Tháng 2 vừa qua, Ford đã thừa nhận vấn đề trên với Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ và Ban Điều hành tài nguyên khí California, cũng như thuê các chuyên gia bên ngoài để điều tra mức độ tiêu thụ nhiên liệu, tiến hành các cuộc thử nghiệm sau khi các nhân viên bày tỏ quan ngại. Ford cho biết vào thời điểm đó, công ty không biết liệu họ có phải đính chính số liệu đã nộp lên nhà chức trách hoặc thông báo tới người tiêu dùng hay không. Ford tái khẳng định với nhà chức trách Mỹ rằng mối quan ngại này không liên quan đến việc sử dụng thiết bị gian lận.
Kể từ mùa Thu năm ngoái, Ford đã tiến hành điều tra sau khi các nhân viên cho rằng các kết quả tính toán sai đã được dùng để đánh giá dữ liệu khí thải và quãng đường di chuyển nộp lên nhà chức trách. Tháng 2 vừa qua, Ford cho biết đang đánh giá sự thay đổi về quy trình mà hãng sử dụng để phát triển các dữ liệu về nhiên liệu và khí thải, trong đó có thành phần công nghệ, kỹ thuật và quản lý.
Giới chức Mỹ và chính quyền bang California đang tập trung điều tra các hãng xe có hành vi gian lận khí thải sau khi Volkswagen AG của Đức bị cáo buộc có hành vi tương tự. Cuối năm 2015, nhà chức trách Mỹ phát hiện Volkswagen sử dụng một phần mềm để giúp các xe lắp động cơ chạy bằng dầu diesel phát thải quá mức quy định vượt qua các bài kiểm tra chất lượng không khí mà không bị phát hiện. Các cuộc điều tra sau đó cho thấy khoảng 11 triệu xe sử dụng động cơ chạy dầu diesel trên toàn thế giới, trong đó có 600.000 chiếc ở Mỹ, phát thải gấp nhiều lần so với mức cho phép nhưng đã được che giấu trong các cuộc kiểm tra. Volkswagen phải trả giá đắt và đã thiệt hại hơn 31 tỷ USD vì phải trả tiền nộp phạt, dàn xếp các vụ kiện tụng và bồi thường môi trường liên quan vụ bê bối khí thải kể trên.
Tháng 1 năm nay, Fiat Chrysler Automobiles NV đã thỏa thuận nộp 800 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ và bang California về việc hãng xe đã sử dụng phần mềm bất hợp pháp để tạo ra kết quả sai lệch về kết quả kiểm tra khí thải diesel. Cuộc điều tra hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ hiện đã bị đình lại.
Nhà chức trách Mỹ cũng đang điều tra Daimler AG với cáo buộc khí thải của dòng xe Mercedes-Benz chạy bằng diesel vượt mức cho phép. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ và Cơ quan Bảo vệ môi trường đã từ chối tiết lộ tiến triển của cuộc điều tra.
Phía Daimler trước đó cũng thừa nhận nằm trong diện điều tra tại Đức và Mỹ.