Tình trạng sụt lún ở huyện Chợ Đồn xảy ra từ lâu và mật độ ngày càng tăng khiến người dân hoang mang. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp cùng với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường tìm hiểu nguyên nhân, có biện pháp khắc phục, nhằm ổn định đời sống người dân.
Ngay sau đó, “Đề án khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân gây sụt lún đất tại tổ 10, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn” đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, lựa chọn Liên đoàn Vật lý Địa chất thuộc Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thi công với các hạng mục công việc như: Đo địa vật lý, khoan máy địa chất và thí nghiệm địa chất thủy văn; diện tích thực hiện đề án là 4,5 ha xung quanh vị trí sụt lún tại tổ 10, thị trấn Bằng Lũng. Kinh phí thực hiện Đề án là 814 triệu đồng.
Cánh đồng Nà Bưa, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn xuất hiện nhiều hố sụt lún. Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN |
Căn cứ kết quả thực hiện Đề án, theo kết luận của các nhà khoa học, nguyên nhân cơ bản của hiện tượng sụt lún nêu trên là do điều kiện tự nhiên tạo nên, đó là tồn tại hệ thống hang ngầm hở (trần hang là đất đá gắn kết yếu, chứa nước và không chứa nước) và hệ thống đới đập vỡ nứt nẻ chứa nước.
Do đặc điểm địa chất tự nhiên, đá carbonat nứt nẻ dập vỡ bị nước hòa tan và rửa lụa hoặc hang động (hang động caster) tạo thành hệ thống kênh dẫn nước. Hệ thống hang hở có thể xảy ra hiện tượng sụt lún khi điều kiện thuận lợi.
Cùng với đó, quá trình khai thác nước ngầm dân sinh trong khu vực và những vùng lân cận, hoạt động khai thác khoáng sản trong khu vực và vùng lân cận có thể là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây sụt lún tại tổ 10, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân là do hoạt động dân sinh. Hệ thống hang caster tại đây nằm dưới đường quốc lộ 3B có mật độ xe qua lại nhiều, xe có tải trọng lớn tạo ra lực cộng hưởng tác động làm cho lớp đất đá trần hang bị rung chuyển và rơi rụng dần, hoặc nứt vỡ thêm trên nền trần hang ngày càng mỏng hoặc bị phá vỡ do vậy hệ số chịu tải giảm xảy ra sập lở, sụt lún. Đây là nguyên nhân trực tiếp tác động và sớm gây sụt lún tại vị trí sụt lún tổ 10 thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Kạn và địa phương đã thảo luận và có nhiều ý kiến để có biện pháp khắc phúc tình trạng sụt lún, ổn định cuộc sống, tư tưởng của người dân và giúp người dân yên tâm sản xuất.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản khẳng định đây là hiện tượng bình thường của tự nhiên, xếp vào dạng thiên tai, thường xảy ra ở những vùng phân bố đá vôi. Hiện tượng này đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới; trong nước đã xảy ra tại Cẩm Phả (Quảng Ninh), Quốc Oai (Hà Nội), Hậu Lộc (Thanh Hóa), Cam Lộ (Quảng Trị).
Theo đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng khuyến cáo cần có biện pháp chủ động phòng tránh, ứng phó; hạn chế hút mạch nước ngầm, hút nước mỏ chì kẽm Nà Tùm. Các giải pháp về mặt khoa học cần có thời gian và kinh phí, kết luận ngay lập tức chưa đủ cơ sở khoa học.
Về phía đại diện Công ty Khai khoáng Bắc Kạn, đơn vị có mỏ chì kẽm Nà Tùm nằm trong khu vực sụt lún cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm đưa ra được phương án cụ thể tránh ảnh hưởng đến việc sản xuất của công ty vì công ty đầu tư vào đây số vốn rất lớn nhưng lại buộc dừng hoạt động trong khi nguyên nhân không phải trực tiếp do đơn vị gây nên.
UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sớm hoàn thiện đề án và thực hiện, đánh giá một cách tổng thể, khách quan để từ đó có giải pháp cụ thể.
Đây mới là bước đầu xác định được các nguyên nhân gây ra sụt lún, do nguồn kinh phí của địa phương hạn chế nên đề án này mới chỉ được nghiên cứu trên phạm vi hẹp, cụ thể là trên diện tích 4,5 ha chung quanh vị trí sụt lún tại tổ 10, thị trấn Bằng Lũng nên chưa chỉ ra cụ thể, đầy đủ các khu vực có thể xảy ra sụt lún và các nguyên nhân gây sụt lún.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ nguồn kinh phí để xây dựng đề án mở rộng vùng nghiên cứu sụt lún tại thị trấn Bằng Lũng và xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, nhằm khoanh định diện tích tồn tại hệ thống hang caster, vùng đất yếu có nguy cơ sụt lún cao, ảnh hưởng tới các khu dân cư, công trình hiện có và các công trình dự án quy hoạch nhằm định hướng phát triển kinh tế, xã hội bền vững khu vực này.
Theo đó , ngày 2/1/2016, trên tuyến tỉnh lộ 254 thuộc địa bàn tổ 10 thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, đã xảy ra sự cố sụt lún với 1 hố sâu khoảng trên 12m, đường kính khoảng 16m. Ngày 16/1/2016, tại vị trí cũ lại bị sụt lún toàn bộ số đất đã san lấp với miệng hố có chiều hướng rộng ra thêm.
Trước đó, hiện tượng sụt lún đã xảy ra tại các khu vực lân cận ( sụt lún nứt đất tại các thôn: Cốc Thử, Nà Tùm, Nà Bưa, Bản Tàn năm 2008; nứt đất ảnh hưởng đến nhà dân, nhà mẫu giáo thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng năm 2014; sụt lún tại cánh đồng Nà Bưa, thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái năm 2015).
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chủ động triển khai các giải pháp khắc phục, kịp thời ổn định đời sống người dân khu vực xảy ra sụt lún, đồng thời giao ngành chức năng báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét, xác định nguyên nhân sự cố.