Trong tổng doanh số bán hàng trên, có 17.593 xe du lịch, tăng 0,1%; 6.133 xe thương mại, tăng 0,4%; và 339 xe chuyên dụng, tăng 10% so với tháng trước.
Xét theo xuất xứ xe, doanh số bán xe sản xuất lắp ráp trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc có xu hướng tăng trưởng trái chiều trong tháng 7 vừa qua.
Cụ thể, trong khi doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 16.088 xe, tăng 2% nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, thì doanh số bán của xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ đạt 7.977 xe, giảm 2% so với tháng trước.
Tính chung doanh số bán 7 tháng năm 2020, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ tổng cộng 131.248 xe các loại, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xe ô tô du lịch giảm 29%; xe thương mại giảm 23% và xe chuyên dụng giảm 39%.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên doanh, doanh số bán hàng trên chưa phản ánh hết toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam bởi còn có sự góp mặt của các thương hiệu khác như: Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo, VinFast, TC MOTOR… Thế nhưng, một số đơn vị này không phải là thành viên VAMA hoặc là đơn vị thành viên nhưng tạm dừng gửi báo cáo hoặc không tiết lộ doanh số bán hàng.
Chỉ tính riêng TC MOTOR (đại diện thương hiệu Hyundai Thành Công) - đơn vị không phải là thành viên VAMA trong tháng 7 vừa qua có doanh số bán 7.606 xe, tăng 35,5% so với tháng trước; nâng tổng doanh số 7 tháng năm 2020 lên 35.620 xe các loại.
Cùng với đó, VinFast cũng vừa công bố doanh số bán hàng trong tháng 7 vừa qua đạt 2.214 xe ô tô các loại. VinFast không công bố doanh số 7 tháng năm 2020, nhưng dựa theo doanh số bán hàng 3 tháng gần đây của VinFast (tháng 5 đạt 2.161 xe, tháng 6 đạt 2.170 xe và tháng 7 đạt 2.214 xe), bình quân mỗi tháng VinFast tiêu thụ gần 2.200 xe, 7 tháng năm 2020 có tổng cộng 15.270 xe được tiêu thụ.
Như vậy, chỉ tính doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA, TC MOTOR và VinFast, thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 7 vừa qua tiêu thụ tổng cộng 33.885 xe các loại; nâng tổng doanh số bán xe của các đơn vị này trong 7 tháng năm 2020 lên 182.138 xe các loại được bàn giao đến người tiêu dùng khắp cả nước.
Theo nhận định của giới chuyên môn, thị trường ô tô Việt Nam sau khi tăng trưởng 26% ở tháng 6 vừa qua, bước sang tháng 7 chỉ tăng 0,3% so với tháng trước cho thấy đã có dấu hiệu chững lại. Một trong những nguyên nhân đó có thể phần lớn người tiêu dùng đã tranh thủ thời “điểm vàng” mua xe trong những ngày cuối tháng 6 để hưởng khuyến mại của các hãng xe và chờ đến đầu tháng 7 mới đăng ký nhằm hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước, khiến doanh số bán xe không tăng trưởng như tháng trước.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh thành, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong khi người người tiêu dùng cũng hạn chế mua sắm xe trong thời điểm dịch bệnh này khiến doanh số bán xe ô tô của toàn thị trườnng chững lại.
Với tình hình dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành phố trong nước, thị trường ô tô Việt Nam trong những tháng tới có thể sẽ tiếp tục gặp thêm khó khăn và khó có thể đạt được tăng trưởng đột phá.