là về những thách thức và các mối đe dọa mà Ba Lan phải đối mặt do những hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine, chúng ta cũng cần phải xem xét các khía cạnh tích cực. Thứ nhất, hiện nước này có thể dễ dàng đạt được sự đồng thuận chính trị và xã hội nội bộ xung quanh vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia. Diễn biến ở Ukaine cũng bổ sung thêm động lực để Ba Lan tiếp tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang và cải thiện bộ máy an ninh quốc gia.
Binh sĩ Ba Lan trong một cuộc tập trận với các lực lượng NATO. |
Thứ hai, cuộc khủng hoảng Ukraine phát triển đến một mức độ cho thấy rõ tình hình chính trị quốc tế. Các lãnh đạo ở Vacsava (Warsaw) bây giờ có thể có một cái nhìn sâu sắc và sự hiểu biết tốt hơn về việc các đối tác chính trị khác cư xử thế nào trong trường hợp xuất hiện một cuộc khủng hoảng liên quan đến Nga, điều chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho việc lập kế hoạch chiến lược của Ba Lan.
Thứ ba, cuộc khủng hoảng Ukraine đã gây ra những tổn thất nhất định về kinh tế và chính trị của Nga, điều này sẽ hạn chế Moskva trong việc theo đuổi một chiến dịch với quy mô lớn ít nhất là trong ngắn hạn. Thứ tư, mặc dù một số người lo ngại về sự gắn kết của NATO và khả năng phản ứng của liên minh này, tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã làm hồi sinh năng lực tư duy chiến lược của NATO và kết quả là sự ra đời của một số sáng kiến mới.
Những thách thức và lựa chọn khó khăn phía trước Những thách thức nêu trên đặt ra một số vấn đề cơ bản với Ba Lan. Thứ nhất là liên quan đến việc nước này sẽ phải đánh giá lại các chính sách đối ngoại đối với Nga. Việc bị mắc kẹt trong một cuộc đối đầu thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực với Moska tạo ra rất ít “khoảng trống” để Ba Lan “cơ động”, tạo ra những rào cản về chính sách đối ngoại và đặt ra một nguy cơ tự cô lập quốc tế. Phải thừa nhận rằng rất khó để hai bên có thể cải thiện quan hệ trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay, nhưng bất kỳ quyết định nào của Ba Lan về việc mở một mặt trận mới trong cuộc xung đột với Moskva nên dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng giữa được và mất.
Một câu hỏi khác đặt ra là liên quan đến mức độ can dự và các mục tiêu mà Ba Lan sẽ theo đuổi trong chính sách đối ngoại của mình với các nước láng giềng. Tình hình ở Ukraine có xu hướng ngày càng phức tạp hơn. Sự bất ổn và không thể dự báo trước tạo ra một khó khăn tự nhiên trong việc xây dựng một chính sách đối ngoại dài hạn, buộc Warsaw phải tìm ra cách tiếp cận thích ứng hơn. Cuộc xung đột Ukraine rõ ràng đã trở thành một vấn đề quốc tế và hạn chế bất kỳ sáng kiến chủ yếu đơn phương nào do Vacsava đề xuất. Điều này, ít nhất là thời điểm hiện nay, đã làm giảm tính hiệu quả trong chính sách đối ngoại của Ba Lan.
Khủng hoảng Ukraine đã tác động đến chính sách đối ngoại của Ba Lan. |
Cuối cùng, có một câu hỏi đặt ra về khả năng phòng thủ tập thể của NATO trong một cuộc khủng hoảng tiềm năng liên quan đến Ba Lan. Ngoài các vấn đề tổng quát hơn liên quan đến sự đồng thuận chính trị, các kế hoạch chiến lược thực tế và tính khả thi của các giải pháp hậu cần, có ít nhất hai khía cạnh khác cần phải xem xét, đặc biệt trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine. Đầu tiên là liên quan đến khả năng của NATO trong việc phản ứng với các mối đe dọa phi truyền thống trong các điều kiện thiếu minh bạch về chính trị, đặc biệt là những vấn đề như sử dụng các lực lượng ủy nhiệm, các tổ chức phi nhà nước và các hành động khiêu khích.
Tiếp theo là nghi vấn về việc liệu sự hỗ trợ của NATO sẽ tập trung vào việc chấm dứt chiến sự theo công ước của quốc tế với nguyên tắc công nhận vùng lãnh thổ và tài sản bị đối phương chiếm được vẫn thuộc về họ cho đến khi có một hiệp ước quy định khác đi, hay giữ nguyên hiện trạng như trước chiến tranh. Việc thiết lập các quy tắc rõ ràng, công bằng, toàn diện và thiết thực được cung cấp bởi NATO sẽ là nền tảng cơ bản để Vacsava định hình chiến lược quốc phòng riêng của mình.
Tóm lại, mặc dù có nhiều khía cạnh tiêu cực liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhưng tình hình vẫn chưa thực sự đặt ra một mối đe dọa hiện hữu với Ba Lan. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn ở Ukraine thực sự cho thấy một sự thay đổi địa chính trị lớn cả trên phạm vi toàn cầu và khu vực. Ba Lan không có lợi thế trong việc lựa chọn chính sách “chờ đợi và quan sát” như lịch sử nước này đã chứng minh. Vì vậy, một cuộc thảo luận tích cực và cởi mở về chính sách đối ngoại và chiến lược an ninh quốc gia cần phải được khuyến khích một cách liên tục.
Công Thuận (Theo N.E.E)