Chính phủ Pháp hối thúc hãng Renault tìm CEO mới thay ông Ghosn

Chính phủ Pháp ngày 16/1 kêu gọi hãng sản xuất ô tô Renault tìm người thay Giám đốc điều hành (CEO) hiện tại là ông Carlos Ghosn, cựu Chủ tịch công ty sản xuất ô tô Nissan Motor bị tam giam khoảng 2 tháng qua tại Nhật Bản vì các cáo buộc sai phạm tài chính.

Chú thích ảnh
Ông Carlos Ghosn phát biểu trong cuộc họp báo tại Yokohama, Nhật Bản ngày 12/5/2016. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình LCI, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire hối thúc ban lãnh đạo Renault nhóm họp trong những ngày tới để chọn ra một CEO mới lãnh đạo hãng lâu dài, thay ông Ghosn - người đang đối diện với các cáo buộc gian lận trong kê khai thu nhập cá nhân và lạm dụng tín nhiệm. Nhà nước Pháp là cổ đông lớn nhất trong Renault, sở hữu 15% cổ phần trong hãng này. 

Bộ trưởng Le Maire đưa ra một số đề xuất cho vị trí CEO của Renault, trong đó đáng chú ý có CEO Jean-Dominique Senard của Tập đoàn sản xuất lốp xe nổi tiếng thế giới Michelin.   

Trước đó, ngày 15/1, Tòa án quận Tokyo của Nhật Bản đã bác đề nghị bảo lãnh tại ngoại của ông Ghosn, doanh nhân 64 tuổi mang 3 quốc tịch Pháp, Brazil và Liban. Theo đó, ông Ghosn có thể vẫn bị tạm giam thêm một vài tháng nữa trước khi tòa tiến hành xét xử.  

Cuối tuần qua, luật sư bào chữa cho ông Ghosn cho biết ông này có thể tiếp tục bị tạm giam ít nhất thêm 6 tháng nữa cho đến khi diễn ra phiên tòa tiếp theo do tính phức tạp của vụ việc liên quan các tài liệu bằng tiếng Nhật và tiếng Anh.

Trong phiên tòa ngày 8/1 tại Tokyo, ông Ghosn khẳng định mình vô tội và cho rằng các cáo buộc ông vi phạm luật tài chính là "vô căn cứ". Ông cũng phản đối việc bị giam giữ kéo dài. Đây là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của ông kể từ khi bị bắt hôm 19/11/2018 với cáo buộc vi phạm Luật Quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính, báo cáo không đầy đủ thu nhập cá nhân và thao túng các hồ sơ tài chính.

Ngày 10/12, nhà chức trách Nhật Bản đã phát lệnh bắt giữ mới đối với ông sau khi các công tố viên có thêm cáo buộc ông kê khai thu nhập tại Nhật Bản thấp hơn so với con số thực tế 5 tỷ yên (46 triệu USD) trong 5 năm (tính đến tháng 3/2015). Ngày 11/1 vừa qua, các công tố viên cáo buộc ông Ghosn thêm 2 tội danh gồm tiếp tục hành vi sai trái này trong 3 năm sau đó (đến tháng 3/2018) và lạm dụng tín nhiệm liên quan việc chuyển các khoản thua lỗ đầu tư cá nhân sang cho hãng Nissan.

Kể từ khi bị bắt đến nay, nhà chức trách Nhật Bản đã nhiều lần gia hạn tạm giữ ông Ghosn. Lệnh gia hạn tạm giữ gần đây nhất được đưa ra ngày 31/12/2018, trong đó buộc tội ông lạm dụng tín nhiệm, gây thiệt hại cho hãng Nissan tới 1,8 tỷ yen (hơn 100 triệu USD) hồi năm 2008. Nếu bị kết tội, ông Ghosn có thể đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù và bị phạt 10 triệu yen (hơn 88.000 USD).

Ông Carlos Ghosn là người đứng đầu liên minh sản xuất ôtô gồm hãng Renault của Pháp và 2 hãng Nissan, Mitsubishi của Nhật Bản. Ông được xem là nhân vật quyền lực nhất nhì ngành xe hơi Nhật Bản khi từng giữ vai trò quan trọng giúp Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng này bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.

Minh Tâm (TTXVN)
 Nissan và cựu chủ tịch Ghosn bị kiện vì khai sai tiền thù lao trong 3 năm liên tục
Nissan và cựu chủ tịch Ghosn bị kiện vì khai sai tiền thù lao trong 3 năm liên tục

Cơ quan giám sát chứng khoán Nhật Bản ngày 10/1 đã đâm đơn kiện hình sự đối với cựu Chủ tịch tập đoàn chế tạo ô tô Nissan Carlos Ghosn và chính tập đoàn chế tạo ô tô Nissan liên quan đến việc khai sai tiền thù lao trong thời gian 3 năm tính đến tháng 3/2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN