Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, cho biết, sau khi nhận được yêu cầu từ phía Tiền Giang, lãnh đạo tỉnh Long An đã chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu triển khai việc đắp đập ngăn mặn trên sông Vàm Cỏ Tây để giúp ngăn chặn xâm nhập mặn vào Tiền Giang. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An lập tức tiến hành khảo sát và đề xuất các phương án thực hiện.
Tuy nhiên, trong thời điểm xem xét, tỉnh nhận được thông tin dự báo của Cục khí tượng thủy văn Trung ương là đầu tháng Tư, nước ngọt từ đầu nguồn sông Mê Kong sẽ về đến Đồng bằng sông Cửu Long, độ mặn trên các sông sẽ giảm xuống, có thể lấy nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, việc đắp đập ngăn mặn tạm thời sẽ tốn khá nhiều chi phí, sau khi có nước ngọt cũng phải phá bỏ. Trong các phương án được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đề xuất, phương án tiết kiệm nhất là đắp 6 con đập trên các kênh tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Tây với kinh phí 2,4 tỷ đồng. Do đó, tỉnh Long An mới tạm ngưng việc đắp đập để tiếp tục theo dõi tình hình.
Cũng theo ông Lê Văn Hoàng, việc tạm ngưng chỉ là tạm thời để tránh gây lãng phí. Lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo, trong trường hợp cấp bách sẽ tiến hành đắp đập ngăn mặn ngay để tránh gây thiệt hại cho hơn 16.000 ha dứa của bà con nông dân Tiền Giang. Do đó, việc thông tin trên báo chí cho rằng tỉnh Long An từ chối đắp đập ngăn mặn giúp Tiền Giang là hoàn toàn không chính xác, dễ gây hiểu nhầm.
Trước đó, một số thông tin trên báo chí cho rằng, UBND tỉnh Long An đã từ chối yêu cầu đắp các con đập ngăn mặn trên các tuyến kênh rạch tiếp giáp sông Vàm Cỏ Tây của UBND tỉnh Tiền Giang mà không nêu rõ lý do. Việc đắp đập nhằm cứu hơn 16.000 ha dứa đang có nguy cơ bị thiệt hại do nhiễm mặn và phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.