Giới chuyên gia kinh tế nhìn chung đều cho rằng kinh tế thế giới có khả năng chống đỡ tốt trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron gây ra, ngay cả khi diễn biến dịch bệnh mới nhất này "phủ bóng đen" lên triển vọng kinh tế, với yếu tố bất chắc và khó lường.
Nguyên nhân chủ yếu hậu thuẫn nhận định lạc quan trên đây chính là việc các nền kinh tế hiện đã có khả năng thích ứng tốt hơn trước các quy định hạn chế, giãn cách nhằm ngăn ngừa COVID-19, đi cùng đó là chương trình tiêm chủng vaccine đạt bước tiến lớn so với các chu kỳ lây nhiễm trước. Nhưng bất kỳ làn sóng COVID-19 nào cũng ít khó khả năng giúp giảm lạm phát.
Theo kết quả khảo sát ý kiến chuyên gia được Financial Times (FT) thực hiện và công bố ngày 29/9, đa phần giới phân tích đều đồng thuận về viễn cảnh thiếu chắc chắn liên quan đến khả năng kháng vaccine, lây nhiễm mạnh hơn mà Omicron có thể gây ra so với Delta. Nhưng rất ít người cho rằng cần điều cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế do sự xuất hiện của Omicron. Đối tượng được FT khảo sát chủ yếu là chuyên gia làm việc tại các ngân hàng đầu tư, tổ chức tư.
Theo Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý quỹ đầu tư UBS Global Wealth, ngành vận tải hàng không, du lịch có thể sẽ là đối tượng chịu tác động mạnh nhất. Nhưng đây cũng là ngành chiếm tỉ trọng nhỏ trong hoạt động kinh tế toàn cầu. Biến thể Omicron vì thế ít có khả năng tạo ra thay đổi lớn trong bức tranh kinh tế thế giới ở thời điểm hiện nay.
Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg nhận định cứ sau mỗi một làn sóng, mức độ tổn thất mà COVID-19 gây ra với kinh tế toàn cầu giảm dần. Như trường hợp điển hình tại châu Âu. Làn sóng thứ nhất làm triệt tiêu 15% hoạt động kinh tế tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong ở quý 2/2020. Nhưng ở làn sóng thứ hai, do có sự thích ứng tốt hơn, GDP của eurozone chỉ giảm 0,7% trong đầu năm 2021, dù sóng lây nhiễm lần này mạnh và khốc liệt hơn làn sóng thứ nhất.
Hơn thế, ngay cả khi Omicron chứng minh được khả năng kháng vaccine, quan điểm trung tâm vẫn sẽ là tiêm chủng giúp giảm thiểu tác động, thiệt hại kinh tế mà COVID-19 gây ra. Theo Daniele Antonucci, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Quintet Private, các nước phát triển giờ đây có thể dựa vào tỉ lệ tiêm chủng vaccine cao. Họ cũng chính là những quốc gia đã nâng cao được tiềm lực nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine, chứng minh được phương pháp quản lý, điều hành linh hoạt, thích ứng tốt hơn.
Đa phần giới chuyên gia kinh tế tin rằng bất kỳ xu hướng chậm lại nào của kinh tế thế giới cũng ít có khả năng tạo ra đà kiềm chế lạm phát vốn tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là với nhóm mặt hàng mà cung không đáp ứng được nhu cầu do những đứt gãy trong sản xuất, hậu cần và vận chuyển.
Còn quá sớm để đánh giá tác động của biến thể mới đối với hoạt động kinh tế. Sẽ cần phải có thời gian để các nhà khoa học làm rõ được những đặc điểm chính của Omicron, như khả năng lây nhiễm, mức độ kháng vaccine so với biến thể Delta. Trong bối cảnh thiếu chắc chắn như vậy, các nhà kinh tế của Goldman Sachs đưa ra 4 kịch bản về khả năng “làn sóng lây nhiễm Omicron”.
Nhẹ nhàng nhất là “cảnh báo giả”, theo hướng Omicron không lây nhiễm vượt trội so với Delta, hoặc lây nhiễm tăng nhưng không kéo theo tình trạng bệnh nặng tăng theo. Trong kịch bản bất lợi nhất, Goldman Sachs dự báo COVID-19 chỉ gây ra tác động nhỏ đối với kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Đó là khi Omicron lây nhiễm vượt trội so với Delta, buộc các nước phải áp quy định hạn chế. Tăng trưởng toàn cầu chậm lại tương đối trong quý 1 năm 2022, nhưng sẽ sớm vượt qua khó khăn khi vaccine mới được đưa ra thị trường.