Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Đồng Hỷ, tính đến tháng 3/2017, tổng số hộ bị rạn nứt nhà cửa là 133 hộ, trong đó xã Cây Thị có 89 hộ, thị trấn Trại Cau có 44 hộ. Ngoài ra ở một số xóm, tổ dân phố của xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau đều có tình trạng các giếng khoan, giếng đào của các hộ bị cạn nước, thiếu nước sinh hoạt. Riêng khu vực xóm Trại Cau, Hòa Bình, Kim Cương của xã Cây Thị có 117 thửa ruộng với tổng diện tích gần 75.000 m2 của 44 hộ bị sụt lún thành hố sâu hoặc nghiêng ruộng, mất nước, người dân không thể tiếp tục thâm canh lúa mà phải chuyển sang trồng màu hoặc bỏ hoang...
Tuyến đường liên xã Cây Thị - Trại Cau bị xe tải nặng chở khoáng sản cày nát mặt đường. |
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ đã tích cực vào cuộc, tìm các giải pháp để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Bước đầu, theo xác định của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, nguyên nhân của tình trạng này là do các moong khai thác khoáng sản; ảnh hưởng của hoạt động khai thác tại moong tầng sâu Núi Quặng.
Tuy nhiên, để có đủ cơ sở khoa học kết luận một cách toàn diện, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản đề nghị Viện Khoa học và địa chất khoáng sản Việt Nam tiếp tục điều tra, nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá mức độ ảnh hưởng, làm cơ sở để xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị khai thác khoáng sản gây ra tình trạng sụt lún đất, nứt nhà, mất nước của các hộ dân bởi thực tế hiện nay ở khu vực này, có tới 4 doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản gồm: Mỏ sắt Trại Cau - Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, Công ty cổ phần luyện kim đen, Doanh nghiệp Anh Thắng và Công ty cổ phần Kim Sơn.
Trong văn bản mới đây của UBND tỉnh Thái Nguyên cũng khẳng định: Hiện Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã xây dựng xong phương án điều tra tổng thể với kinh phí thực hiện khoảng 3,6 tỷ đồng, thời gian thực hiện khoảng 6 tháng. Dự án điều tra, nghiên cứu chuyên sâu ngoài việc xác định rõ chủ thể gây ra tình trạng sụt lún, mất nước, nứt nhà của của dân còn làm cơ sở để xây dựng phương án phòng ngừa, khắc phục, đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trong khu vực...
Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên về giải quyết tình trạng sụt lún đất, nứt nhà, mất nước tại xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau, huyện đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong khu vực rà soát, thống kê, xác định số hộ bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của từng hộ, đề xuất di dời các hộ bị ảnh hưởng nặng.
Trong thời gian chờ đơn vị tư vấn điều tra làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, huyện đã yêu cầu Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên tạm ứng 50% kinh phí và đề nghị UBND tỉnh bố trí 50% kinh phí để bồi thường, hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đối với việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân, huyện phối hợp cùng Mỏ sắt Trại Cau, chính quyền xã Cây Thị cung cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân; tiến hành san lấp diện tích đất nông nghiệp bị sụt lún đảm bảo cho người dân canh tác, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, lập phương án hỗ trợ sản lượng cho các hộ bị ảnh hưởng...
Riêng đối với các hộ bị ảnh hưởng trong vùng Dự án khai thác quặng sắt mỏ Chỏm Vung Tây, xã Cây Thị của Công ty cổ phần luyện kim đen Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ cũng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng đối với các hộ đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án dự án bồi thường giải phóng mặt bằng của UBND huyện Đồng Hỷ, việc chi trả thực hiện xong trước ngày 15/4/2017.
Như TTXVN đã nhiều lần thông tin, hiện tượng sụt lún đất, mất nước, nứt nhà dân đã từng xảy ra tại thị trấn Trại Cau, xã Cây Thị - khu vực lân cận điểm mỏ khai thác quặng sắt moong Thác Lạc của Mỏ sắt Trại Cau từ trước năm 2010. Sau đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định nguyên nhân trực tiếp là do hoạt động bơm tháo khô mỏ tại moong Thác Lạc 3 của Mỏ sắt Trại Cau vượt quá công suất, đã tạo ra phễu làm hạ mạnh mức nước xung quanh moong khiến nước dưới đất vận động mạnh, gây mất cân bằng tĩnh trong các tầng đất phủ, đẩy nhanh sự sụt đất, nứt đất, mất nước. Trên cơ sở kết luận của cơ quan chức năng, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, đơn vị chủ quản của Mỏ sắt Trại Cau đã hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng hàng chục tỷ đồng.