Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, lễ khai trương Cổng DVCQG sẽ diễn ra vào ngày 9/12/2019.
Người dân có thể truy cập vào địa chỉ: www.dichvucong.gov.vn; chỉ cần đăng ký 1 tài khoản duy nhất để đăng nhập và tra cứu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nếu gặp sự cố, người dân và doanh nghiệp có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng 18001096.
Về độ bảo mật thông tin, ông Hervé Le Bars, chuyên gia Chính phủ điện tử (thuộc Công ty Expertise France - đơn vị phối hợp Chính phủ Việt Nam trong chương trình phát triển Chính phủ điện tử cấp địa phương) cho biết: Giải pháp liên quan đến bảo mật thông tin đều ở mức tốt, các chuyên gia của Pháp đã phối hợp cùng với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trong suốt thời gian qua để hoàn thiện. Hiện tại, thông tin trên Cổng được đảm bảo an toàn.
Phó Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cũng khẳng định: Trung tâm dữ liệu được thiết kế vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, qua nhiều năm thử nghiệm đã được kiểm chứng mức an toàn và thông suốt.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan, sau 9 tháng triển khai, DVCQG về cơ bản đã hoàn thành. Chức năng đăng nhập 1 lần, sử dụng 1 tài khoản để đăng nhập, tra cứu dữ liệu hoàn toàn trực tuyến; người dân và doanh nghiệp có thể theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, tiếp nhận phản ánh kiến nghị liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí các dịch vụ…
Trên thực thế, trước khi có cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia thì mỗi địa phương đều có cổng thông tin riêng, cũng tích hợp nhiều chức năng tương tự.
Về việc có trùng lặp thông tin hay không, đại diện Văn phòng Chính phủ khẳng định: Thông tin tại Cổng DVCQG sẽ được tích hợp hoàn toàn và đồng bộ với Cổng thông tin của các ban ngành, địa phương, bên cạnh đó sẽ cập nhật liên tục thông tin mới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin thêm, đây chỉ là bước ban đầu, trong 5 năm, 10 năm và lâu hơn nữa, Chính phủ sẽ cân đối nhu cầu bức thiết của người dân để bổ sung thêm các dịch vụ trên cổng dịch vụ.
Theo lộ trình tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến, năm 2020 sẽ tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Sau năm 2020, tăng dần mỗi năm tích hợp 20% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương.
Đến nay đã có các bộ, ngành, địa phương kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; 9 tỉnh/thành phố gồm Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Nam Định, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Quảng Ninh; các cơ quan khác gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Vietnamobile, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam.