Ảnh hưởng của cuộc cấm vận dầu mỏ đối với Iran

Sau Mỹ đến lượt Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm vận dầu mỏ của Iran. Ngày 23/1/2012, ngoại trưởng của 27 nước thành viên EU đã nhất trí cấm nhập khẩu, chuyên chở dầu cũng như các sản phẩm chế biến từ dầu của Iran, với mục đích buộc Iran ngừng chương trình hạt nhân.

Biện pháp trừng phạt của Brúcxen đối với Têhêran sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2012. Từ nay đến hết ngày 30/6/2012, các hợp đồng giữa EU với Iran vẫn được đảm bảo, song các nước thành viên EU không được ký thêm hợp đồng mua bán dầu với các tập đoàn Iran. Ngoài ra, Brúcxen còn quyết định phong tỏa tài khoản của Ngân hàng Trung ương Iran và tất cả các khoản ngân quỹ liên quan đến các vụ mua bán dầu.

Giới quan sát nhận định, Brúcxen quy định thời hạn từ nay đến ngày 1/7/2012 là để một số thành viên EU như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italia - vốn lệ thuộc nhiều vào dầu thô của Iran - có thời gian tìm các nguồn cung cấp thay thế. Giới quan sát cho rằng Brúcxen có khả năng nhanh chóng tìm được nguồn cung thay thế, đặc biệt là gia tăng nhập khẩu dầu thô từ Arập Xêút.

Theo chuyên gia về dầu khí của Pháp Francis Perrin, hiện điều hành tạp chí “Dầu khí Arập”, biện pháp trừng phạt của Brúcxen không làm dao động thị trường nội địa châu Âu. Ông nói: “Việc trừng phạt Iran không đáng quan ngại đối với châu Âu vì Arập Xêút đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng nâng cao mức sản xuất và xuất khẩu để lấp vào chỗ trống mà Iran để lại. Hiện tại, Riát mỗi ngày dư ra 2,5 triệu thùng dầu. Đương nhiên, Arập Xêút sẽ không sử dụng toàn bộ khối lượng dư đó để bù vào chỗ trống khi dầu Iran bị cấm vận, nhưng điều đó có nghĩa là nếu cần, Arập Xêút có thể cung cấp thêm cho các nước trong EU. Nếu dầu lửa của Iran bị cấm vận toàn bộ, trong ngắn hạn, một số nước lệ thuộc nhiều nhất vào dầu Iran như Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha sẽ gặp trở ngại và phải tìm các nguồn cung thay thế. Nhưng về lâu dài, đây không còn là trở ngại lớn. Trong khi đó, chính Iran lại bị mất đi một nguồn ngoại tệ quan trọng và coi như Têhêran đã tự 'trói tay' mình”.

Trong khi đó, đại diện của Iran trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ tuyên bố Iran sẽ không khoan nhượng “với các quốc gia trong vùng Vịnh Persic có ý đồ tiếp tay cho các nước thù địch”. Trên thực tế, EU không phải là nguồn tiêu thụ lớn nhất của Iran. Theo thống kê mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, 27 nước thành viên EU tiêu thụ chưa tới 1/4 lượng dầu Iran bán ra thị trường quốc tế. Đối với Iran, khách hàng quan trọng nhất chính là châu Á: Trung Quốc mua của Iran 550.000 thùng dầu/ngày, tương đương 22% lượng dầu xuất khẩu của Iran. Nhật Bản mua của Iran 327.000 thùng dầu/ngày, tương đương 13% lượng dầu xuất khẩu của Iran. Còn dầu của Iran bảo đảm tới 9% tiêu thụ dầu nội địa của Ấn Độ.

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là ngoài các hậu quả về chính trị, quyết định cấm vận của EU sẽ tác động ra sao đến nền kinh tế của Iran? Theo quan điểm của Giáo sư Mohammad-Reza Djalili chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Geneve, trước mắt người dân Iran đang phải hứng chịu những hậu quả đầu tiên về kinh tế. Ông nói: “Dầu mỏ là nguồn cung cấp ngoại tệ chính cho Iran, bảo đảm 80% thu nhập cho quốc gia này. Việc không xuất khẩu được dầu mỏ sang một số thị trường đã khiến đồng tiền của Iran sụt giá gần 30% chỉ trong vài tuần”.

Cuộc “đọ sức” giữa Iran với các siêu cường phương Tây diễn ra trong bối cảnh Iran đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Theo quan điểm của nhà xã hội học, Giáo sư Azadeh Kian - hiện giảng dạy tại trường Đại học Pari 7 - những khó khăn kinh tế đang làm lung lay thế và lực của các nhân vật bảo thủ ở thượng tầng cơ quan quyền lực Iran. Ông nói: “Nền kinh tế của Iran chưa bao giờ tồi tệ như hiện nay. Thất nghiệp và lạm phát tăng cao, đồng tiền bị mất giá. Quyết định của EU tuần qua và của Mỹ trước đó đã khiến cho guồng máy lãnh đạo ở Têhêran bị rạn nứt. Ngày càng có nhiều tiếng nói đòi Iran xem xét lại chính sách hạt nhân. Các biện pháp trừng phạt Iran được áp dụng từ năm 2006 đang gây khó khăn cho quốc gia này về phương diện kinh tế, nhất là tài chính... Nói cách khác, EU trừng phạt Iran vào thời điểm nội bộ guồng máy lãnh đạo Têhêran đang lục đục và đó là một sự rạn nứt ngay trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo thuộc cánh bảo thủ Iran. Do vậy, tôi cho rằng chính sách trừng phạt của cộng đồng quốc tế đang gây tác động về phương diện chính trị đối với Iran. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ khiến Têhêran phải từ bỏ chương trình hạt nhân”.

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN