Ấn Độ có lựa chọn nào trong căng thẳng biên giới với Trung Quốc

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều công khai phản đối leo thang căng thẳng xung đột biên giới. Phía Ấn Độ thông báo có 20 binh sĩ thiệt mạng trong cuộc đụng độ ở biên giới ngày 15/6. Vậy Ấn Độ có những lựa chọn nào cho mối quan hệ song phương ở thời điểm này?

Chú thích ảnh
Đoàn xe quân đội Ấn Độ trên đường hướng tới biên giới với Trung Quốc. Ảnh: AFP

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc xung đột ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong. Đây là những thương vong đầu tiên được ghi nhận trong 53 năm qua sau đối đầu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ. Phía Trung Quốc chưa công bố thương vong với lực lượng quân đội nước này.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết khi thi thể của các binh sĩ Ấn Độ được đưa trở về quê nhà, truyền thông địa phương đăng tải hình ảnh thân nhân của họ đau đớn trong khi biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra ở nhiều thành phố.

Quan chức quân đội cấp cao của cả hai quốc gia đã tổ chức đàm phán trong ngày 18/6 để giảm căng thẳng. Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava ngày 18/6 cho biết các quan chức Ấn Độ và Trung Quốc liên tục giữ liên lạc và trao đổi với nhau.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nêu rõ Ấn Độ muốn hòa bình. Nhưng trong khi New Delhi chưa có động thái nào đáp trả Bắc Kinh thì gần đây, một doanh nghiệp quốc doanh về đường sắt của nước này có tên DFCCIL đã quyết định chấm dứt hợp đồng trị giá 62 triệu USD với một công ty Trung Quốc với lý do “công việc tiến triển chậm”.

Trong 6 năm qua, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới 18 lần, trong đó có 2 hội nghị song phương tại Vũ Hán năm 2018 và tại Chennai năm 2019. Qua đó, các nhà ngoại giao Ấn Độ thường bám sát phương pháp tăng cường mối quan hệ và không để những vấn đề như biên giới chiếm trọng tâm.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ảnh: AP

Giáo sư Harsh Pant tại Đại học Kings London đánh giá: “Toàn bộ chính sách Trung Quốc của Ấn Độ dựa trên nhận định rằng chúng ta có thể duy trì cam kết rộng hơn và để vấn đề biên giới sang bên lề. Nhưng sự kiện gần đây đã thay đổi điều này. Bạn không thể có một mối quan hệ bình thường với Trung Quốc nếu biên giới đang sôi sục”.

Nhà phân tích Madhav Das Nalapat tại Đại học Manipal (Ấn Độ) đánh giá: “Ấn Độ từng khẳng định vấn đề biên giới sẽ không phủ bóng lên mối quan hệ với Trung Quốc ở những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi. Bài phát biểu của Thủ tướng Modi cho thấy thương mại giữa hai bên sẽ không còn như thường lệ”.

Giáo sư Harsh Pant trong khi đó dự đoán rằng sẽ có thay đổi trong chính sách đối ngoại Ấn Độ và trật tự thế giới. Theo ông Pant, điều này có thể bao gồm việc Trung Quốc sẽ phải trả giá về kinh tế.

Giáo sư Pant cho rằng Ấn Độ cũng cân nhắc về vị trí địa chính trị của nước này. Trong thời điểm Mỹ-Trung Quốc tăng căng thẳng, Washington đã cho thấy ý định xây dựng một liên minh mới thời kỳ “hậu COVID-19” bằng việc mở rộng thành viên nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) qua kết nạp thêm Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc và Australia. Điều này được cho nhằm mục đích đối đầu với Trung Quốc.

Sự việc tại biên giới có khả năng sẽ thúc đẩy Ấn Độ tham gia sâu hơn vào những nỗ lực này. Bên cạnh đó, căng thẳng cũng khuyến khích Ấn Độ góp mặt trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu để kiềm chế các động thái quân sự trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tướng về hưu của Ấn Độ Vinod Bhatia nêu ý kiến: “Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không thể chịu đựng được chiến tranh và diễn biến hiện này khó leo thang thành chiến tranh. Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét đồng thời cập nhật lại tất cả các thỏa thuận và giao thức về quản lý biên giới giữa hai quốc gia”.

“Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) sẽ biến động trong những tháng và năm tới trừ khi chúng ta tìm được một giải pháp dài hạn. Trung Quốc có thể ngày càng khiêu khích còn Ấn Độ lại tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và tuần tra nhiều hơn. Điều này sẽ trở thành bình thường mới. Nếu không có giải pháp dài hạn, tình hình sẽ không bớt căng thẳng và đối đầu”, ông Vinod Bhatia bổ sung.

Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km. Cả hai bên đều cáo buộc nhau từng xâm phạm lãnh thổ.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc tái bùng phát ở Ấn Độ
Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc tái bùng phát ở Ấn Độ

Một bộ trưởng liên bang Ấn Độ đã kêu gọi các nhà hàng không bán đồ ăn Trung Quốc. Đây là ví dụ điển hình trong phong trào tẩy chay đồ Trung Quốc mỗi khi biên giới hai nước leo thang căng thẳng sau các vụ đụng độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN