7 xu hướng sẽ định hình Trung Quốc thập niên 2020

Thế giới có thể mong đợi gì từ Trung Quốc trong thập kỷ mới này? Căng thẳng Mỹ-Trung, tăng trưởng kinh tế chậm hơn, hội nhập theo chiều dọc và hướng sang tiêu dùng nội địa, những xu hướng này đều có khả năng ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly trong tiệc đón tiếp các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn "Vành đai, Con đường" ở Bắc Kinh ngày 26/4/2019. Ảnh: AP 

Đối mặt với nhiều cơn gió ngược, quỹ đạo phát triển của Trung Quốc khó có thể suôn sẻ. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, mặc dù sẽ có những thay đổi lớn, nhưng những xu thế sau đây nhiều khả năng sẽ định hình Trung Quốc trong thập kỷ mới.

Trước hết, là một vụ va chạm “kiến ​​tạo” trên tất cả các mặt trận với Mỹ. Những mối lo ngại về Trung Quốc ở Mỹ đang đạt đến đỉnh cao. Tâm lý này được thúc đẩy bởi những quan điểm như từ các cuốn sách: “Chết dưới tay Trung Quốc” (Death by China) của Peter Navarro (năm 2011); “Cuộc đua trăm năm: Chiến lược bí mật của Trung Quốc để thay thế nước Mỹ thành siêu cường toàn cầu” của Michael Pillsbury (2015), hay "Cuộc chiến tranh lén lút: Cách Trung Quốc hành động trong khi Mỹ ngủ ngon” của Robert Spalding (năm 2019).

Tại Mỹ, có một sự đồng thuận vững chắc từ cả hai đảng rằng một Trung Quốc hùng mạnh, nếu không được kiểm soát, sẽ tước quyền lãnh đạo của Mỹ trong trật tự thế giới tự do.

Dù là ai ở trong Nhà Trắng, cuộc chiến nhằm kiềm tỏa Trung Quốc sẽ tiếp tục, nếu không muốn nói là tăng cường, trong khi Trung Quốc quyết bảo vệ tham vọng đạt được hai mục tiêu thế kỷ của mình: trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2021, nhân 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc; và trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và hiện đại, vào năm 2049, đúng 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn sách "Death by China" của Peter Navarro, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế chậm hơn của Trung Quốc có khả năng trượt vào phạm vi 5-6%/ năm. Động lực kinh tế của Trung Quốc, vốn được thúc đẩy bởi cơ sở hạ tầng, bất động sản và xuất khẩu, hiện ở trạng thái đi ngang. Những động cơ tăng trưởng mới hơn, như dịch vụ và tiêu dùng, sẽ mất nhiều thời gian hơn để có ảnh hưởng mạnh mẽ.

Áp lực để duy trì sự ổn định kinh tế sẽ tăng lên, trong bối cảnh tình hình nhân khẩu học ngày càng xấu đi, nợ nần, doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, xung đột tiếp diễn với Mỹ và các gián đoạn khác. Trong mọi trường hợp, một tốc độ tăng trưởng kinh tế vừa phải hơn chắc chắn sẽ xảy ra.

Thứ ba, do bị từ chối tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Mỹ, Trung Quốc đang đẩy nhanh phát triển các công nghệ “Made in China 2025”. Các cột mốc của thập niên mới được dự báo sẽ bao gồm ứng dụng mạng 5G, trí tuệ nhân tạo, robot tiên tiến, công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo và xe cộ chạy bằng nhiên liệu mới. Những điều này rất quan trọng đối Trung Quốc trong việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình, bảo vệ an ninh quốc gia và đạt được các mục tiêu thế kỷ của mình.

Xem video ô tô điều khiển từ xa công nghệ 5G lần đầu tiên chạy trên đường phố tại Trung Quốc:

Thứ tư, phần còn lại của thế giới nhiều khả năng sẽ trở nên phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc hơn là chiều ngược lại. Theo báo cáo của Viện toàn cầu McKinsey, nền kinh tế Trung Quốc đang tái cân bằng theo hướng lấy tiêu dùng trong nước là động lực chính. Lĩnh vực này đóng góp tới 76% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2017 và 2018.

Thị trường tiêu dùng Trung Quốc đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Xét 10 danh mục hàng tiêu dùng lớn, trung bình các tập đoàn đa quốc gia thâm nhập ở Trung Quốc là 40% trong năm 2017, so với 26% ở Mỹ.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại ngày càng gay gắt đã đẩy nhiều hoạt động sản xuất từ ​​Trung Quốc đến các khu vực đang phát triển khác trên thế giới. Những điều này đòi hỏi công nghệ trung bình và hàng hóa trung gian từ Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh tăng tốc hội nhập dọc.

Thứ năm, một thập kỷ của người tiêu dùng Trung Quốc đang mở ra, được thúc đẩy bởi sức tiêu thụ bùng nổ ở nội địa. Một chất xúc tác mạnh mẽ là hệ thống thương mại điện tử và thanh toán điện tử rất năng động của Trung Quốc - một hệ thống lớn nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Trung Quốc và mục tiêu "Made in China 2025".

Ngoài ra, để đạt được tái cân bằng kinh tế, tiêu dùng trong nước vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách của Trung Quốc. Thị phần tiêu dùng của Trung Quốc trong tiêu dùng thế giới đã tăng lên 12% trong năm 2018 tính theo USD, tương đương 14% nếu được điều chỉnh theo ngang giá sức mua. Điều này đang đặt Trung Quốc vào đúng hướng đi để trở thành một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Thứ sáu, Trung Quốc có khả năng trở thành một “siêu cường xanh”. Theo một báo cáo được công bố bởi công ty Elsevier của Hà Lan, Trung Quốc có thể đạt được mức tiêu thụ năng lượng tái tạo chiếm 26% vào năm 2030.

Một báo cáo của Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng (ETC) và Viện Rocky Mountain (Mỹ) cho thấy Trung Quốc có nền tảng tốt để đạt được cân bằng khí thải carbon khi trở thành nền kinh tế phát triển hoàn toàn vào năm 2050.

Chú thích ảnh
Khai thác năng lượng Mặt Trời tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: chinadialogue

Trung Quốc hiện đã là nhà sản xuất, xuất khẩu và lắp đặt các tấm pin mặt trời, tua-bin gió, pin và xe điện lớn nhất thế giới, tiếp theo là Nhật Bản, Đức và Mỹ. Trung Quốc sở hữu 150.000 bằng sáng chế năng lượng tái tạo, chiếm khoảng 30% tổng số thế giới, vượt xa Mỹ (100.000), Nhật Bản (75.000) và EU (75.000). Họ cũng có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất, với hơn 30.000 km, so với của Mỹ chỉ không đầy 800km.

Mặc dù ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và nước vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc, quốc gia này đang tiếp cận sự tăng trưởng “xanh” hơn. Những bước tiến lớn được dự kiến sẽ diễn ra ​​trong thập kỷ tới.

Thứ bảy, chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang lên, Trung Quốc đẩy mạnh việc hội nhập xuyên khu vực và xuyên quốc gia thông qua các liên kết kinh tế và cơ sở hạ tầng. Chính sách này được triển khai qua các sáng kiến ​​như Khu vực Vịnh Lớn, Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực và Sáng kiến "​​Vành đai, Con đường".

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, thương mại tích lũy của nước này với các quốc gia tham gia “Vành đai, Con đường” đã vượt 7.000 tỷ USD trong năm 2018, với các khoản đầu tư trị giá hơn 30 tỷ USD. Những chuyến tàu chở hàng kết nối các thành phố của Trung Quốc với 49 thành phố ở 15 quốc gia châu Âu. Tính đến năm 2018, Bắc Kinh đã ký 171 thỏa thuận hợp tác với hơn 150 quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Đất nước Trung Quốc hiện đại có một lịch sử đầy biến động, và thập kỷ 2020 này có khả năng sẽ chứng kiến một bước ngoặt mới.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Cảnh tuyết trắng đóng băng vạn vật tại Trung Quốc
Cảnh tuyết trắng đóng băng vạn vật tại Trung Quốc

Thời tiết mùa Đông ở phía Bắc Trung Quốc đang rất lạnh, có nơi nhiệt độ xuống dưới âm 50 độ C. Dưới cái lạnh ghê gớm như vậy hầu như tất cả mọi thứ đều bị đông cứng lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN