Ba năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nền kinh tế thế giới lại đứng trước nguy cơ suy thoái lần nữa. Theo tờ The Guardian (Người Bảo vệ) của Anh ngày 12/10, lần này phương Tây không thể trông chờ vào các nền kinh tế mới nổi. Để thoát hiểm, họ cần từ bỏ tư duy kinh tế đã có từ thế kỷ 18.
Trong số các nền kinh tế lớn, Anh tỏ ra yếu nhất với 3 quý liền GDP không tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa phải quyết định tiến hành một đợt nới lỏng tiền tệ nữa. Với việc phải quyết định sớm hơn và quy mô nới lỏng tiền tệ lớn hơn dự kiến, BoE đã ngầm thừa nhận họ tuyệt vọng đến nhường nào.
Quan trọng hơn, nó cho thấy trong tay BoE thực sự không còn “vũ khí” khác. Nguyên nhân chủ yếu là chính phủ Anh đã lãng phí hầu hết “các cơ hội”. Cam kết siết chặt chính sách tài chính và từ chối tăng thuế đánh vào giới tài chính khiến chính phủ không còn đủ lực để tái kích hoạt nền kinh tế. Với tư duy kinh tế tư nhân là trên hết, chính phủ thậm chí không tận dụng vai trò là cổ đông lớn trong Ngân hàng Hoàng gia Xcốtlen (RBS), Lloyds TSB và Northern Rock để bảo các ngân hàng này phải làm gì. Chuyển nguồn vốn từ các ngân hàng này tới những nơi cần thiết sẽ hiệu quả hơn nhiều là bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế.
Tại Mỹ, sức ép của phe Cộng hòa đối với chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã đẩy kinh tế Mỹ vào thế bế tắc với chính sách cắt giảm tài chính. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới vẫn sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn. Bằng chứng là sau khi S&P đánh tụt hạng tín nhiệm của Mỹ thì nhu cầu trái phiếu chính phủ nước này trên thị trường lại tăng lên.
Khu vực đồng euro (Eurozone) đang tự đầu độc mình bằng ý thức hệ có từ thế kỷ 18: Đề cao tính tự chịu trách nhiệm. Tình thế hiện nay được mô tả là “khủng hoảng ngân sách”, song nếu tính toàn bộ khu vực sử dụng đồng euro thì không khủng hoảng. Thâm hụt ngân sách của cả khu vực chỉ vào khoảng 6% GDP, so với 10-11% của Mỹ và Anh. Và trừ trường hợp Hy Lạp, nếu có thành viên nào đó bị khủng hoảng ngân sách đi nữa thì chủ yếu là do nguồn thu từ thuế giảm (vì kinh tế suy thoái) và do đổ tiền cứu trợ ngân hàng, chứ không phải do chi tiêu quá đà. Trước khi khủng hoảng, Tây Ban Nha và Ailen từng đạt thặng dư ngân sách tương đương 2-3% GDP, và thâm hụt của Italia và Bồ Đào Nha chỉ từ 1,5-4% GDP, hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát.
Do Nhật Bản đang chật vật với khó khăn, hy vọng duy nhất cho phương Tây dường như là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin và Nam Phi. Tuy nhiên, các nước này không thể là những vị cứu tinh cho thế giới tư bản. Ngay cả với ba thập kỷ tăng trưởng và 1,3 tỷ dân, kinh tế Trung Quốc mới chỉ chiếm hơn 8,5% GDP toàn cầu, vì vậy nỗ lực của Bắc Kinh không thấm vào đâu so với những gì xảy ra ở các nước giàu. Hơn nữa, Trung Quốc còn đang vất vả với thị trường bất động sản và xoa dịu mâu thuẫn xã hội ở trong nước. Với tỷ trọng tương ứng 2,2% và 2,7% GDP toàn cầu, kinh tế Ấn Độ và Braxin vẫn chỉ là “hạng ruồi”; trong khi Nam Phi, với tỷ trọng 0,5% GDP toàn cầu, chỉ là “hạng muỗi”. Cả ba nền kinh tế này đều phải đối phó với căng thẳng xã hội trong nước do chênh lệch giàu nghèo lớn.
Vì vậy, bức tranh kinh tế toàn cầu u ám ở mọi nơi. Để thoát hiểm, phương Tây cần từ bỏ ý thức hệ về kinh tế có từ thế kỷ 18 để đi theo hướng: Đưa vốn tới nơi cần, tăng chi tiêu công trong các lĩnh vực quan trọng (cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và việc làm) và không chỉ dừng lại ở cải cách tài chính. Tuy nhiên, khả năng này dường như khó xảy ra, không phải chỉ bởi sức ép “vận động hành lang” của giới tài phiệt. Có thể các nhà lãnh đạo phương Tây đang chờ cuộc khủng hoảng xấu thêm rồi mới hành động. Nhưng khi đó, họ đã gây ra quá nhiều đau khổ và thất vọng cho người dân.
Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)