Trụ sở UBND tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Nam Thái - Phóng viên TTXVN tại Tiền Giang |
Theo ông Phạm Anh Tuấn, trước đây, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư Trung An, TP Mỹ Tho phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; trong đó, bố trí 3,11 ha đất xây dựng chung cư – nhà ở xã hội.
Ngày 12/2/2017, Công ty TNHH Thuận Phong có đơn xin cấp hoặc được thuê 1,949 ha đất tại Khu dân cư Trung An xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân công ty.
Cùng thời điểm trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và sau đó có Văn bản số 265/TLĐ ngày 7/3/2017 yêu cầu giới thiệu địa điểm và cấp đất xây dựng các thiết chế phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang theo Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Diện tích đất mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị là 2 ha. Dự án theo thiết kế bố trí tổng cộng 632 căn hộ, khoảng 2.528 người ở và tổng mức đầu tư khoảng 303 tỷ đồng từ nguồn vốn của tổ chức công đoàn, vốn Trung ương và vốn vay ưu đãi ngân hàng.
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/3/2017, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 459/QĐ - UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu dân cư Trung An, TP Mỹ Tho.
Theo đó, tỉnh sẽ dành 2 ha trong tổng diện tích 3,11 ha nêu trên để xây dựng các thiết chế phục vụ công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Phần diện tích còn lại là 1,11 ha tiếp tục bố trí xây dựng chung cư – nhà ở xã hội.
Đối với Công ty TNHH Thuận Phong, để đáp ứng yêu cầu, ngày 21/4/2017, UBND tỉnh Tiền Giang có công văn số 1715/UBND-KT do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ký, giao UBND TP Mỹ Tho chủ trì phối hợp cùng các ngành mời làm việc trực tiếp với công ty về chủ trương giao 1,1 ha đất kể trên xây dựng nhà ở công nhân.
Ngày 28/4/2017, UBND TP Mỹ Tho đã có công văn số 2700/BC-UBND do Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Hoàng ký gửi UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo kết quả buổi làm việc với Công ty TNHH Thuận Phong. Báo cáo cho biết, qua làm việc, doanh nghiệp yêu cầu giao đủ 1,949 ha chứ kiên quyết không nhận 1,1 ha.
Hiện, Công ty TNHH Thuận Phong vẫn bảo lưu ý kiến này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ông Phạm Văn Tứ khóc trước Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng để các phóng viên quay phim, chụp ảnh trong ngày 29/4; đồng thời tiếp tục kêu lên các cấp có thẩm quyền.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, mặc dù lãnh đạo tỉnh kiên trì lắng nghe, tìm hiểu, giải thích, vận động nhưng ông Phạm Văn Tứ vẫn không thay đổi quan điểm.
Tỉnh Tiền Giang hiện có trên 4.000 doanh nghiệp. Vụ việc này khiến dư luận phản ứng theo hai hướng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu tỉnh đồng ý với đề nghị của Công ty TNHH Thuận Phong sẽ tạo sự bất công, bởi trước đó có nhiều doanh nghiệp như: Vạn Đức Tiền Giang, Công ty Cổ phần Long Uyên, Công ty Hùng Vương, Công ty Cổ phần Gò Đàng… đã tự bỏ kinh phí đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.