Làm rõ thông tin liên quan đến việc khai thác đất ở khu công nghiệp Phước Nam

Những ngày qua, liên quan đến nội dung thông tin phản ánh của một số cơ quan báo chí cho rằng, Công ty Cổ phần đầu tư Phước Nam có dấu hiệu sai phạm, bởi tự ý khai thác đất trong khu công nghiệp Phước Nam để sàn rửa lấy cát phục vụ dự án.

Để làm sáng tỏ thực hư thông tin phản ánh, phóng viên TTXVN đã làm việc với ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận và được ông Huyền khẳng định: Quan điểm của tỉnh là rất rõ ràng, nếu doanh nghiệp làm đúng thì tỉnh tạo mọi điều kiện để thi công; còn nếu có sai phạm thì đề nghị dừng để kiểm tra và xử lý theo quy định.

Việc chủ đầu tư khu công nghiệp Phước Nam lấy đất dôi dư để thực hiện dự án giai đoạn 1 là đúng với văn bản 1559 của UBND tỉnh quy định; qua đó chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ để thi công đảm bảo tiến độ. Việc chủ đầu tư có lấy đất ở giai đoạn 2 của dự án để đắp bờ chặn dòng nước sàn cát là không đúng quy định, bởi giai đoạn này tỉnh chưa giao đất cho chủ đầu tư. UBND tỉnh đã đề nghị chủ đầu tư dừng khai thác đất ở giai đoạn 2; đồng thời sẽ xử lý vi phạm này của chủ đầu tư.

Ông Lê Huyền nhấn mạnh: Trong các nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp tại địa phương, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư Phước Nam là doanh nghiệp làm tốt nhất từ trước tới nay. Bởi chỉ trong thời gian ngắn gia hạn dự án, Công ty Cổ phần đầu tư Phước Nam đã dốc toàn lực thực hiện dự án. Đến nay, dự án cơ bản hoàn thành 90% cốt đường; bê tông hóa đường đạt 70%; hệ thống thoát nước đạt 40%; cổng tường rào bao quanh toàn khu công nghiệp đạt 90%. Kết quả đó đã khẳng định năng lực, trách nhiệm của doanh nghiệp.    

Trước đó, liên quan đến thông tin phản ánh, UBND tỉnh Ninh Thuận đã lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Thông tin và Truyền thông; Ban Quản lý các khu công nghiệp; UBND huyện Thuận Nam và chính quyền hai xã vùng dự án là Phước Nam, Phước Minh; Công ty Cổ phần đầu tư Phước Nam và nhiều đại diện cơ quan báo chí cùng đi kiểm tra thực địa tại khu công nghiệp Phước Nam.

Tại thực địa, ông Vũ Văn Xuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phước Nam, chủ đầu tư khu công nghiệp Phước Nam chỉ rõ những điểm mà một số báo đã phản ánh. Cụ thể là những điểm cào bóc đất để làm đường giao thông nội bộ, làm bờ đắp chặng song tích nước sàn rửa cát…

Ông Vũ Văn Xuyên cho rằng, do lòng đường hạ thấp cao độ với mặt bằng chung, có điểm sâu 2 - 3 m nên để tận thu lớp đất dự thừa với khối lượng 386.096 m3 phục vụ lại dự án, công ty đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và được Bộ hướng dẫn thực hiện theo quy định tại văn bản 1002/BTNMT-TCMT ngày 1/3/2022 nhưng không làm tăng quy mô, công suất của dự án, không làm thay đổi công nghệ sản xuất của dự án, địa điểm thực hiện dự án…, phải đảm bảo theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho biết, do thiết kết của dự án trước đây không còn phù hợp, nhà đầu tư khu công nghiệp Phước Nam đã đề nghị điều chỉnh thiết kế lại (hạ thấp cốt đường xuống so với trước) và được Sở Xây dựng thẩm định tại công văn số 1831 ngày 2/6/2021 về phê duyệt điều chỉnh thiết kế các tuyến đường cho phù hợp với hiện tại; đồng thời việc lập thiết kế thi công cũng được Sở Xây dựng thẩm định tại văn bản số 2626 ngày 20/7/2021.

Chính việc điều chỉnh thiết kế này dẫn đến câu chuyện một lượng đất san lấp dôi dư với số lượng nêu trên. Theo đó, Công ty Cổ phần đầu tư Phước Nam đã kiến nghị với tỉnh cho thu hồi lớp đất mặt để phục vụ lại dự án. Vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản số 1559/UBND-KTTH đồng ý cho công ty được thu hồi khối lượng đất từ việc thi công tại các trục đường số 1, 2, 3, 4 và 9 (giai đoạn 1) để làm vật liệu san lấp theo đúng vị trí, diện tích khu vực thu hồi trong thời gian đến ngày 31/10/2022, đảm bảo các yếu tố về môi trường theo văn bản 1002 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và theo đúng quy định pháp luật; đặc biệt không làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án theo quy định.

Qua báo cáo của Công ty Cổ phần đầu tư Phước Nam tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cũng khẳng định: Việc tận thu khoáng sản của công ty là đúng với văn bản 1559 của UBND tỉnh. Công ty cũng đã đóng tất cả các khoản thuế, phí có liên quan nên việc tận thu khoáng sản sử dụng là không có sai phạm.

Ông Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cũng cho rằng, việc Công ty Cổ phần đầu tư Phước Nam lấy đất dôi dư sàn rửa cát để phục vụ dự án là hợp lý. Bởi trong bối cảnh khó khăn về vật liệu xây dựng như hiện nay và việc dự án cần đẩy nhanh tiến độ theo quy định của tỉnh thì rõ ràng việc làm của công ty là sáng tạo, tích cực, không sai phạm. Công ty cũng chủ động đắp đê ngăn nước sàn cát cũng không gây ảnh hưởng gì đến vấn đề môi trường, đến đời sống nhân dân, thậm chí mang lại lợi ích cho người dân chăn nuôi gần dự án, bởi cung cấp được nguồn nước cho gia súc trong thời điểm khô hạn.         

Việc một số cơ quan báo chí phản ánh, cho rằng công ty sử dụng phương tiện chở khoáng sản ra ngoài để làm mục đích khác là không đúng. Bởi qua chứng minh thực tế, các phương tiện chở khoáng sản có đi qua khu công nghiệp là phương tiện của một doanh nghiệp khác đang khai thác khoáng sản được tỉnh cấp phép có vị trí tiếp giáp với khu công nghiệp Phước Nam.

Còn phần việc công ty làm, đó là lấy đất với diện tích rộng khoảng 1.000 m2, chiều sâu có đoạn từ 1-2 mét trong phần đất giai đoạn 2 thuộc 370 ha đất của dự án để đắp đê chặn dòng tích nước đãi cát là không đúng. Bởi đất này chưa được tỉnh giao cho công ty thực hiện dự án và phải dừng khai thác.

Về việc này, ông Vũ Văn Xuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phước Nam cũng thừa nhận sai phạm của mình; đồng thời hứa khắc phục, không để vi phạm xảy ra.

Dự án khu công nghiệp Phước Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2007; chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ hai vào năm 2021; giấy chứng nhận đầu tư do Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh cấp.

Liên quan đến vấn đề đất đai, dự án khu công nghiệp Phước Nam được UBND tỉnh Ninh Thuận cho thuê đất vào năm 2007. Sau đó đến năm 2010 điều chỉnh lại quy định, được Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng cho thuê đất với diện tích giai đoạn 1 là 153,4712 ha/370 ha.

Dự án này kéo dài, chậm tiến độ nên đến năm 2018, UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định gia hạn theo quy định của pháp luật đất đai, thời gian gia hạn 24 tháng tính từ ngày ký ban hành quyết định, từ 25/7/2018-25/7/2020). Khi hết thời gian gia hạn, do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2020 và 2021 nên dự án lại trì trễ.

Xét thấy việc chậm tiến độ, không hoàn thành dự án do nguyên nhân khách quan nên UBND tỉnh xác định đây là trường hợp bất khả kháng và tiếp tục ban hành quyết định số 777/QĐ-UBND ngày 30/11/2021 gia hạn thêm với thời hạn 12 tháng và buộc nhà đầu tư phải hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng thời gian quy định.

Ông Nguyễn Văn Quế cho biết, khi giao đất, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư Phước Nam đã rất nỗ lực và quyết tâm để hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của dự án này. Thực tế qua kiểm tra cho thấy, doanh nghiệp hết sức quyết tâm, bởi dự án quá kéo dài ở những năm trước (do thay đổi chủ đầu tư). Hiện nay cơ bản các trục đường đã được đổ bê tông và sắp hoàn thành. Trên công trường, các phương tiện hoạt động rất rầm rộ, điều đó thể hiện sự quyết tâm và trách nhiệm cao của nhà đầu tư đối với chính quyền địa phương.

Người dân vùng dự án cũng rất phấn khởi, bởi 15 năm qua khi đất của người dân được thu hồi làm dự án thì mãi bỏ hoang, không phát huy hiệu quả. Giờ đây, khu nghiệp Phước Nam đã tìm được nhà đầu tư mới, bằng chứng là dự án đang được đẩy mạnh đầu tư thi công.

Công Thử (TTXVN)
Ninh Thuận: Làm rõ thông tin về việc doanh nghiệp ngang nhiên khai thác khoáng sản
Ninh Thuận: Làm rõ thông tin về việc doanh nghiệp ngang nhiên khai thác khoáng sản

Tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Bình Minh - Ninh Thuận đã tạm dừng hoạt động khai thác tại mỏ cát; không có phương tiện, thiết bị khai thác trong diện tích mỏ được cấp phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN