Khẳng định không có mối liên hệ trực tiếp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), đơn vị này cho hay, tới hiện tại, VETC chưa nhận được văn bản nào của Tập đoàn Viettel về việc phối hợp xử lý hiện tượng dán chồng thẻ.
Thực tế cho đến nay, chưa có định nghĩa và phân loại cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về lỗi dán chồng thẻ ETC.
“VETC đang tích cực phối hợp, làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) để làm rõ, phân loại các lỗi thẻ ETC, trách nhiệm của các bên để có kết luận và giải pháp chung nhằm khắc phục triệt để các lỗi thẻ phát sinh", VETC cho hay.
Đề cập đến các lỗi thu phí không dừng, VETC cho biết, thực tế vận hành trên các tuyến đường cao tốc, trạm thu phí, VETC ghi nhận các lỗi thẻ ETC phổ biến như lỗi kích hoạt tài khoản giao thông ảo (trường hợp trên xe chưa dán thẻ ETC và không có sự đồng ý của chủ phương tiện nhưng xe đã bị kích hoạt tài khoản giao thông). VETC không có chính sách, không thực hiện kích hoạt tài khoản giao thông ảo.
Lý giải về dán thẻ của nhà cung cấp này lên xe chưa dán thẻ ETC nhưng bị kích hoạt tài khoản giao thông ảo bởi nhà cung cấp khác, đơn vị này cũng cho biết, chính sách của VETC chỉ dán thẻ cho trường hợp kích hoạt ảo khi có yêu cầu, chấp thuận của chủ phương tiện và tuân thủ hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Đối với lỗi chưa kích hoạt khi xe đã dán thẻ, VETC cho hay, chỉ kích hoạt khi nhận được yêu cầu của chủ phương tiện và xác minh lại chủ phương tiện đã đủ điều kiện kích hoạt: thẻ đã được dán trên xe, giấy tờ chứng minh chính chủ phương tiện, văn bản đồng ý chấp thuận của chủ phương tiện.
Liên quan đến lỗi dán nhiều thẻ cho cùng một xe, tháo gỡ thẻ ETC hợp lệ của nhà cung cấp dịch vụ này và thay thế bằng thẻ của nhà cung cấp khác, VETC khẳng định không có chính sách dán thẻ, thay thế thẻ đối với xe đã dán thẻ ETC hợp lệ.
"VETC có trách nhiệm hướng dẫn đào tạo nhân viên, cộng tác viên, đại lý uỷ quyền tuân thủ, thực hiện nghiêm túc quy trình dán thẻ và nghiệm thu hồ sơ dán thẻ, liên tục kiểm tra giám sát, biện pháp khắc phục các lỗi thẻ, điều chỉnh hành vi vi phạm. Thực tế phát sinh do lỗi cố tình của cộng tác viên, đại lý uỷ quyền, cá nhân nào thì tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm tháo gỡ, khắc phục vi phạm và chịu trách nhiệm trước pháp luật", đơn vị này cho hay.
Doanh nghiệp này kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành quy định cơ sở về kích hoạt tài khoản giao thông khi có đầy đủ các điều kiện hợp lý hợp lệ như hợp đồng, thỏa thuận với chủ phương tiện sử dụng dịch vụ. Hồ sơ dán thẻ đầy đủ ảnh thực tế đã dán ETC trên xe, giấy tờ chứng minh chủ phương tiện. Đồng thời, đẩy nhanh tiến hành thanh tra toàn diện và tuyên hủy tất cả các tài khoản giao thông bị kích hoạt ảo vẫn còn đang lưu hành và ban hành quy định tiêu chuẩn thẻ ETC.
Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải báo cáo việc có gần 40.000 xe đã dán thẻ ePass bị Công ty TNHH thu phí tự động VETC dán chồng thẻ E-tag, gây thiệt hại và lỗi khi xe qua trạm thu phí.
Việc dán chồng thẻ là không tuân thủ quy chế phối hợp trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ ETC theo hợp đồng kết nối hệ thống ETC giữa Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) và Công ty TNHH Thu phí tự động - VETC. Đồng thời gây lãng phí nguồn lực chung của xã hội về nhân lực, chi phí. Mặt khác, khi 1 xe dán 2 thẻ sẽ làm xung đột về kỹ thuật, gây lỗi khi xe qua trạm thu phí do không nhận và đọc được đúng thẻ.
Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay đã thành lập đoàn kiểm tra công tác dán thẻ của 2 nhà cung cấp dịch vụ. Qua kiểm tra cho thấy tình trạng dán chồng 2 thẻ trên xe ô tô. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định việc dán chồng thẻ xảy ra ở cả hai nhà cung cấp dịch vụ.